Chủ Nhật, 8/9/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 23/4/2018 16:11'(GMT+7)

Luật hóa đạo đức công vụ

(Ảnh minh họa: TTXVN)

 

Thông tin Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định thành lập Tổ công tác về kiểm tra công vụ làm nhiều người dân phấn khởi, nhưng lại khiến không ít cán bộ, công chức giật mình. Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân làm Tổ trưởng có nhiệm vụ tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc chấp hành nghiêm các quy định pháp luật của cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ tại các bộ, ngành, địa phương; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các vi phạm trong hoạt động công vụ.

 

Ai đã đến các cơ quan hành chính để làm thủ tục xin giấy phép xây dựng, xác nhận hồ sơ, chuyển quyền sử dụng đất... mới cảm thông với sự bức xúc của người dân trước thái độ hách dịch, cửa quyền, “gây khó để... ló phong bì” của một số cán bộ, công chức. Cuối tuần qua, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan lĩnh vực đầu tư xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra tình trạng tham nhũng, bôi trơn, chi phí không chính thức, cán bộ vô cảm... diễn ra phức tạp, khó kiểm soát, từ khâu quy hoạch, chủ trương đầu tư, đến nghiên cứu, quyết định phê duyệt dự án, giải ngân, đấu thầu, thuế, kho bạc, nghiệm thu... Thủ tướng yêu cầu “phải chống cho bằng được vấn đề trên, không để tình trạng “có 300 lạng việc này mới xong”.

 

Chính vì lẽ đó mà người dân đang hy vọng vào Tổ công tác về kiểm tra công vụ. Tổ công tác này có thể sẽ không đến được hết các địa phương, nhưng chắc chắn tình trạng cán bộ, công chức hành chính “hành dân là chính” sẽ được giảm bớt.

 

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia pháp luật, việc thành lập Tổ công tác để chấn chỉnh tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu dân chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài phải luật hóa vấn đề đạo đức công vụ.

 

Xây dựng bộ máy hành chính năng động, hiệu quả và trong sạch đang là mục tiêu chính của công cuộc cải cách hành chính ở Việt Nam. Để thực hiện được mục tiêu này, trước hết phải có đội ngũ công chức giỏi nghiệp vụ và đáp ứng những chuẩn mực của đạo đức công vụ. Nghiệp vụ của công chức đã có tiêu chí xác định, còn vấn đề đạo đức công vụ dường như trong suy nghĩ của nhiều người vẫn là cái gì đó xa xôi, mơ hồ, vì chưa được quy định cụ thể trong luật.

 

Khi các tiêu chuẩn đạo đức không được phản ánh cụ thể trong khuôn khổ pháp lý thì thật khó xác định đâu là nguyên tắc bắt buộc để điều chỉnh hành vi của công chức. Sự mập mờ này lại được kết hợp với chuyện không minh bạch các quy trình giải quyết công vụ, cung cấp những thông tin được pháp luật thừa nhận mang tính công khai sẽ là môi trường thuận lợi cho công chức có thể vận dụng một cách tùy tiện mà rất khó bị phát hiện. Cùng một sự việc, công chức có thể xử lý theo hướng bất lợi hay có lợi cho người dân tùy theo mối quan hệ, sự thân tình và cả những khoản thù lao, quà cáp không nằm ở bất cứ quy định nào... Phải chăng, cũng vì lẽ đó nên trong đánh giá công chức hằng năm, hầu hết mọi người đều ghi “hoàn thành tốt nhiệm vụ” dù họ có “hành dân”, vô cảm với dân. Thậm chí, ngay cả một số bị can, trước khi có lệnh khởi tố vụ án, vẫn nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua...

 

Luật Đạo đức công chức sẽ luật hóa các vấn đề của đạo đức công vụ, khắc phục được những bất cập nói trên.

 

Trong khi chưa ban hành Luật Đạo đức công chức, Bộ Nội vụ cần sớm nghiên cứu ban hành quy tắc ứng xử mẫu của công chức, làm cơ sở để các cơ quan ban hành quy tắc ứng xử của công chức cho từng ngành nghề, chức danh công chức cụ thể./.'

Đỗ Phú Thọ (Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất