Báo Giao thông trò chuyện với ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội...
Bắt cán bộ cấp cao, lo nhiều hơn mừng
Dư luận chưa hết bất ngờ khi 2 cựu tướng cảnh sát bị bắt vì liên quan đến vụ đánh bạc nghìn tỷ thì mới đây, thêm nhiều cán bộ tiếp tục bị khởi tố trong vụ án liên quan đến Vũ “nhôm”, trong đó có 2 cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng và 1 cựu tướng tình báo của Bộ Công an. Đón nhận những thông tin này, ông có suy nghĩ gì?
Thành thực mà nói, trong các báo cáo về công tác cán bộ, chúng ta vẫn hay nhận định đã đạt kết quả tốt, nhiều thành tựu, nhưng tôi muốn nói thẳng là có thiếu sót nhiều hơn. Và tất nhiên, hậu quả dẫn đến một số cán bộ đã bị bắt, nhưng tôi tin đó mới chỉ là số ít, nhiều trường hợp khác chưa bị lộ. Phải nói là công tác cán bộ còn nhiều vấn đề, động đến đâu, khui ra ở đâu là có vấn đề ở đó. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật mà nói với nhau như vậy.
'
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Tôi cũng vẫn ngẫm, thời trước kinh tế chưa phát triển nhưng không hề có những chuyện như vừa xảy ra. Bây giờ kinh tế phát triển hơn, đời sống nhân dân khấm khá hơn, nhưng tôi có cảm giác lòng dân không yên, không có niềm tin bằng thời kỳ trước đây. Điều này rất nguy hiểm, bởi mất lòng tin là mất tất cả.
Nhưng rất may trong thời điểm này, có một chút niềm tin đang được lấy lại vì Đảng đã cho thấy rất quyết tâm, quyết liệt chống tham nhũng, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai chưa hoặc đang có ý định nhúng chàm. Mỗi cán bộ chắc chắn sẽ phải tự răn mình, biết dừng lại trước khi quá muộn.
Người dân mừng vì những cán bộ cấp cao vi phạm pháp luật đã bị bắt, nhưng cũng buồn vì những người ở địa vị như vậy lại dung túng, tiếp tay cho tội phạm. Ông cảm thấy mừng hay lo nhiều hơn?
Nhân dân có mừng, nhưng mừng một chút thôi, chưa phải một cách trọn vẹn, thoả mãn. Tôi thì thấy lo nhiều hơn. Liệu chúng ta có chống được đến cùng không, có làm được quyết liệt không, bởi việc này vô cùng nhạy cảm và động chạm. Việc bắt bớ hàng loạt đương nhiên ngăn chặn được tham nhũng, nhưng có chống được không?
Nhìn lại những vụ việc thời gian qua, tôi không khỏi chạnh lòng. Những cán bộ, đảng viên ấy khi vào Đảng thì ai cũng thề hy sinh, chiến đấu vì lý tưởng cách mạng suốt đời, nhưng đến khi có quyền lực trong tay lại như vậy, để rồi bị bắt. Không chỉ bản thân, gia đình, dòng họ của họ bị mang tiếng, mà Đảng cũng bị ảnh hưởng uy tín.
|
Cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh (trái) vàVăn Hữu Chiến bị khởi tố liên quan tới vụ Vũ “nhôm” |
Không kiểm soát được quyền lực, cán bộ tự tung, tự tác
Nếu Vũ “nhôm” không bị bắt, không chắc những cán bộ liên quan đã lộ những sai phạm trong thời gian còn đương chức. Nhưng vấn đề đặt ra là những sai phạm đó đã kéo dài qua hai đời Chủ tịch Đà Nẵng mà không được phát hiện, xử lý. Vậy theo ông, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, cơ quan kiểm tra, giám sát Đảng trong những giai đoạn đó thế nào?
Rõ ràng cả công tác Đảng và công tác quản lý nhà nước đã bị buông lỏng. Để xảy ra sai phạm qua nhiều nhiệm kỳ cũng chứng tỏ các cơ quan có trách nhiệm chưa làm tròn trách nhiệm của mình.
Từ việc hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng bị bắt cũng là minh chứng cho thấy, nếu quyền lực không được kiểm soát thì chắc chắn dẫn tới sự tha hóa, lạm quyền, lộng quyền. Hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng cũng nguyên là Phó bí thư Thành ủy. Vậy, Đảng bộ, Ban Thường vụ, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, rồi Bí thư Thành ủy ở đó đã kiểm tra, giám sát thế nào mà để họ tự tung, tự tác như thế? Nếu công tác kiểm tra giám sát được thực hiện nghiêm túc, chắc gì đã xảy ra sai phạm và dẫn đến việc mất cán bộ.
Vì thế, chúng ta phải tiếp tục đi sâu hơn nữa tìm giải pháp kiểm soát quyền lực. Tôi đã góp ý về việc này, rằng nếu Điều lệ Đảng chung chung, không quy định cụ thể những chức danh quan trọng được làm gì và không được làm gì thì khó kiểm soát lắm. Như Hiến pháp nước ta quy định rất rõ, Quốc hội có 14 nhiệm vụ quyền hạn, Ủy ban TVQH có 12, Chủ tịch Quốc hội có 7, Thủ tướng có 7, Chủ tịch nước có 9 nhiệm vụ quyền hạn… và phải thực hiện đúng như vậy.
Còn trong Đảng, Đảng lãnh đạo nên có quyền lớn nhất. Nhưng chưa có quy định rõ Bí thư cấp uỷ hay các chức danh khác có bao nhiêu nhiệm vụ quyền hạn, việc này dễ dẫn đến lộng quyền, rất nguy hiểm.
Thậm chí, tôi cho rằng, phải pháp luật hóa, có luật về sự lãnh đạo của Đảng, để Đảng làm đúng trách nhiệm của mình. Như Hiến pháp đã nêu rõ, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội nhưng Đảng phải chịu sự kiểm soát của nhân dân, chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Tuy nhiên, chịu sự kiểm soát của nhân dân bằng cơ chế nào, pháp luật nào quy định thì chưa rõ.
Mới đây, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã ban hành hướng dẫn thực hiện Quy định 102 của Bộ Chính trị về kỷ luật đảng viên. Trong đó nhấn mạnh, với đảng viên vi phạm kể cả về hưu vẫn xử lý, đến mức xử lý hình sự thì xử lý hình sự, không xử lý nội bộ. Ông kỳ vọng gì vào việc này?
Từ trước đến nay, ta có nhiều quy định, thêm quy định cụ thể hơn là tốt. Tôi nghĩ những ai chưa nhúng chàm sẽ biết sợ, đó là tác dụng rất lớn và ý nghĩa.
Nhưng tôi cho rằng, trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, mà Đảng cũng nằm trong hệ thống chính trị của đất nước nên những vấn đề này không nên chỉ quy định trong Đảng mà phải nâng tầm, bằng một văn bản pháp luật, có thể là luật do Quốc hội ban hành hoặc nghị quyết của Quốc hội.
Nhấn mạnh quyết tâm chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, “trong việc chống tham nhũng, nếu ai nhụt chí thì đứng sang một bên để người khác làm”. Ông suy nghĩ thế nào về thông điệp này từ người lãnh đạo cao nhất của Đảng?
Tổng Bí thư nói như vậy rất đúng, bởi đây là thực tế. Vừa qua, chúng ta để tình trạng tham nhũng xảy ra khá phổ biến trong bộ máy Nhà nước. Người ta thường nói “nhà dột từ nóc”, nếu bên trên có hiện tượng buông lỏng thì bên dưới sẽ ra sức phá phách, trên phá 1 thì dưới phá 10, nên phải chấn chỉnh từ bên trên. Giờ nếu trên đồng lòng hợp sức, đồng tâm nhất trí thì chúng ta sẽ làm được hết. Nhưng nếu không thống nhất ở trên, người này quyết tâm, người kia do dự thì không hiệu quả. Và thực tế, tôi tin chắc sẽ có người do dự, có thể vì nể nang, ngại va chạm, nhưng cũng có thể vì đã trót nhúng chàm.
Nhưng tôi cho rằng, cách nói của Tổng Bí thư là cách nói tế nhị, nhẹ nhàng. Đúng ra, nếu ai không làm, đứng sang một bên thì chắc chắn cũng bị xem xét xử lý, bởi họ có trách nhiệm nhưng không dám đương đầu và làm không tốt.
Chống tham nhũng, chúng ta phải đặt trong tổng thể sự phát triển của đất nước. Nếu sống trong sạch thì lương bổng không đủ đảm bảo cuộc sống, về hưu lại càng khó khăn. Nhiều lãnh đạo đương chức nhìn vào thực tế đó và nghĩ phải tranh thủ vơ vét trong nhiệm kỳ công tác để thu lợi, một khi đã quá tham lam thì vướng vòng lao lý là điều dễ hiểu.
Vì vậy, phải xây nền tảng là sự phát triển kinh tế, đưa đất nước đi lên, để đồng lương cán bộ tương xứng với sức lực và giá trị lao động, đồng thời là động lực để họ làm việc.
Cảm ơn ông!
Hoài Thu -baogiaothong.vn