Chủ Nhật, 28/4/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Bảy, 21/4/2018 14:26'(GMT+7)

Thông tin công tâm

 

Công tâm nghĩa là lòng ngay thẳng, chỉ vì việc chung, lợi ích chung để mà ứng xử, hành động, chứ không vì tư lợi hay thiên vị mà có thái độ, hành vi ứng xử chưa chuẩn mực. Cùng với phẩm chất trung thực, tinh thần khách quan và ý thức không vụ lợi, đức tính công tâm sẽ góp phần làm nên nhân cách chân chính của người làm báo cách mạng Việt Nam.

Người làm báo là một trong người làm nghề đặc biệt trong xã hội. Đó là người đưa tin, đồng thời là người chuyển tải, bồi đắp, nuôi dưỡng niềm tin cho công chúng. Muốn tạo niềm tin cho công chúng để góp phần tạo niềm tin cho xã hội, đòi hỏi nhà báo phải công tâm-tức là có cái tâm vì lợi ích chung của đất nước, xã hội và công chúng; có lòng ngay thẳng, cương trực để không bao giờ “bẻ cong” ngòi bút. Có phẩm giá công tâm sẽ giúp nhà báo nhận diện, phân biệt được đúng-sai, phải-trái, thật-giả, tốt-xấu, thiện-ác… để bảo đảm thông tin đưa ra phục vụ công chúng không bị thiên lệch.

Thời gian qua, bên cạnh nhiều nhà báo, nhiều cơ quan báo chí đã nỗ lực chuyển tải những nội dung thông tin có lợi cho sự nghiệp chung của đất nước, dân tộc, thì vẫn có một bộ phận người làm báo, tờ báo, nhất là báo điện tử sa vào tình trạng thông tin khi thì “quá hữu”, lúc lại “quá tả”. “Quá hữu” biểu hiện ở chỗ: Khen ngợi ai đó thì “vống” hết lời, vuốt ve, tung hô nhau toàn những lời mỹ miều, nhất là những đối tượng thường được gọi là “người của công chúng” như ca sĩ, diễn viên, người mẫu, cầu thủ bóng đá… Từ chuyện một cô ca sĩ sắp lên xe hoa, một cầu thủ bóng đá chuẩn bị lễ cưới, một chàng diễn viên điện ảnh có nhà lầu, một cô người mẫu sắp sinh con đầu lòng, một hoa khôi vừa mua chiếc xe hơi... đến chuyện sở thích ăn uống, mang mặc, đầu tóc, giày dép, váy ngắn, quần dài của họ… cũng “trưng bày” lên hết mặt báo, trang mạng. Còn “quá tả” thể hiện ở chỗ: Cùng một đối tượng, một con người (nhất là những người trong giới showbiz, giới doanh nhân) có tờ báo mạng vừa mấy hôm trước ca tụng họ lên “tận mây xanh”, nhưng khi họ có khuyết điểm, sai phạm gì, thì ít lâu sau chính tờ báo đó lại “vùi dập” họ tả tơi với đủ lời lẽ chì chiết, mỉa mai không thương tiếc.

THÔNG TIN CÔNG TÂM

Nhà báo tham gia mạng xã hội (facebook và các mạng xã hội khác...)

phải chuẩn mực và trách nhiệm. Ảnh minh họa

'

Sự công tâm của người làm báo còn thể hiện ở việc cân bằng nội dung thông tin tốt-xấu, đúng-sai, thiện-ác sao cho hợp lý, không nên chỉ khoét sâu vào những mặt trái xã hội, những góc khuất của cuộc sống con người để đưa lên báo chí. Dù không ai ngăn cản, cấm đoán người làm báo viết về cái sai, cái xấu, cái ác, nhưng khi thông tin, phản ánh những vấn đề này phải hết sức thận trọng, có sự cân nhắc về tần suất, mật độ, mức độ đủ để cảnh báo, thức tỉnh công chúng. Rất nên tránh tình trạng đưa tin giật gân, câu khách những vụ án hình sự ghê rợn. Ví như cách đây 3 năm, liên quan đến sự kiện thảm sát ở tỉnh Bình Phước, từ ngày 7 đến 17-7-2015 có gần 1.700 tin, bài trên các báo, trong đó có những tin, bài thông tin tiêu cực như mô tả chi tiết tội ác rùng rợn, tự suy diễn, đặt nghi vấn, khai thác thân nhân nạn nhân với tiêu đề phản cảm. Như vậy, trung bình mỗi ngày có tới 154 tin, bài liên quan đến vụ thảm sát này-số lượng tin bài nhiều đến mức mà có nhà văn hóa từng nói rằng, sự vô tâm đến mức vô cảm đã vô tình biến báo chí thành “báo chí đầu độc” công chúng!

Sức mạnh, ý nghĩa, hiệu quả xã hội của báo chí trước hết thể hiện ở việc phản ánh đúng bản chất sự vật, hiện tượng với một thái độ khách quan, trung thực, công tâm, vì lợi ích chính đáng của số đông cộng đồng và vì phẩm giá cao đẹp của con người. Xa rời hay hạ thấp, xem thường điều căn bản đó sẽ làm cho báo chí không giữ được sứ mệnh cao cả của mình. Vì vậy, coi trọng, đề cao phẩm giá công tâm của người làm báo sẽ góp phần xây dựng môi trường văn hóa thông tin-truyền thông lành mạnh và thúc đẩy xã hội phát triển, tiến bộ, nhân văn.

Nguồn: QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất