Những chiếc thuyền câu của hùng binh Hoàng Sa dong thuyền ra vùng lãnh hải biên
cương xa xôi của Tổ quốc khẳng định chủ quyền hơn 300 năm trước vẫn còn nguyên
vẹn nơi đất đảo Lý Sơn.
Vào những ngày diễn ra Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh
Quảng Ngãi (khoảng tháng 3 âm lịch hàng năm), nhân dân huyện đảo thường thả
những chiếc thuyền câu được mô phỏng theo kiểu thuyền câu của ngư dân huyện đảo
cách đây hàng trăm năm.
Bên trong thuyền có hình nhân thủy binh hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa
với các vật dụng tùy thân. Những chiếc thuyền đặc biệt này do nghệ nhân Võ Hiển
Đạt đóng. Giờ đây, khi tuổi cao sức yếu, cụ Đạt đã truyền lại công việc này cho
học trò của mình.
Vào những ngày xuân, cụ Võ Hiển Đạt và anh Phạm Văn Bổn gặp nhau để bàn chuyện
đóng thuyền câu chuẩn bị cho lễ khao lề thế lính Hoàng Sa sắp tới. Bởi theo kế
hoạch của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, năm 2013 sẽ tổ chức lễ Khao lề thế
lính Hoàng Sa lớn nên sẽ cần nhiều thuyền câu.
Sau gần 5 năm, cụ Đạt đã truyền dạy được những kỹ thuật đóng thuyền câu cho
người học trò Phạm Văn Bổn. Giờ đây, cụ đã có thể yên tâm khi đã có người thay
thế mình đóng thuyền câu phục vụ lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Cụ Võ Hiển Đạt
chia sẻ: "Những năm trước chỉ có mình tôi có thể đóng thuyền câu phục vụ lễ khao
lề thế, nhưng mấy năm gần đây tôi đã nhận truyền đạt những kinh nghiệm, kỹ thuật
cho anh Bổn. Đến nay, Bổn đã có thể tự mình đóng thuyền câu."
Trong lễ Khao lề thề lính Hoàng Sa năm 2012, lần đầu tiên anh Phạm Văn Bổn đã
đóng thành công 5 chiếc thuyền câu phục vụ lễ tế. Mỗi một hình nhân thế mạng,
cánh buồm, dây buồm rồi cả thân tàu, mũi tàu của thuyền câu đều là những công
đoạn hết sức phức tạp. Để tạo nên hình hài những chiếc thuyền câu này đòi hỏi
người làm phải chắt chiu bằng cả tấm lòng, bằng tình yêu biển đảo.
Anh Bổn tâm sự: "Tôi là người sinh ra và lớn lên trên huyện đảo này, nên tôi
muốn là người có thể lưu giữ lại những giá trị truyền thống của cha ông. Mà muốn
vậy chỉ có cách học hỏi từ những người đi trước. Tôi đã chọn học cách đóng
thuyền câu của cụ Đạt. Mặc dù, để làm được những chiếc thuyền câu này phải mất
rất nhiều thời gian lại không thu lợi nhuận nhưng tôi vẫn muốn học."
Đến thời điểm này, anh Phạm Văn Bổn là nghệ nhân thứ 2 đóng được thuyền câu trên
đảo Lý Sơn sau nhiều năm học hỏi, nghiên cứu kỹ thuật đóng thuyền câu. Anh đang
tìm hiểu để hoàn thiện hơn những thuyền câu hiện đại đã được phục dựng. Tâm niệm
của anh Bổn cũng như cụ Võ Hiển Đạt là làm sao có thể giữ lại mãi mãi cách đóng
thuyền câu để các thế hệ sau có thể hiểu và truyền nối lịch sử cha ông đã từng
dong thuyền ra Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. “Giờ
mình còn trẻ, nên phải học hỏi thêm nhiều kỹ thuật đóng thuyền câu hiện đại.
Mình hiểu rằng, dù học hỏi kỹ thuật mới nhưng không được bỏ qua những nét truyền
thống của cha ông trên đất đảo. Bởi đó là những nét đặc trưng, phải làm sao để
người xem chỉ cần nhìn là có thể biết đây là thuyền câu của lễ Khao lề thế lính
Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn”- anh Bổn cho biết thêm.
Tượng đài Hải đội Hoàng Sa ở Lý Sơn (Nguồn: TTXVN)
Những chiếc thuyền câu của hùng binh Hoàng Sa dong thuyền ra vùng lãnh hải biên
cương xa xôi của Tổ quốc khẳng định chủ quyền hơn 300 năm trước vẫn còn nguyên
vẹn nơi đất đảo Lý Sơn. Thuyền câu giờ đây khác là chỉ có thể chở những hình
nhân thế mạng trong một buổi lễ về những hùng binh Hoàng Sa đã xả thân vì Tổ
quốc. Song, tình cảm, ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo, hướng mãi về Trường Sa
ruột thịt thì không hề mất đi trong mỗi người dân Lý Sơn và những chiếc thuyền
câu này vẫn tiếp tục xuất hiện trong các lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, trong các
gian trưng bày về chủ quyền biển đảo Việt Nam như một minh chứng khẳng định chủ
quyền. Có những chiếc thuyền câu như vậy là nhờ những người đóng thuyền câu như
cụ Đạt, anh Bổn và các thế hệ con cháu Lý Sơn./.
TTX