Thứ Bảy, 5/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 20/5/2010 18:0'(GMT+7)

Lưu Quang Vũ - “Nhà thơ cổ điển từ tuổi 20”

Buổi tọa đàm thơ Lưu Quang Vũ

Buổi tọa đàm thơ Lưu Quang Vũ

Có lẽ lâu lắm rồi công chúng yêu thơ Lưu Quang Vũ mới được nghe lại thơ ông và bày tỏ tình cảm của mình với một thi sĩ mà tên tuổi đã nổi danh trên thi đàn vào những năm 70 của thế kỷ trước. Khán phòng Trung tâm Văn hoá Pháp tối 17-5 không còn một chỗ trống; đông đảo độc giả đã có mặt tại đây để dự buổi toạ đàm thơ Lưu Quang Vũ. Đến dự có một số bạn thơ cùng thời với Vũ như nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà thơ Anh Ngọc, nhà văn Đỗ Chu, NSND Đào Trọng Khánh...

Buổi toạ đàm diễn ra trong 2 giờ đồng hồ không đủ để thoả mãn tình yêu thơ của độc giả với một nhà thơ tài năng Lưu Quang Vũ. Nhà thơ Vũ Quần Phương phải thốt lên: “Mấy năm nay văn chương không phải lúc nào cũng được hưởng ứng như thế này”.

Công chúng yêu thơ Vũ bởi sự chân chất, gần gũi với cuộc sống bởi thơ của ông được viết lên từ những đau khổ, mất mát, của chính cuộc đời mình. Là bạn thơ cùng thế hệ với Lưu Quang Vũ, nhà thơ Vũ Quần Phương đến dự buổi toạ đàm trong tâm trạng bồi hồi nhớ về một người bạn vong niên cùng thời, cùng sống trong những năm tháng đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh.

Sau ngày Vũ mất được 6 tháng, Vũ Quần Phương đến thăm và xin gia đình được xem lại những di cảo của người bạn mà ông vô cùng yêu mến. Thật bất ngờ, khi ấy Vũ Quần Phương tìm thấy một tập bản thảo có 22 bài thơ của Vũ chưa được in lần nào. Theo Vũ Quần Phương, đây là tập thơ hay nhất trong đời của Lưu Quang Vũ. Dường như những bài thơ trong tập này Vũ viết lại những bế tắc của chính cuộc đời mình, vào giai đoạn cuộc sống gặp nhiều khó khăn, tình yêu tan vỡ, con cái sơ tán nheo nhóc vì chiến tranh, bản thân Vũ thì thất nghiệp. Có lẽ chính sự khắc khoải, đau đớn đến tột cùng của cuộc sống khiến Lưu Quang Vũ gửi tâm hồn mình vào thơ để tìm sự an ủi “Em bảo cuộc đời này thảm hại lắm xấu xa lắm/ Tất cả đều buồn cười vô nghĩa lý/Mà khổ sở mà chết người/ Nhưng em ơi/ Đâu đã là tuyệt vọng”.

Nhà thơ Anh Ngọc tự nhận mình là một độc giả yêu thơ Lưu Quang Vũ từ khi thơ ông mới xuất hiện trên thi đàn Việt Nam và đến giờ, sau 22 năm Lưu Quang Vũ đi vào cõi vĩnh hằng, Anh Ngọc vẫn cho rằng “Lưu Quang Vũ là nhà thơ cổ điển ngay từ tuổi 20”.

Theo nhận định của nhà thơ Anh Ngọc, thời ấy, Lưu Quang Vũ là người đại diện, duy nhất và vô cùng hiếm hoi của thơ tiền chiến. Vũ mở đầu những bài thơ của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bằng sự khát khao. “Phố huyện mấy lần tàu bay giặc bắn/Nhà ta năm ấy cháy tan hoang/ Mẹ ơi, thương mẹ nhiều mưa nắng/ Những năm dài khoai sắn nuôi con”.

Thơ Lưu Quang Vũ nồng nàn, đắm đuối và chất thơ tràn ngập trong kịch của ông. Một số tác phẩm như: Hồn trương Ba, da hàng thịt; Lời thề thứ 9; Khoảnh khắc và vô tận; Ông không phải là bố tôi; Tôi và chúng ta... đã khuấy động sân khấu kịch cả nước thời kỳ đó và nuôi sống nhiều đoàn nghệ thuật. Những đóng góp của Lưu Quang Vũ cho sân khấu nước nhà vô cùng lớn lao và ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000).

Là người sưu tầm, bảo quản và lưu giữ những di cảo của Lưu Quang Vũ, nhà nghiên cứu văn học Lưu Khánh Thơ - em gái của Lưu Quang Vũ bồi hồi khi nhớ về người anh trai của mình: “Lưu Quang Vũ đi khỏi cõi thế này đã hơn 20 năm. Nhưng mỗi mùa thu đến, khi hoa cúc vàng nở rộ, tôi lại như nhìn thấy anh. Anh đang đi trên những con đường của Hà Nội. Anh, với nỗi đam mê cháy bỏng và những câu thơ đang nổi gió trong lòng...”.

Vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh

Nói về tình yêu của anh trai mình với nữ sĩ Xuân Quỳnh, Lưu Khánh Thơ viết: “Mối tình Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh kéo dài được 15 năm. Có cái gì như là định mệnh khi Xuân Quỳnh viết trong một lá thư gửi cho Lưu Quang Vũ vào năm cuối đời: chúng ta sống với nhau đã được 15 năm, 15 năm bằng thời gian lưu lạc của đời cô Kiều...Suốt 15 năm chung sống, anh chị đã có ảnh hưởng rất lớn với nhau trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong sáng tác văn học. Hai người yêu nhau và nương tựa vào nhau để gây dựng tổ ấm, đã sống và làm việc hết mình. Tình yêu rất đẹp của anh chị không khỏi có lúc bị biến màu trong cuộc đời thường đầy chất văn xuôi. Về sau này, khi con tim ngày càng đau nặng, Xuân Quỳnh dường như khắc khoải hơn với mong ước ...Biết yêu anh ngay cả khi chết đi rồi. Trong những lý do để con tim này thêm nhức nhối, có cả một phần do chính Lưu Quang Vũ “tự thú”:Thương trái tim nhiều vất vả lo buồn/ Trái tim lỡ yêu chàng trai phiêu bạt/ Luôn mắc nợ những chuyến đi, những giấc mơ điên rồ, những ngọn lửa không có thật/ Vẫn là gã trai nông nổi của em...Có phải vì 15 năm yêu anh? Trái tim em đã mệt”.

Tại buổi toạ đàm, nhà văn Đỗ Chu là người bạn cùng thời của Lưu Quang Vũ nghẹn ngào và nuối tiếc vì sự ra đi đột ngột của hai tài năng Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ. “Giá như hai thi sĩ này sống thêm được 10 năm nữa thì độc giả Việt Nam sẽ được chứng kiến sự toả sáng của họ”, Đỗ Chu bộc bạch.

NSND Đào Trọng Khánh là bạn tri kỷ của Lưu Quang Vũ đã nhận xét: “Thơ Vũ rất có hồn, đặc biệt khi viết về người mẹ Việt Nam: “Trên đời chẳng ai lo cho ta bằng mẹ/ Cũng chẳng ai ta làm khổ nhiều như mẹ của ta/Mẹ ơi nếu con được sống lại tuổi thơ/Con sẽ chẳng bao giờ mải chơi trốn học/Đứa con trai nhiều lỗi lầm ương ngạnh/ Sẽ không lần nào làm mẹ xót xa...”

Đến dự buổi tọa đàm thơ Lưu Quang Vũ, công chúng được thưởng thức bài thơ “Tiếng Việt” qua phần phổ nhạc của nhạc sĩ Lê Tâm. Ca khúc này do nghệ sĩ Ngô Hồng Quang biểu diễn ở nước ngoài đã chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả hải ngoại. Với nhạc sĩ Lê Tâm, thơ Lưu Quang Vũ in đậm trong tâm trí anh bởi chất nhân văn và ngay cả khi Vũ đứng giữa làn đạn của chiến tranh thì thơ ông vẫn bừng sáng và chứa chan hạnh phúc.

Mỗi áng thơ của Vũ thể hiện niềm đau với đất nước bị xâm lăng, với những người phụ nữ Việt Nam nhỏ bé nhưng tâm hồn thì cao cả. Lưu Quang Vũ ra đi ở tuổi 40 nhưng thơ của ông thì sống mãi./.

(Theo: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất