Thứ Sáu, 20/9/2024
Thể thao
Thứ Năm, 24/3/2016 8:40'(GMT+7)

Luyện tập thể dục thể thao cho "dân cường nước thịnh"

Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đất nước còn non trẻ và gặp trăm bề khó khăn song Bác Hồ, Đảng và Nhà nước đã xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của giáo dục thể chất và thể thao cho toàn dân, nhất là thế hệ trẻ. 

* “Khỏe vì nước” thực sự là một cuộc cách mạng 

Vào ngày 31/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục trung ương thuộc Bộ Thanh niên, tiền thân của ngành thể dục thể thao. Lời Tuyên bố đầu tiên của Nha Thể dục Trung ương ngày 30/3/1946 có đề cập đến một nguy cơ: “Dân nước ta hiện nay đang mắc ba bệnh trầm trọng: nghèo, dốt và yếu. Nghèo và dốt là hai cơ nguy nên Chính phủ đã chú ý đặc biệt. Hiện thời, Chính phủ thiết lập một Nha Thể dục để chữa bệnh yếu cho dân tộc Việt Nam, một bệnh rất nguy hiểm có thể làm cản trở công cuộc kiến quốc hiện thời…” 

Chương trình hoạt động của Nha Thể dục Trung ương bắt đầu từ công tác tuyên truyền, cổ động để gây dựng phong trào luyện tập thể dục thể thao khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê. Thêm vào đó, để tăng cường và mở rộng các hoạt động thể dục thể thao và trực tiếp chỉ đạo công tác giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tiếp Sắc lệnh số 33 ngày 27/3/1946 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục. Cuối tháng 3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục”, trong đó nhấn mạnh “tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước.Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ, ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy thì sức khỏe. Dân cường thì nước thịnh”. 

Cùng lúc đó, Nha Thể dục Trung ương cũng đưa ra khẩu hiệu “Phổ thông thể dục - Gây đời sống mạnh - Cải tạo nòi giống - Dân tộc hùng cường” đã góp phần cổ vũ mạnh, lôi cuốn mọi người tham gia rèn luyện thân thể. Chỉ hai tháng sau khi “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Bác Hồ, trong toàn quốc đã dấy lên phong trào “Khỏe vì nước” - thực chất là bước đầu của nền thể dục thể thao mới còn non trẻ nhưng đầy sinh lực phát triển. 

Có thể khẳng định rằng “Khỏe vì nước” thực sự là một phong trào cách mạng, một cuộc vận động quần chúng rộng lớn trong lĩnh vực thể dục thể thao của nước ta. Phong trào này huy động tổng hợp các bộ phận, các mặt hoạt động thể dục thể thao của toàn dân hợp thành, thông qua thể dục thể thao mà tập hợp, đoàn kết xung quanh chính quyền cách mạng. 

Các nhà lãnh đạo ngành thể dục thể thao nước ta ngay từ năm 1946 xác định: “Thể dục thể thao ở cơ sở là gốc rễ của phong trào”. Do đó, cần chú trọng phổ cập thể dục trong học đường, thanh niên, quân đội là lực lượng cơ bản, đồng thời mở rộng việc tập luyện trong các tầng lớp nhân dân khác, như phụ nữ, viên chức, công nhân, nông dân…Một phương châm tổ chức, vận động phong trào khỏe là: “Đi từ gốc đến ngọn: Lấy thể dục làm căn bản. Lấy dân chúng làm trường hoạt động. Cố lo phổ thông thể dục trong toàn dân”. Và “thể dục, đức dục, trí dục là mục đích của cơ quan phụ trách sức khỏe toàn dân”. 

*Cổ vũ lớp “măng non” cách mạng 

Cuộc vận động “Khỏe vì nước” lan rộng trong các tầng lớp nhân dân từ tháng 4/1946, trước hết là trong học đường. Ngay sau ngày Quốc khánh đầu tiên, nhân dịp khai giảng năm học mới và Tết Trung thu 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các em học sinh, trong đó Người nêu rõ: “Phải siêng tập thể thao cho mình mẩy được nở nang”. Từ đó có thể thấy rằng, Bác Hồ đã nhìn xa trông rộng, mong muốn người Việt Nam luôn được khỏe mạnh ngay từ thế hệ “măng non” của cách mạng. 

Từ lời dặn của Bác, công tác công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học cho thế hệ măng non ở nước ta đã được khẳng định bằng sự liên kết phối hợp giữa hai ngành thể dục thể thao và giáo dục – đào tạo. Hai ngành đã tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, góp phần củng cố phong trào thể dục thể thao trong trường học. 

Tổng cục trưởng Tổng cục thể dục thể thao Vương Bích Thắng cho biết: Những đầu năm đất nước hoàn toàn giải phóng, hai ngành thể dục thể thao và giáo dục – đào tạo đã tích cực chủ động triển khai các hoạt động phối hợp nhằm chỉ đạo, hướng dẫn công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học. Gần đây nhất, chương trình phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về chỉ đạo công tác thể dục thể thao trong trường học giai đoạn 2011-2015 đã hướng tới mục đích củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng phong trào thể dục thể thao trong trường học, nâng cao sức khoẻ, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, giáo dục nhân cách cho học sinh, sinh viên đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đồng thời, việc phát triển thể dục thể thao trường học được đổi mới và nâng cao chất lượng giờ học thể dục nội khoá, đa dạng hoá các hình thức hoạt động ngoại khoá.

Nhiều hội thi được 2 ngành được tổ chức định kỳ, thu hút đông đảo các em học sinh, sinh viên tham gia. Trong đó có Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc, Hội thi Văn hoá - Thể thao các trường phổ thông dân tộc nội trú toàn quốc; Hội thi Sư phạm - Văn nghệ - Thể thao các trường Sư phạm, Hội thi Thể thao các trường học sinh khuyết tật toàn quốc và các giải thể thao toàn quốc từng môn thể thao cho học sinh, sinh viên... 

Vụ trưởng Vụ thể thao Quần chúng Vũ Trọng Lợi nhấn mạnh: Từ năm 2010, Tổng cục Thể dục thể thao cũng đã thường xuyên mở các lớp tập huấn bơi lội, cứu đuối cho giáo viên tiểu học và trung học cơ sở toàn quốc. Việc này góp phần thực hiện một mục tiêu của Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020 là đảm bảo 100% trường phổ thông đưa môn bơi vào chương trình ngoại khoá. 

Năm học 2015-2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, ban hành và hướng dẫn, chỉ đạo các trường học phổ thông trong cả nước tập luyện thường xuyên thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ và phổ biến bài quyền võ cổ truyền vào trường học. Đồng thời tích cực triển khai chương trình nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam đối với học sinh từ mẫu giáo đến phổ thông trung học. 

Từ chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành, công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học đã có nhiều chuyển biến. Hình thức tổ chức và nội dung tập luyện Thể dục thể thao của học sinh, sinh viên ngày càng đa dạng. Đội ngũ giáo viên thể dục thể thao ở các trường học được đào tạo chính quy; cơ sở vật chất, sân chơi, bãi tập, công trình thể thao, dụng cụ tập luyện thi đấu thể thao ở trường học các cấp đã bước đầu được quy hoạch và đầu tư xây dựng. Điều quan trọng nhất là, phong trào thể dục thể thao trong trường học đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao thể lực, tầm vóc của thế hệ trẻ Việt Nam. Nhà trường cũng là nơi phát hiện các tài năng thể thao đặc biệt, nhiều gương mặt trưởng thành từ thể thao trong nhà trường đã mang lại thành tích đáng tự hào cho thể thao trên các đấu trường khu vực, thế giới./. 

Quốc Trị 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất