Thứ Hai, 30/9/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 9/9/2012 15:25'(GMT+7)

Lý do Nga coi trọng APEC 2012

Các nhà lãnh đạo APEC chụp ảnh kỷ niệm tại Hội nghị cấp cao APEC 2012

Các nhà lãnh đạo APEC chụp ảnh kỷ niệm tại Hội nghị cấp cao APEC 2012

 

Động lực phát triển của kinh tế thế giới

Cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu và khủng hoảng nợ công châu Âu đã gây thiệt hại đáng kể cho châu Âu và Mỹ, tuy nhiên nhiều quốc gia CA-TBD đã vượt qua được với tổn thất kinh tế ít hơn. Điều này dẫn đến việc nhìn nhận khu vực này như một động lực phát triển của thế giới trong tương lai, và vì vậy làm tăng giá trị khu vực với tư cách một đối tác tiềm năng của Nga. Việc hợp tác với khu vực sẽ không chỉ làm sống dậy vùng Siberia, Viễn Đông, bảo đảm an ninh phần phía đông của Nga mà còn khả năng đem lại sức sống cho toàn bộ nền kinh tế Nga.

Năm nay, Nga là chủ nhà tổ chức Hội nghị cấp cao APEC tại Vladivostok. Vì thế, Moscow đã theo dõi chặt chẽ các sáng kiến hội nhập được thảo luận gần đây trong khu vực CA-TBD. Điều quan trọng hơn là cơ cấu châu Á nào đối với Nga sẽ là phù hợp nhất để hội nhập một cách tích cực vào nền kinh tế khu vực này. Các nhà khoa học Nga thuộc Trung tâm nghiên cứu Đông Á và SCO, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế, Bộ ngoại giao Nga đã đánh giá về các tổ chức thuộc CA-TBD và những tính toán chiến lược của Nga khi hội nhập với khu vực.

Cơ cấu hấp dẫn

Khác với EU, tổ chức này không có cơ chế quản lý bao trùm lên các quốc gia, thừa nhận quyền tự quyết tối thượng của các nước thành viên. Điều này làm APEC hấp dẫn khi thảo luận về các vấn đề khu vực và thậm chí là những vấn đề toàn cầu. Tại APEC, không có cơ quan hành chính đặc biệt, toàn quyền khi giải quyết xung đột; hợp tác trên cơ sở đồng thuận và không can thiệp vào công việc nội bộ nước thành viên.

Tuy nhiên, chính những yếu tố này lại là nguyên nhân làm cho APEC có hiệu quả thực tế rất thấp. Cần lưu ý rằng thành viên của APEC không phải là quốc gia, mà là “nền kinh tế”. Điều này cho phép né tránh được vấn đề nhạy cảm, như quy chế đối với Đài Loan. Việc chuyển đổi khu vực CA-TBD thành khu vực tự do thương mại và đầu tư vẫn còn là một câu hỏi lớn, vì trong APEC vẫn chưa thống nhất được tốc độ hình thành khu vực tự do.

Mỹ cùng với Australia và một số nước khác ủng hộ và thúc đẩy quá trình mở cửa thị trường khu vực Đông Á. Trong khi đó Nhật Bản và Hàn Quốc lại muốn làm chậm lại xu hướng này do chưa muốn để đối thủ vào cạnh tranh trong thị trường của họ, như thị trường nông nghiệp.

Các nước ASEAN trong APEC cũng thể hiện một lập trường tương tự, không quan tâm nhiều đến tự do hóa thương mại mà muốn hướng vào phát triển hợp tác khoa học và công nghệ, yếu tố sẽ giúp họ giảm khoảng cách về công nghệ và kinh tế với các nước phát triển.

Đang cần đổi mới

Bỏ qua tự do hoá thương mại và đầu tư, thực tế APEC đã ngày càng giống với một tổ chức hình thức, hàng năm thông qua tuyên bố chung mà không mang lại kết quả cụ thể nào trong lĩnh vực kinh tế, dẫn đến suy giảm mối quan tâm của các thành viên đến những nỗ lực chung.

Thấy rõ những vấn đề nảy sinh đã buộc các nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị APEC tại Singapore từ hồi tháng 11-2009 cũng đã nêu ra vấn đề về sự cần thiết phải cải cách với các lý do:

(1) Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho tự do hóa thương mại và đầu tư;

(2) Giúp đỡ trên thực tế các nước đang phát triển là các nước thành viên của APEC trong phát triển, mở rộng và tăng cường chuyển giao công nghệ và nâng cao mức độ hợp tác kinh tế và kỹ thuật;

(3) Thông qua cải cách và đổi mới để làm cho cơ chế hoạt động của APEC năng động hơn.

Kỳ vọng của Nga

Kể từ khi gia nhập năm 1998, Moscow đã gia tăng tham dự vào các hoạt động của tổ chức này. Hội nghị APEC năm 2004 tại Santiago, Nga cùng với Mỹ đã chấp thuận sáng kiến về kiểm soát vận chuyển tên lửa phòng không mang vác trong không gian APEC.

Tại hội nghị này, Moscow cũng là một trong những người khởi xướng cơ chế hợp tác trong lĩnh vực ứng phó những tình huống khẩn cấp trong khuôn khổ APEC. Về kinh tế, theo sáng kiến của Nga, trong khuôn khổ APEC đã thiết lập “Diễn đàn đối thoại về kim loại màu”, nơi Nga cùng với Chile là đồng chủ tịch.

Tại Hội nghị APEC 2008 ở Lima, Nga đã thông báo ý định “thúc đẩy xây dựng một hệ thống cung cấp năng lượng trong khu vực CA-TBD, cho phép người tiêu dùng đa dạng hoá địa lý nguồn nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung cấp đáng tin cậy và không bị gián đoạn”.

Tuy nhiên, Nga cũng nhận thấy đối tác thương mại giữa Moscow với APEC vẫn chưa nhiều: Nga chỉ chiếm 1% cán cân ngoại thương của APEC, trong khi con số ngược lại là 15%. Vì Nga đóng vai chủ yếu là nhà cung cấp nguyên liệu, trong khi bản thân lại quan tâm trước hết đến các sản phẩm công nghệ cao nhưng các nhà sản xuất sản phẩm công nghệ cao của Nga hiện diện tại đây vẫn còn hạn chế.

Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần này, với bốn trọng tâm hợp tác, trong đó, tự do thương mại là nội dung được chú trọng nhất trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng. Hơn ai hết, Tổng thống Nga Putin là người đang nóng lòng mở cánh cửa hướng tới CA-TBD và cũng là cơ hội để CA-TBD bước lên cây cầu do Nga kiến tạo thông qua Liên minh thuế quan Nga – Belarus - Kazakhstan tiến vào lục địa châu Âu.

Vì thế, Hội nghị cấp cao APEC 2012, tại Vladivostok là một cơ hội tốt để Nga quảng bá hình ảnh của mình như một đối tác chính của APEC. Để phát triển hợp tác kinh tế với khu vực APEC, một cấu trúc đặc biệt đã được lập ra và trực thuộc Tổng thống Nga. Các chuyên gia phân tích kinh tế Nga và quốc tế cho rằng, để hoạt động hiệu quả theo hướng này các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách, chính trị gia và doanh nhân Nga cần phải đổi mới tư duy theo phương Đông./.

Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất