Thứ Tư, 25/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 10/7/2012 15:41'(GMT+7)

Lý luận phê bình văn học nghệ thuật góp phần định hướng dư luận xã hội

Trong thời gian 4 ngày, học viên được nghe các chuyên gia đầu ngành giảng 14 chuyên đề về lý luận văn nghệ; các chiêu thức và thao tác phê bình một tác phẩm cụ thể; lý luận phê bình văn học những năm gần đây; một số vấn đề về nghiên cứu lý luận, phê bình ở các ngành mỹ thuật, âm nhạc, kiến trúc, sân khấu, múa, nhiếp ảnh; bàn về thuộc tính của văn học dân gian và sự khác nhau giữa phê bình điện ảnh và phê bình văn học. Đồng thời trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các Hội văn học, nghệ thuật Trung ương về tình hình và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương khẳng định: Lý luận phê bình văn học nghệ thuật góp phần định hướng dư luận xã hội. Trải qua hơn 25 năm đổi mới đất nước, văn học nghệ thuật đã đạt được một số thành tựu đáng kể, có nhiều tác phẩm tốt về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, phản ánh những vấn đề thời sự nóng hổi, thu hút sự quan tâm theo dõi của người dân.

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế cho thấy, văn học, nghệ thuật vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu thưởng thức văn nghệ đang phát triển nhanh chóng và ngày một nâng cao của công chúng. Hoạt động lý luận văn học nghệ thuật còn lạc hậu về nhiều mặt, chưa giải đáp được nhiều vấn đề của đời sống, lý luận văn nghệ và mỹ học Mác xít chưa được nghiên cứu và phát huy tương xứng với vai trò và giá trị của nó. Hoạt động phê bình chưa thực hiện tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác, xuất hiện lối phê bình cảm tính, thiếu một hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả và tác phẩm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ cũng như người làm công tác lý luận phê bình còn nhiều bất cập. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, tham mưu, quản lý văn nghệ thiếu hiểu biết về văn học, nghệ thuật, ít học tập, ngại tiếp xúc nên hiệu quả công việc còn thấp...

Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới" đã chỉ rõ: Văn học, nghệ thuật là sức mạnh, là vũ khí sắc bén, phương thức độc đáo của công tác tư tưởng trong việc xây dựng tình cảm, nếp nghĩ, nếp sống của con người. Vai trò xã hội của văn hoá, nghệ thuật là ở chỗ tạo ra hệ thống các giá trị làm chuẩn mực cho con người vươn tới, từ đó hình thành các phẩm chất của con người - hình thành nhân cách. Thông qua việc định hướng giá trị đối với cộng đồng, văn học, nghệ thuật có khả năng điều chỉnh các khuynh hướng, chiều hướng phát triển của xã hội, hướng sự vận động xã hội tới cái tích cực, tiến bộ, nhân văn và hạn chế cái tiêu cực...

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đề nghị các cán bộ quản lý văn học, nghệ thuật, nhà khoa học, các giảng viên và đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận, phê bình bám sát thực tiễn của đất nước để cho ra đời những tác phẩm, bài viết có giá trị trước những vấn đề xã hội đang quan tâm, mang đậm hơi thở cuộc sống, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, định hướng của Đảng và Nhà nước, góp phần định hướng sáng tác, tham gia phản bác các quan điểm sai trái, lệch lạc trong văn học nghệ thuật, hình thành đời sống văn nghệ phong phú, lành mạnh. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng các trường đào tạo văn học, nghệ thuật; hoàn thiện chương trình, nội dung, giáo trình trong các trường cao đẳng, đại học giảng dạy các ngành đào tạo văn học, nghệ thuật; rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng văn nghệ sĩ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới./.


Vũ Anh Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất