Thứ Sáu, 20/9/2024
Thế giới
Thứ Năm, 23/8/2018 9:36'(GMT+7)

Ly tán và hạnh phúc đoàn viên

Cụ bà Lee Keum-seom và con trai Ri Sang Chol (Ảnh: Yonhap)

Cụ bà Lee Keum-seom và con trai Ri Sang Chol (Ảnh: Yonhap)

LY TÁN

Theo CNN, bà Lee Keum-seom đang sống tại nhà chồng ở huyện Kapsan, tỉnh Ryanggang khi cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào ngày 25/6/1950, tuy nhà chồng nằm ở một vùng quê hẻo lánh nhưng nhờ những người chạy nạn, gia đình bà biết được tin tức về chiến trận. “Khi rời đi, họ nói với chúng tôi rằng họ đang chạy trốn và khuyên chúng tôi cũng nên như thế”, bà Lee Keum-seom nhớ lại.

Và thế là gia đình bà đóng gói lương thực và đồ đạc, chất lên chiếc xe bò rồi dắt nhau đi về phía Nam. “Tôi cần cho con bú, nhưng vì có rất nhiều người trên đường cũng như trong những ngôi nhà ven đường nên không có chỗ để làm việc đó”, bà Lee Keum-seom kể.

Do đó, bà đã để cậu con trai Ri Sang Chol, 4 tuổi, trên đường cho chồng trông, còn mình thì lội qua một con suối nhỏ để cho con gái mới sinh bú. Khi quay trở lại, bà không thấy cả chồng và con trai đâu. Mặc dù đau khổ tột độ vì đi cả ngày không tìm thấy họ, bà vẫn quyết tâm tiếp tục tìm kiếm.

“Tôi cứ tiếp tục tìm trên đường đi. Tôi không dừng lại để ngủ hay ăn mà cứ đi tiếp”, bà Lee Keum-seom chia sẻ. Cuối cùng, bà gặp được anh của chồng. Ông ấy nói rằng mọi người cũng đang tìm kiếm hai mẹ con. Chồng bà đã quay lại tìm nhưng họ đã lạc nhau giữa dòng người chạy nạn trên đường.

Khi bà Lee Keum-seom và gia đình chồng tiếp tục đi về phía Nam, bà vẫn nuôi hy vọng chồng và cậu con trai sẽ bắt kịp họ. Thế nhưng, thứ bắt kịp họ lại là chiến trận. Một đêm nọ, khi đang trú ẩn trong một căn nhà bỏ hoang, bà bị đánh thức bởi tiếng súng.

Cuối cùng, có thông báo rằng trận giao tranh đã dừng lại và dân thường có thể lên một chuyến tàu đi về phía Nam. Sau khi xuống tàu, họ lại được yêu cầu lên một chiếc phà đến đảo Geoje của Hàn Quốc.

Do tình cảnh hỗn loạn khi đó, hai mẹ con bà lại bị tách khỏi mọi người trong gia đình chồng. Mãi một tuần sau đó, họ mới đoàn tụ được với một số người trong gia đình chồng.

MÒN MỎI CHỜ ĐỢI

Suốt nhiều ngày, bà Lee Keum-seom cứ ngóng đợi chồng và con trai, thầm hỏi họ đã gặp chuyện gì, rồi nghĩ tới cả chuyện tồi tệ nhất. “Cứ mỗi sáng thức dậy, tôi lại bồng con gái ra ngồi trên một tảng đá trên cánh đồng. Đó là chỗ của tôi. Và tôi lại khóc. Tôi đã khóc suốt một năm ròng”, bà Lee Keum-seom kể.

Nhiều năm trôi qua, bà quyết định từ bỏ cơ hội được gặp lại chồng và con trai. Sau đó, bà tái hôn với một người đàn ông cũng bị lạc mất vợ trên đường chạy nạn về phía Nam cùng các cô con gái.

Cậu bé Ri Sang Chol năm nào giờ đã 71 tuổi. Theo CNN, sau khi nhận ra bị lạc mất vợ và con gái, người chồng đưa đưa con trai Ri Sang Chol quay lại quê tìm kiếm.

Và kể từ đó, gần như không có thông tin gì về cuộc sống của ông Ri Sang Chol ở Triều Tiên.

Vì không biết con trai mình còn sống hay đã mất nên bà Lee Keum-seom chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày được gặp lại ông Ri Sang Chol. Bà đã cảm thấy bất ngờ không thốt nên lời khi được chọn tham gia chương trình đoàn tụ lần thứ 21. “Lúc đầu, tôi không thể nghĩ ngợi được gì. Tôi không thể tin là còn được gặp lại con trai mình. Liệu rằng tôi có thể ôm đứa con trai giờ đã hơn 70 tuổi không?”

LẦN ĐOÀN TỤ HIẾM HOI

Kể từ khi bị chia cách với chồng và con trai gần 70 năm trước, cụ bà Lee Keum-seom đã lần đầu tiên được gặp lại người con trai Ri Sang Chol hôm 20/8 vừa qua.

Theo AFP, tại buổi gặp mặt, người phụ nữ Hàn Quốc tuổi xưa nay hiếm đã gọi to “Sang Chol” trước khi ôm chặt lấy con. Cầm những bức ảnh về gia đình mình tại Triều Tiên, trong đó có cả ảnh người cha quá cố, ông Ri Sang Chol chỉ cho mẹ: “Đây là ảnh của bố”.

Trong niềm hạnh phúc đoàn viên, người phụ nữ ấy cũng không khỏi bùi ngùi khi đây là lần đoàn tụ đầu tiên và có lẽ cũng là cuối cùng. “Với sức tàn phá của thời gian, những cuộc đoàn tụ mẹ-con như thế này trở nên hiếm hoi”, AFP nhận xét.

Theo CNN, có khoảng 57.000 người đủ điều kiện tham gia chương trình đoàn tụ lần thứ 21, vốn là một phần trong thỏa thuận được các nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên nhất trí tại cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử hồi tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, chỉ có 89 người, chiếm tỷ lệ 0,16%, được chọn tham gia. Những người còn lại vẫn đang tiếp tục chờ đợi các vòng đoàn tụ tiếp theo. Nhiều người phải đối mặt với viễn cảnh không bao giờ được gặp lại người thân bởi như Yonhap cho biết, 86% trong số 57.000 người nói trên hiện đã ngoài 70 tuổi. Theo CNN, cho đến nay, có tới hơn 75.000 người không thể chờ được ngày đoàn tụ ấy vì đã qua đời do tuổi cao sức yếu./.

Hoàng Vũ (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất