Đội ngũ cán bộ tuyên giáo có niềm vinh dự to lớn là được hoạt động, cống hiến trên một mặt trận đặc biệt quan trọng, hình thành từ rất sớm của Đảng ta, được Chủ tịch Hồ Chí Minh xây nền đắp, móng, soi đường, dẫn lối; được Đảng ta, trực tiếp là các đồng chí Tổng Bí thư của Đảng qua các thời kỳ chăm lo lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, ân tình. Chúng ta đã có nhiều dịp nói đến công lao to lớn của các đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu đối với công tác tư tưởng, văn hóa, khoa giáo của Đảng. Và mới đây, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vô cùng thương tiếc tiễn đưa đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với thế giới người hiền. Đồng chí đã ghi dấu ấn với những cống hiến to lớn, tấm gương ngời sáng, tấm lòng nhân ái đối với ngành Tuyên giáo Đảng
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã có bài viết sâu sắc, toàn diện về dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác tư tưởng của Đảng. Tôi xin phép được minh họa thêm một số cảm nhận, thu hoạch của một người có may mắn được gắn bó, giúp việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nhiều năm tháng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trao bức trướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng ngành Tuyên giáo tại Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Ðảng (1/8/1930- 1/8/2010). (Ảnh: Nhân Dân)
Đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một học trò trung thành, ưu tú, suốt đời học tập, thực hành tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; một Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, có những cống hiến đặc biệt to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đối với chúng ta, những người làm công tác Tuyên giáo Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một Nhà tư tưởng, lý luận, văn hóa kiệt xuất, một Nhà Tuyên giáo mẫu mực, tài đức vẹn toàn. Tư tưởng, lý luận Nguyễn Phú Trọng là sự kế thừa, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp thu một cách khoa học tinh hoa của truyền thống dân tộc cùng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam đổi mới; là sự chắt lọc, đúc kết ở tầm lý luận thực tiễn Việt Nam, thế giới; là sự tiếp thu và nâng lên tầm cao trí tuệ, tài năng sáng tạo của Nhân dân. Văn hóa Nguyễn Phú Trọng là sự kế thừa, phát triển giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc, văn hóa Hồ Chí Minh, văn hóa nhân loại; là sự tỏa sáng phẩm giá của một nhân cách văn hóa lớn, phẩm giá của một người cộng sản chân chính, trọn đời vì nước, vì dân, lấy danh dự làm điều thiêng liêng, quý giá nhất. Tư tưởng, lý luận, văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có sức sống, sức lan tỏa, cảm hóa, dẫn dắt mãnh liệt không chỉ vì đó là sự kết tinh trí tuệ khoa học uyên bác, tri thức thực tiễn phong phú, sâu rộng, mà trước hết, trên hết, chính là vì đó là tư tưởng, lý luận, văn hóa của một con người có trái tim lớn đập cùng nhịp đập của đất nước, dân tộc và nhân loại; tư tưởng, lý luận, văn hóa của một con người mà tên tuổi và sự nghiệp đã thuộc về Đảng, về Tổ quốc, về Nhân dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói gì, viết gì, làm gì đều xuất phát từ khát vọng cháy bỏng, làm sao để Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, thật sự là đạo đức, là văn minh, cán bộ, đảng viên ta thật sự cần kiệm liêm chính như sinh thời Bác Hồ luôn căn dặn; làm sao cho đất nước ta giữ vững được hòa bình, phát triển nhanh, bền vững, ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế; làm sao cho Nhân dân ta, con người Việt Nam ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, được sống tự do trong một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Cán bộ, đảng viên, nhân dân có thể chưa hiểu đầy đủ, sâu sắc tư tưởng, lý luận, văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với ý nghĩa là những nguyên lý, những đúc kết khoa học, nhưng tin tưởng, tin theo, làm theo lời của Tổng Bí thư vì hiểu rõ đây là lời một người lãnh đạo cao nhất của Đảng nói thật, làm thật, sống thật với một lý tưởng, một lẽ sống, một phẩm giá cao đẹp. Cán bộ Tuyên giáo Đảng chúng ta, ai đã một lần được tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều có thể cảm nhận được sự nhân hậu, đức độ, chân tình, gần gũi, bình dị, bao dung của một Nhà tư tưởng - lý luận - văn hóa lớn, nhân cách lớn – NGƯỜI ANH CẢ của đại gia đình Tuyên giáo. Tôi nhấn mạnh điều này với nhận thức: bí quyết thành công của công tác tuyên giáo, không phải chủ yếu do tài năng, mà chủ yếu và quyết định là lý tưởng sống, là khát vọng cống hiến, là nhân cách của người làm công tác tuyên giáo. Đây chính là bài học lớn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho chúng ta, và do vậy, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, noi theo tấm gương ngời sáng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là con đường dẫn chúng ta đến thành công.
Trải qua chặng đường gần trọn một thế kỷ, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, dưới ánh sáng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ tuyên giáo đảng qua các thời kỳ cách mạng, trên các lĩnh vực, các địa bàn đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Đảng, Nhân dân giao phó; nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp vĩ đại của Đảng, của dân tộc. Sự phấn đấu, cống hiến không mệt mỏi, lao động sáng tạo và cả xương máu hy sinh của các thế hệ cán bộ tuyên giáo đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang của toàn ngành. Đó là truyền thống trung thành vô hạn với lý tưởng cao đẹp của Đảng; là sự kiên định nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối cách mạng, đường lối đổi mới của Đảng, những nguyên tắc xây dựng Đảng; là bản lĩnh vững vàng, vai trò tiên phong, sự sáng tạo không ngừng, sự dấn thân, cống hiến bền bỉ, trong sáng vì Đảng, vì đất nước, vì nhân dân. Truyền thống vẻ vang ấy như mạch ngầm tuôn chảy, thấm thầm lặng vào tâm hồn, khối óc của các thế hệ cán bộ tuyên giáo, trao truyền từ thế hệ trước đến thế hệ tiếp nối để trở thành bản sắc, niềm tự hào và sức mạnh tự nhiên của những người làm công tác tư tưởng, lý luận, văn hóa, khoa giáo của Đảng. Truyền thống ấy cần được gìn giữ, bồi đắp và phát huy.
Đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực ban Bí thư và các đại biểu tại buổi lễ ra mắt cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
94 năm qua, Ban Tuyên giáo Trung ương đã trải qua nhiều lần điều chỉnh về tổ chức, đã mang nhiều tên gọi khác nhau, nhưng ở bất cứ thời kỳ nào, giai đoạn nào, dưới sự dẫn dắt, chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí Trưởng ban, lãnh đạo Ban qua các nhiệm kỳ Đại hội Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương luôn là hạt nhân, là đầu mối quy tụ và phát huy trí tuệ và sức mạnh của toàn ngành, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng Đảng ta về chính trị, tư tưởng, đạo đức, xây dựng sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội, quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân; hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ được giao; góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do; bảo vệ độc lập, thống nhất, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc; nâng cao tầm vóc, vị thế quốc tế của đất nước. Hàm lượng công tác tuyên giáo trong tổng sản phẩm xã hội, trong tăng trưởng kinh tế, văn hóa, xã hội được khẳng định và được nâng lên.
Chúng ta vui mừng nhận thấy, trong những năm gần đây, ngành Tuyên giáo nói chung và Ban Tuyên giáo Trung ương nói riêng đã có nhiều đổi mới, nhiều thành tích mới, nhiều bước tiến mới. Ở thời điểm năm thứ 94, ngành Tuyên giáo đã kế thừa được một kho tàng kinh nghiệm vô cùng phong phú và sở hữu một đội ngũ cán bộ đang tuổi sung sức, được đào tạo bài bản, giàu tâm huyết, trí tuệ, năng lực, có khát vọng cống hiến. Bước vào giai đoạn mới với nhiều vận hội, thách thức mới, chúng ta cần tiếp tục xây dựng môi trường dân chủ, đoàn kết, nhân văn; trân trọng phát huy tâm huyết, năng lực của mỗi người, tạo sự liên kết, tương tác, chia sẻ của cả tập thể ban; đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy, nội dung, phương pháp, phương thức hoạt động, thích ứng hiệu quả với sự phát triển đột biến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; bám sát đường lối, chủ trương của Đảng và thực tiễn cuộc sống; hướng mạnh về cơ sở, gắn bó mật thiết với nhân dân, thật sự tôn trọng, phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân... để đi tới những thành công mới.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng các đại biểu xem triển lãm 3D: Ban Tuyên giáo Trung ương: Dấu ấn tinh thần chủ động, nhạy bén, sáng tạo.
Phía trước còn rất nhiều việc phải làm, còn rất nhiều vấn đề đang đặt ra cần được nhận thức đúng, giải quyết tốt. Toàn Ngành Tuyên giáo, trăm người như một, đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch đã đề ra; nhất định chúng ta sẽ hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ nặng nề, vẻ vang trong giai đoạn phát triển mới; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội XIV của Đảng; đưa ngành Tuyên giáo phát triển lên một tầm mức mới, đón chào Lễ kỷ niệm 95 năm ngày truyền thống vẻ vang./.
GS.TS.Phùng Hữu Phú,
nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung