Thứ Năm, 21/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Năm, 1/8/2024 14:11'(GMT+7)

Tuyên giáo luôn giữ được vị trí đi đầu, xung kích trong công tác lãnh đạo của Đảng

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi Gặp mặt Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo (1/8/1930 - 1/8/2024). (Ảnh: Tuấn Anh)

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi Gặp mặt Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo (1/8/1930 - 1/8/2024). (Ảnh: Tuấn Anh)

Sáng 1/8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Gặp mặt Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2024). Tham dự buổi gặp mặt có các đồng chí Lãnh đạo Ban, nguyên Lãnh đạo Ban cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan.

PHÁT HUY CAO NHẤT TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ VÀ SỨC MẠNH TOÀN NGÀNH

Mở đầu Diễn văn Kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, Lễ Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo diễn ra trong bầu không khí đặc biệt hơn so với các năm trước. Cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, các cán bộ, đảng viên ngành Tuyên giáo chúng ta tiếc thương đưa tiễn đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, nhà tư tưởng, nhà văn hóa lớn về với các bậc tiền bối cách mạng, về với lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng.

“Tấm gương tận tâm, tận lực, tận hiến cho Đảng, cho Nước, cho Dân và những giá trị tư tưởng quý báu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, trong đó có công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo của Đảng đã và đang trở thành động lực để cán bộ, đảng viên toàn ngành Tuyên giáo tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, trau dồi, phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân, góp phần giữ vững và khẳng định cơ đồ, phát huy tối đa tiềm lực, nâng cao hơn nữa vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam” đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định.

Trong không khí trang trọng và xúc động, cùng với ôn lại lịch sử vẻ vang, những đóng góp lớn lao của ngành Tuyên giáo trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nêu, trong suốt 94 năm qua, ngành Tuyên giáo đã luôn xung kích, đi đầu trên mặt trận tư tưởng - mặt trận vô cùng khó khăn, gian khổ và phức tạp. Trong những thắng lợi chung của dân tộc, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mồ hôi, công sức, máu đào các thế hệ ngành Tuyên giáo đã đổ xuống để cổ vũ, xây dựng nền tảng tinh thần, ý chí quật khởi vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đi đến thắng lợi cuối cùng của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, được ghi dấu ấn tại những địa danh lịch sử gắn liền với sự nghiệp Tuyên giáo như Thôn Thia, xã Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang, di tích Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam tại Lò Gò - Bến Ra - Xa Mát, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên), tỉnh Tây Ninh.

“94 năm xây dựng và phát triển, trải qua những tên gọi khác nhau, có khi chia tách, hợp nhất cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ thực tế của mỗi giai đoạn cách mạng, nhưng tôi và các đồng chí có thể tự hào rằng: Ngành chúng ta đã hoàn thành rất tốt vai trò, trách nhiệm của mình; trong bất cứ hoàn cảnh nào, lĩnh vực Tuyên giáo cũng luôn giữ được vị trí đi đầu, xung kích trong công tác lãnh đạo của Đảng” đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nêu.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi Gặp mặt. (Ảnh: Tuấn Anh)

Trong thời gian tới, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, đội ngũ cán bộ toàn Ngành cần ý thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, sứ mệnh của mình; đoàn kết, quyết tâm với nỗ lực cao nhất thực hiện tốt những nội dung sau:

Một là, tích cực tham gia tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới đất nước; đóng góp thiết thực vào việc xây dựng dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Hai là, chủ động tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo các giải pháp về công tác tuyên giáo trên các lĩnh vực. Xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng. Tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nghiên cứu, học tập và phát huy giá trị tư tưởng, đạo đức, văn hóa trong các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ba là, tập trung tuyên truyền về những kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng và việc thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 trên các lĩnh vực; tham mưu tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, địa phương và các ngành; khơi dậy khát vọng dân tộc, khích lệ các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành vượt qua khó khăn thách thức, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu kinh tế - xã hội.

Bốn là, chủ động nghiên cứu, dự báo, nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng, dư luận xã hội; kịp thời tham mưu cấp ủy chỉ đạo xử lý, định hướng tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Năm là, tiếp tục chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo có trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, nêu cao tính gương mẫu, thể hiện tốt vai trò “đi trước, mở đường” của công tác tư tưởng của Đảng.

Kết thúc Diễn văn Kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đã nêu lại một nội dung quan trọng trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo (1/8/2018): “…Tôi mong muốn toàn thể cán bộ, đảng viên, nhất là ngành tuyên giáo và đặc biệt là Ban Tuyên giáo Trung ương nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn ý nghĩa, vai trò, vị trò quan trọng của công tác tư tưởng. Ngành tuyên giáo phải làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng. Đấy chính là nền tảng tư tưởng, mục tiêu, lý tưởng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường đã đi, tuyệt đối không dao động, mơ hồ”.

“Thực hiện tâm nguyện của đồng chí Tổng Bí thư, phát huy cao nhất truyền thống lịch sử và sức mạnh của toàn Ngành, tôi tin chắc rằng, ngành Tuyên giáo chúng ta sẽ đóng góp nhiều hơn nữa và ngày càng khẳng định được vị trí đặc biệt trong công tác lãnh đạo của Đảng, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện như hiện nay”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý.

Các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương cùng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan tham dự buổi Gặp mặt. (Ảnh: Tuấn Anh)

NOI THEO TẤM GƯƠNG NGỜI SÁNG CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Phát biểu tại buổi Gặp mặt, GS. TS. Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, cán bộ tuyên giáo có niềm vinh dự to lớn là được hoạt động, cống hiến trên một mặt trận đặc biệt quan trọng, hình thành từ rất sớm của Đảng ta, được Chủ tịch Hồ Chí Minh xây nền đắp móng, soi đường, dẫn lối; được Đảng ta, trực tiếp là các đồng chí Tổng Bí thư của Đảng qua các thời kỳ chăm lo lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, ân tình.

GS. TS. Phùng Hữu Phú nhấn mạnh, trải qua chặng đường gần trọn một thế kỷ, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, dưới ánh sáng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ tuyên giáo Đảng qua các thời kỳ cách mạng, trên các lĩnh vực, các địa bàn đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Đảng, nhân dân giao phó; nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp vĩ đại của Đảng, của dân tộc.

“Truyền thống vẻ vang ấy như mạch ngầm tuôn chảy, thấm thầm lặng vào tâm hồn, khối óc của các thế hệ cán bộ tuyên giáo, trao truyền từ thế hệ trước đến thế hệ tiếp nối để trở thành bản sắc, niềm tự hào và sức mạnh tự nhiên của những người làm công tác tư tưởng, lý luận, văn hóa, khoa giáo của Đảng. Truyền thống ấy cần được gìn giữ, bồi đắp và phát huy”, - GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.

GS. TS. Phùng Hữu Phú phát biểu tại buổi Gặp mặt. (Ảnh: Tuấn Anh)

Nói về những cống hiến to lớn, tấm gương ngời sáng, tấm lòng nhân ái đối với ngành Tuyên giáo Đảng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, GS. TS. Phùng Hữu Phú chia sẻ, đối với những người làm công tác Tuyên giáo Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một Nhà tư tưởng, lý luận, văn hóa kiệt xuất, một Nhà Tuyên giáo mẫu mực, tài đức vẹn toàn. Tư tưởng, lý luận Nguyễn Phú Trọng là sự kế thừa, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp thu một cách khoa học tinh hoa của truyền thống dân tộc cùng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam đổi mới; là sự chắt lọc, đúc kết ở tầm lý luận thực tiễn Việt Nam, thế giới; là sự tiếp thu và nâng lên tầm cao trí tuệ, tài năng sáng tạo của nhân dân...

Theo GS. TS. Phùng Hữu Phú, tư tưởng, lý luận, văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có sức sống, sức lan tỏa, cảm hóa, dẫn dắt mãnh liệt không chỉ vì đó là sự kết tinh trí tuệ khoa học uyên bác, tri thức thực tiễn phong phú, sâu rộng, mà trước hết, trên hết, chính là vì đó là tư tưởng, lý luận, văn hóa của một con người có trái tim lớn đập cùng nhịp đập của đất nước, dân tộc và nhân loại; tư tưởng, lý luận, văn hóa của một con người mà tên tuổi và sự nghiệp đã thuộc về Đảng, về Tổ quốc, về nhân dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói gì, viết gì, làm gì đều xuất phát từ khát vọng cháy bỏng, làm sao để Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, thật sự là đạo đức, là văn minh, cán bộ, đảng viên ta thật sự cần kiệm liêm chính như sinh thời Bác Hồ luôn căn dặn; làm sao cho đất nước ta giữ vững được hòa bình, phát triển nhanh, bền vững, ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế; làm sao cho nhân dân ta, con người Việt Nam ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, được sống tự do trong một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Cán bộ, đảng viên, nhân dân có thể chưa hiểu đầy đủ, sâu sắc tư tưởng, lý luận, văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với ý nghĩa là những nguyên lý, những đúc kết khoa học, nhưng tin tưởng, tin theo, làm theo lời của Tổng Bí thư vì hiểu rõ đây là lời một người lãnh đạo cao nhất của Đảng nói thật, làm thật, sống thật với một lý tưởng, một lẽ sống, một phẩm giá cao đẹp...

“Bí quyết thành công của công tác tuyên giáo, không phải chủ yếu do tài năng, mà chủ yếu và quyết định là lý tưởng sống, là khát vọng cống hiến, là nhân cách của người làm công tác tuyên giáo. Đây chính là bài học lớn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho chúng ta, và do vậy, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ Tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, noi theo tấm gương ngời sáng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là con đường dẫn chúng ta đến thành công”, GS. TS. Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu. (Ảnh: Tuấn Anh)

Phát biểu cảm tưởng tại buổi Gặp mặt, bên cạnh mạch nguồn cảm xúc về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cũng chia sẻ, vào dịp Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng hằng năm, những người trong ngành dù đang làm việc hay đã nghỉ công tác đều nghĩ về những năm tháng hoạt động tuyên giáo với những vinh quang, tự hào và cũng không kém phần khó khăn, thử thách. Trong cuộc hành trình 94 năm qua, ôn lại những năm tháng khó khăn, gian khổ nhưng rất vẻ vang, tự hào của lớp lớp thế hệ đi trước, thế hệ những người làm công tác tuyên giáo ngày nay càng nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân cũng như với sự phát triển của ngành tuyên giáo.

Đồng chí Ngô Thanh Long, chuyên viên Ban Chỉ đạo 35, đại diện tuổi trẻ cơ quan Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu. (Ảnh: Tuấn Anh)

Phát biểu bày tỏ quyết tâm của thế hệ trẻ, đồng chí Ngô Thanh Long, chuyên viên Ban Chỉ đạo 35, đại diện tuổi trẻ cơ quan Ban Tuyên giáo Trung ương nêu: Thế hệ trẻ của Ban Tuyên giáo Trung ương vinh dự và tự hào được kế thừa phát huy truyền thống quý báu trong những chặng đường phát triển vinh quang của Ban Tuyên giáo Trung ương trong suốt 94 năm qua; nguyện kế thừa, phát huy truyền thống của các thế đi trước, tiếp tục rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, không ngừng học tập, rèn luyện nghiên cứu nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, chủ động tiếp thu tinh hoa của nhân loại, thể hiện hơn nữa vai trò và trách nhiệm của thế hệ trẻ, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, qua đó góp phần vào sự nghiệp chung của ngành Tuyên giáo.

Các đồng chí Phó Trưởng ban Phan Xuân Thủy và Đinh Thị Mai trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp tuyên giáo" tặng các cán bộ có thành tích đóng góp vào quá trình xây dựng, phát triển sự nghiệp tuyên giáo của Đảng. (Ảnh: Tuấn Anh)

Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức đã công bố và trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng đồng chí Nguyễn Hữu Việt, nguyên Hàm Vụ trưởng, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại Thành phố Hồ Chí Minh; trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng đồng chí Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị; trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tuyên giáo” tặng các đồng chí đã có thành tích đóng góp vào quá trình xây dựng, phát triển sự nghiệp tuyên giáo của Đảng./.

THẾ HOÀNG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất