Thứ Hai, 30/9/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 2/1/2011 11:24'(GMT+7)

Mái ấm học đường cho học sinh dân tộc thiểu số

Các em học sinh trường trung học cơ sở Nam Động huyện Quan Hóa tỉnh Thanh Hóa.

Các em học sinh trường trung học cơ sở Nam Động huyện Quan Hóa tỉnh Thanh Hóa.

Hành trình hàng chục km tới trường

Các em Lộc Văn Cường và Lò Thị Cúc (ở làng Bất, xã Nam Động) tâm sự, "trước đây, để đi học hằng ngày em phải dậy từ 4 rưỡi sáng, vượt qua một chặng đường dài, qua 1 con suối nước chảy xiết. Từ khi có khu bán trú, chúng em không phải lo dậy sớm nữa, ở lại trường, ban đầu có nhớ nhà nhưng được các thầy, cô giáo quan tâm, lại đông bạn bè, được học, được chơi vui lắm...".

Được biết, ở xã Nam Động có 7 thôn thì cả 7 thôn đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, bản xa nhất cách trung tâm xã 19 km, một số bản gần thì phải qua sông. Ngày nắng, việc đi lại phải trèo đèo, lội suối rất khó khăn. Còn những ngày mưa to, nước thượng nguồn đổ về, nhiều học sinh và người dân quanh vùng chỉ biết ngồi nhìn dòng nước mà không thể nào qua được.

Được sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương cùng với sự đóng góp của nhân dân, từ năm học 2008-2009, khu nhà ở bán trú của nhà trường đã được xây dựng và đưa vào sử dụng, tạo điều kiện cho 63 học sinh ở bán trú. Năm học 2010-2011 này có 67/112 học sinh ở bán trú. Có nhà bán trú, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng giảm đáng kể, chất lượng học tập của các em cũng từng bước được nâng lên.

Mô hình bán trú: Cần thiết nhưng còn không ít khó khăn

Chia sẻ câu chuyện này với Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, được biết, năm học 2008-2009, cả nước có tới 144.124 học sinh ở bán trú (trong đó, học sinh trung học là 26,79%, trung học cơ sở là 55,33%) tại 1.657 trường của 24 tỉnh. Trong số đó, học sinh người dân tộc thiểu số ở bán trú chiếm tới 96,12%, học sinh nữ chiếm tỷ lệ đáng kể 40,68%.

Một mái nhà của học sinh bán trú dân nuôi Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Hiện nay, ở nhiều địa phương, mô hình trường phổ thông có học sinh bán trú đã phủ khắp các huyện trong tỉnh, như Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang... Tại tỉnh Hà Giang, 100% các xã, huyện vùng cao đều có mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú.

Rõ ràng thực tiễn đã chứng tỏ mô hình này góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, hoàn thành phổ cập giáo dục ở vùng dân tộc, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc hiểu số trong việc đưa con em đi học.

Tuy nhiên, cũng theo Vụ Giáo dục dân tộc, hiện mô hình này còn đang gặp không ít khó khăn, bất cập. Bởi thực tế nơi ăn chốn ở của học sinh bán trú còn thiếu thốn, chưa đảm bảo an toàn. Phần lớn các em phải ở trong lán trại tự làm bằng tranh, tre, nứa lá, không chắc chắn. Bữa ăn của các em cũng còn rất đạm bạc và thiếu dinh dưỡng, chủ yếu chỉ có cơm với muối trắng và rau rừng do các em hái, hoặc tự trồng.

Mặc dù một số địa phương có đông học sinh bán trú đã có thêm đề án hỗ trợ cho học sinh bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú như ở Hà Giang, Lào Cai, Quảng Ninh, Quảng Nam, Đắk Lắk,... tuy nhiên, cho đến nay, còn nhiều địa phương khác chưa nhận được sự hỗ trợ mang tính ổn định cho loại trường này.

... và quyết sách của Chính phủ hỗ trợ học sinh, nhà trường dân tộc bán trú năm 2011

Học sinh bán trú Trường THCS Châu Quế Thượng tỉnh Yên Bái tăng gia cải thiện bữa ăn hàng ngày.
Trăn trở này của chúng tôi được ông Trần Tiến Dũng, Hàm Vụ Phó Vụ Khoa giáo - Văn xã Văn phòng Chính phủ cho biết, trung tuần tháng 12/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 85/2010/QĐ-TTG ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú trong năm 2011. Theo đó, về hỗ trợ tiền ăn, học sinh bán trú sẽ được hỗ trợ bằng 40% mức lương tối thiểu chung mỗi tháng. Về hỗ trợ nhà ở, học sinh bán trú được ở trong khu bán trú của nhà trường. Còn đối với những học sinh phải tự lo chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

Ông Dũng cho biết thêm, chính sách hỗ trợ trên của Thủ tướng xuất phát từ thực tiễn hiện nay ở nhiều tỉnh có các hình thức cho học sinh bán trú khác nhau: Một bộ phận học sinh có nhà ở trong khu vực trường được xây bằng nguồn vốn của nhà nước, nhưng cũng có một bộ phận khác ở xung quanh trường bằng cách tự làm lán trại, mỗi lán có từ 2 đến 10 em; một bộ phận khác ở trọ trong nhà dân,... Vì vậy theo quyết sách này, trong khi nhà nước chưa xây dựng đủ nhà ở cho học sinh bán trú, các em phải tự lo chỗ ở thì cũng sẽ được hỗ trợ 10% mức lương tối thiểu chung.

Một mùa xuân mới đã đến, song trong giá lạnh rét buốt còn đọng lại của mùa Đông, chúng tôi dường như lại thấy ấm lòng hơn khi hình dung về những gương mặt tươi sáng của các em nhỏ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang yên tâm học tập trong những ngôi trường bán trú, yếu tố khởi nguồn của việc chắp cánh cho những con chữ lên vùng cao cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ./.

(Hoàng Diên-Thanh Hoài/VGP News)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất