Chủ Nhật, 29/9/2024
Thể thao
Thứ Năm, 4/9/2008 8:11'(GMT+7)

Man City "đổi chủ" - Một bước lên thiên đường

Manchester City đón chào chủ nhân mới, và rất có thể sẽ là thời đại mới

Manchester City đón chào chủ nhân mới, và rất có thể sẽ là thời đại mới

Chủ sở hữu mới của Man xanh sẽ là thành viên của gia đình Al – Nahyan. Người ta cho rằng gia đình này là những người có quyền hành tối cao tại Abu Dhabi, thành phố lớn nhất Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và đồng thời là khu vực khai thác dầu mỏ màu mỡ tại Vùng vịnh.

Với việc Robinho bất ngờ gia nhập Man City vào phút chót thay vì Chelsea như thông tin rầm rộ trước đó, có lẽ "lời chào" của gia đình Al-Nahyan với CĐV thành Manchester không thể ấn tượng hơn.

Tổng tài sản của gia đình này ước tính lên tới ít nhất 26 tỷ đôla. Thêm vào đó, họ còn tỏ ra là những fan hâm mộ thể thao khi rải tiền từ đua ngựa đến đua xe, và bây giờ là bóng đá.


Tiền không phải là vấn đề đối với họ”, một nguồn tin thân cận với cả 2 bên trong thương vụ này tiết lộ: “Họ mua đội bóng chỉ bởi vì họ muốn xem giải Ngoại hạng Anh”.

Người đứng ra ký kết thương vụ mua bán Man xanh với cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra là Sulaiman al-Fahim, một trong những thương nhân nổi tiếng nhất Trung Đông.

Sau thành công vang dội với công ty bất động sản Hydra Properties, Al-Fahim nổi tiếng với biệt danh “Donald Trump của Vùng Vịnh”. Công ty này đã xây dựng khá nhiều các toà nhà cao tầng tại Dubai, và còn tham dự vào dự án Al Reem, dự án xây dựng hòn đảo nhân tạo gần thành phố Abu Dhabi.

Al-Fahim còn có một điểm tương đồng nữa với Donald Trump vì doanh nhân này còn sở hữu một series truyền hình có tên Hydra Executives. Chương trình này mô phỏng theo series truyền hình rất ăn khách của Trump, “The Apprentice”. Không chỉ có thế, Al-Fahim còn trực tiếp xuất hiện với vai trò giống như Sir Alan Sugar trong “The Apprentice”

Không chỉ có vậy, người đàn ông 31 tuổi này còn là một trong số ít những thương nhân nổi tiếng giống như một ngôi sao giải trí tại vùng Trung Đông. Al-Fahim được biết tới với không ít lần bị bắt gặp đang “đùa nghịch” với những ngôi sao hạng A của Hollywood.

Thêm vào đó, vị doanh nhân này còn tỏ ra rất có hứng thú với bóng đá, Al-Fahim thậm chí đã cho xây dựng Học viên đào tạo bóng đá của Inter Milan tại Dubai.

Fan hâm mộ Man City đón chào chủ nhân mới bên ngoài SVĐ City of Manchester - Ảnh Dailymail

Mặc dù thu nhập từ công ty bất động sản đủ để Al-Fahim tự bỏ tiền túi ra mua Man City, nhưng một số nguồn tin thân cận với vị doanh nhân này cho hay, Al-Fahim chỉ đóng vai trò đại diện cho gia đình quý tộc Al-Nahyan mà thôi.

Mặc dù Al-Fahim đứng ra dàn xếp vụ mua bán, và ký tên vào Biên bản ghi nhớ giữa đôi bên hôm chủ nhật vừa rồi, nhưng phần lớn số tiền là do một số “ông lớn” trong gia đình bỏ ra. Một trong số họ có thể là Trưởng tộc Mansour bin Zayed al-Nahyan, Chánh án toà án hoàng gia tại Abu Dhabi.

Tộc trưởng Mansour là anh trai cùng cha khác mẹ với Tổng Thống UAE và là anh ruột của Hoàng tử Abu Dhabi. Chính vì vậy, người đàn ông này là một trong những người quyền lực nhất tại Vùng Vịnh. Và mặc dù không ai biết rõ khối tài sản Mansour đang nắm giữ là bao nhiêu, nhưng có một điều có thể chắc chắn rằng, tài khoản của ông lên tới hàng chục tỉ đôla.

Công ty đứng ra mua Man City có tên Abu Dhabi United Group, một công ty dựng ra chỉ nhằm mục đích thâu tóm câu lạc bộ của thành phố Manchester. Thực chất đứng đằng sau đó là Royal Group, một công ty chuyên về đầu tư của riêng gia đình Al-Nahyan, đồng thời cũng là công ty mẹ của Hydra Properties.

Abu Dhabi là vùng đất giàu có nhất trong số 7 tiểu quốc lập nên đất nước UAE. Thu nhập chủ yếu của nó đến từ kinh doanh dầu mỏ và khí gas. Đặc biệt trong bối cảnh giá nhiên liệu leo thang hiện nay thì túi tiền của gia đình nắm giữ quyền lực tại Abu Dhabi ngày càng dầy thêm.

Hầu hết lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh này do quỹ Abu Dhabi Investment Authority quản lý, với tổng giá trị lên tới 800 tỷ đôla. Số tiền này sau đó được sử dụng để mua cổ phiếu của các công ty tại Châu Âu.

Ngoài ra còn một công cụ đầu tư khác là Mubadala, công ty sở hữu 5% cổ phần của Ferrari và đóng vai trò then chốt trong việc đưa vòng đua F1 đến với Abu Dhabi vào năm sau. Nhờ có vậy mà thành phố này nổi lên với vị thế của một trung tâm văn hoá thể thao của Trung Đông, và hơn nữa, sau thành công của vụ mua bán Man City thì tầm quan trọng của Abu Dhabi sẽ ngày càng nâng cao.

Không chỉ có phía Trung Đông hưởng lợi từ thương vụ này, mà những CĐV của Man xanh cũng có thể hy vọng vào sự hợp tác chặt chẽ giữa câu lạc bộ và phía Vùng Vịnh thông qua các giải đấu giao hữu đầu mùa giải, hay các hợp đồng tài trợ kếch xù.

Tuy nhiên, việc mua lại Man City chỉ đơn thuần bắt nguồn từ sở thích cá nhân của các đại gia. “Tháng này họ mua máy bay, tháng sau là một CLB tại Premiership – Đó là thế giới mà những người đó đang sống”, Một nguồn tin cho hay.
(Theo VietNamnet)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất