Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 28/10/2012 9:50'(GMT+7)

Mang sách lý luận, chính trị về vùng sâu, vùng xa

Tọa đàm về xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị tại Cần Thơ

Tọa đàm về xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị tại Cần Thơ

“Đề án trang bị sách giáo dục lý luận, chính trị, pháp luật cho xã phường” do Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai (3-2011) đã góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao dân trí. Tuy nhiên, tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), phía trước còn nhiều khó khăn.

HIỆU QUẢ TỪ MỘT ĐỀ ÁN

Ông Trương Minh Chiến - Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết, đến nay, tổng số sách các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã nhận bốn đợt với hơn 4.000 bản và gần 200 đĩa CD bao gồm nhiều lĩnh vực như tìm hiểu về Nhà nước và pháp luật; phổ biến chính sách, pháp luật và kiến thức quản lý cấp cơ sở; công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; sách phục vụ cho việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; những mô hình sản xuất có hiệu quả, tiến bộ khoa học - kỹ thuật áp dụng vào thực tiễn...

Sóc Trăng là một tỉnh có thế mạnh về kinh tế đồng thời nhu cầu về thông tin cũng rất đa dạng. Toàn tỉnh có 2.308 cán bộ, nhân viên cấp xã, phường, thị trấn nhưng trình độ chính trị chưa qua đào tạo chiếm 17,16% (396 người); trình độ chuyên môn chưa qua đào tạo chiếm 29,55% (682 người). Việc thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đã đáp ứng được những đòi hỏi của đội ngũ cán bộ cơ sở tỉnh nhà. “Bước đầu đã giúp cho đội ngũ cán bộ cơ sở có điều kiện tiếp cận được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề mang tính thời sự ở từng thời điểm cụ thể. Đây cũng là lần đầu tiên ở cơ sở được tiếp nhận nhiều chủng loại sách, tương đối phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương”, ông Hồ Văn Sáu - Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng nhận xét.

Trong những năm qua, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật (NXB CTQG - ST) đã xuất bản hơn 10 đầu sách pháp luật dịch sang song ngữ Kinh - Khmer cho các tỉnh ĐBSCL, trong đó có Trà Vinh. Đây là một hướng đi đúng, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu bức thiết về công tác tư tưởng - văn hóa của vùng ĐBSCL. Là một tỉnh có hơn 30% đồng bào dân tộc Khmer (khoảng 400.000 người), 141 chùa Khmer với hơn 3.000 sư sãi đang vừa tu, vừa học văn hóa ở các cấp học nên việc nghiên cứu, tìm hiểu về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước qua những tài liệu song ngữ Kinh - Khmer là rất cần thiết với đồng bào và sư sãi Khmer, cũng như đối với các sở, ban, ngành tỉnh.

Từ khi có sách, cán bộ, đảng viên được bổ sung thêm nhiều kiến thức; công việc được giải quyết nhanh hơn, đúng đắn hơn, hiệu quả hơn. Rõ ràng, đề án trang bị sách cho xã, phường, thị trấn đã thiết thực góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cấp xã, nâng cao dân trí cho các tầng lớp nhân dân ở cơ sở.

CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

Tuy nhiên, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động đến công tác xuất bản, phát hành sách, Thượng tá Nguyễn Thị Sơn Hiệp - Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an TP Cần Thơ khẳng định và lưu ý: Loại hình tội phạm in và phát hành sách lậu ngày càng phát triển, thủ đoạn ngày càng tinh vi, diễn biến trên mọi lĩnh vực. Các đầu sách của NXB CTQG-ST cũng không ngoài tầm ngắm của các đối tượng này. Trong năm 2011 đơn vị đã phối hợp với SởThông tin và Truyền thông cùng cơ quan chức năng kiểm tra 15 cơ sởphát hành sách, tạm giữhơn 240 bản sách in lậu ba cuốn Giáo trình (Những nguyên lýcơ bản của Chủnghĩa Mác - Lê-nin, Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng HồChíMinh). Năm cơ sởbán sách giảđã bị xửphạt hành chính với tổng sốtiền phạt 38.400.000 đồng. Bà Sơn Hiệp nhấn mạnh: “Không chỉ in và phát hành lậu mà các đối tượng còn in cả con dấu “chống giả” giả dán trên bìa sách, do vậy người bình thường khó có thể phân biệt được đâu là thật là giả”.

Ông Trần Hữu Hiệp - Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Xã hội Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ bày tỏ e ngại: Trước mặt trái của thông tin, truyền thông, nhất là mạng Internet, sự xuất hiện ngày càng nhiều của thiết bị sách điện tử và sách in bán qua mạng đe dọa, thách thức nhiều mặt đối với các loại sách in truyền thống. Khuynh hướng “thương mại hóa”, sự cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo thị hiếu tầm thường và lợi nhuận đơn thuần, cùng sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội tăng nhanh đều tác động, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất bản sách nói chung, đặc biệt là sách lý luận chính trị, pháp luật nói riêng. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, có một thực tế cần nghiêm túc nhìn nhận là chúng ta vừa thừa lại vừa thiếu sách lý luận chính trị. Các đầu sách nghiên cứu, tổng kết thực tiễn còn ít, chất lượng còn hạn chế. Sách viết về công cuộc đổi mới, những nhân tố mới, con người mới, viết về cuộc đấu tranh giữa cái mới, tiến bộ và cái cũ, cái lạc hậu, kìm hãm, cái hư hỏng còn ít và kém sâu sắc, sinh động...

ĐỂ SÁCH HAY LAN RỘNG

Tại ĐBSCL còn khá nhiều vấn đề nóng bỏng, rất cần được nghiên cứu, tổng kết như chương trình liên kết vùng; ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, công tác dân tộc - tôn giáo; bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đặc biệt là các hoạt động thường xuyên, được tổ chức hằng năm có sự tham gia của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các Ban Đảng, bộ, ngành trung ương và địa phương như: Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC), tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, đồng bào Chăm, các chương trình, đề án liên kết vùng trong nghiên cứu khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực...

Ông Trần Bình - Giám đốc Chi nhánh NXB CTQG - ST tại ĐBSCL, đơn vị chủ lực về sách lý luận chính trị trong khu vực cho biết, để nâng cao chất lượng công tác xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị, pháp luật tại ĐBSCL, đơn vị sẽ xây dựng cơ chế phối hợp với các tỉnh thành, nhất là với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và Quân khu 9 để nghiên cứu định hướng đề tài, xuất bản các ấn phẩm phục vụ liên kết vùng, phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; hồi ký của các tướng lĩnh về mảng đề tài chiến tranh; lịch sử truyền thống các địa phương; chế độ thu hút cộng tác viên, chế độ đãi ngộ tác giả; đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở phát hành, giới thiệu địa chỉ phát hành để các đối tượng, nhất là giới trẻ được tiếp cận nhiều hơn các loại sách lý luận chính trị, pháp luật...

Đồng thời NXB CTQG - ST cần quan tâm, khai thác sâu hơn đến tính đặc thù của vùng ĐBSCL. Hằng năm, bên cạnh nhiệm vụ, công tác thường xuyên, NXB CTQG - ST và Chi nhánh sẽ chọn chủ đề, lĩnh vực trọng tâm để phối hợp thực hiện, tiến tới việc ký kết Quy chế phối hợp với nhau để định hướng lâu dài, đưa công tác phối hợp vào nền nếp và đạt chất lượng hiệu quả hơn.

* Sách lý luận, chính trị, pháp luật của Đảng, Nhà nước là vũ khí sắc bén trên trận địa tư tưởng, giúp cho đảng viên, nhân dân ta loại trừ các quan điểm phản động của các thế lực thù địch; góp phần giữ vững và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước (TS Hoàng Phong Hà - Phó Giám đốc Thường trực - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật).


Theo ND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất