Tuy nhiên, đằng sau MXH luôn có những quyền lực ngầm, và công nghệ do con người tạo ra có thể trở thành một công cụ bị lạm dụng nhằm khống chế con người, nếu như mất cảnh giác. Liệu đã có bao nhiêu người đủ tỉnh táo, đủ khả năng sàng lọc thông tin khi tham gia các MXH, bao nhiêu người biết đến tác động của các MXH, nhất là tác động tiêu cực?
Hiện nay trên thực tế, MXH thường được hiểu là các trang web, blog kết nối mọi người với nhau, tạo ra môi trường trên mạng để mọi người trao đổi và chia sẻ thông tin, tình cảm. Tuy nhiên, đây là quan niệm hết sức "hiền lành", chưa phản ánh các "quyền lực ngầm" sau mỗi trang kết bạn và giải trí.
Thông thường, những ai có địa chỉ email thường hay nhận được lời mời hấp dẫn tham gia Facebook, Twitter, hay các trang kết bạn online như twoo.com, badoo.com, nhipcauduyen.com, myzamana.com, vietnamsingle.net... Và thường thì cảm giác về một thế giới cởi mở, hòa đồng với những cơ hội kinh doanh và kết bạn dễ làm mờ đi sự nghi ngại. Còn gì thú vị hơn khi được trò chuyện, trao đổi, hẹn hò, thoải mái bày tỏ quan điểm, ngợi khen hay tặng quà với mọi người có cùng sở thích từ khắp nơi trên thế giới. Có lẽ vì thế, mỗi ngày có hàng tỷ lượt người truy cập vào youtube, wikipedia, google... để tra cứu thông tin, xem vi-đi-ô hoặc tương tác với bạn bè. Thành viên MXH thường là người tích cực tải thông tin lên các trang web. Thông tin trên MXH được gián tiếp thừa nhận khi người khai thác nó nghiên cứu và sử dụng cho mục đích riêng. MXH đang phát triển như một xu thế thời đại, một phần là do nhu cầu giao lưu, chia sẻ, khai thác thông tin của con người, phần khác do công nghệ kỹ thuật số không ngừng được nâng cấp. Có thể nói, sự liên kết giữa các MXH và trang web trên toàn cầu có thể biến một sự việc xảy ra tại một làng quê hẻo lánh thành mối quan tâm của cả thế giới.
Ở nước ta, số người tham gia MXH tăng lên nhanh chóng, nhất là trong giới trẻ. Theo ictnews.vn của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 31-3-2012, nước ta có hơn 30,8 triệu người sử dụng in-tơ-nét, chiếm 34,1% dân số. Số người dùng in-tơ-nét ở nước ta xếp thứ tám trong khu vực châu Á và thứ ba ở khu vực Ðông - Nam Á. Nếu 50% số người sử dụng in-tơ-nét tham gia các MXH, thì nước ta có trên dưới 15 triệu người tham gia các MXH, hoặc là thành viên của MXH. MXH nổi tiếng nhất Việt Nam là Zing Me tự quảng bá số thành viên lên tới bảy triệu người; mạng này cung cấp nhiều tiện ích giải trí, thông tin "nóng", ảnh của "hot girl, hot boy" và trở thành tâm điểm của giới trẻ. Do phần lớn những người tham gia vào các MXH sở hữu máy tính cá nhân, hoặc thường xuyên tiếp xúc với máy tính, điện thoại di động cao cấp (có chức năng duyệt web), họ trở thành đối tượng tác động, chào mời của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân với những mục đích khác nhau.
Quá trình phát triển của MXH cũng chứa đựng nhiều thay đổi so với mục đích ban đầu. Những MXH ra đời đầu tiên vào những năm 1990 chỉ nhằm mục đích kết bạn, tạo diễn đàn trao đổi nội bộ cho các thành viên trong nhóm, không hề hoặc rất ít liên quan chính trị. Tuy nhiên, ảnh hưởng và lực hấp dẫn của các MXH ngày càng lớn và dần dần được các đại gia tài chính, các thế lực chính trị và nhiều đối tượng khác khai thác để kiếm lợi. Twitter là một thí dụ. Khởi điểm là một dịch vụ nhắn tin di động, đến nay, mỗi ngày MXH Twitter có khoảng 600 triệu lượt người truy cập. Ðể duy trì hoạt động, MXH này đã chấp nhận các khoản đầu tư của các công ty như Digital Sky Technologies có trụ sở tại LB Nga và thực hiện các điều khoản cam kết với công ty này.
Từ một trang web kết nối bạn bè do Mark Zuckerberg lập nên, Facebook đã trở thành MXH đa năng với số thành viên còn đông hơn cả dân số Mỹ, LB Nga. Song ai đang thật sự sở hữu và điều hành MXH khổng lồ này? Một số nguồn tin cho biết, MXH nổi tiếng nhất thế giới này được sở hữu và quản lý bởi các ngân hàng và nhà đầu tư tài chính khổng lồ Rothschilds and Goldman Sachs. Mối quan hệ giữa CIA và Facebook được nói rõ trên trang americasnewsnow.com với những thông tin khiến người đọc giật mình. Trang này cho biết, chính các cựu điệp viên CIA là người gây quỹ cho Facebook, và những người này đã được sử dụng thông tin từ Facebook. Các điều khoản dịch vụ Facebook cũng nói rõ rằng, công ty sở hữu trang web này được sở hữu và có quyền sử dụng bất kỳ thông tin nào đăng tải trên trang này theo bất kỳ cách thức nào từ giờ (thời điểm đăng ký) đến vô tận. Khi trả lời câu hỏi "Có đúng là Facebook thật sự được điều hành bởi CIA?", trang hỏi đáp có tiếng của yahoo có tên miền là answers.yahoo.com đưa ra câu trả lời rằng, các cơ quan tình báo Mỹ như CIA, FBI hay NSA chỉ việc thu thập thông tin cá nhân có sẵn trên Facebook dùng để chống lại chính những người cung cấp thông tin đó, nếu họ muốn. Có lẽ, những người đăng tải thông tin thật của mình trên Facebook sẽ phải giật mình sợ hãi khi biết điều này. Bởi vì bên cạnh những người cố tình khai báo thông tin không chính xác, thì không ít người vô tư cung cấp thông tin cá nhân khá trung thực. Âu đó cũng là bài học sơ đẳng nhất trong bảo mật thông tin cá nhân.
Bất cứ ai muốn tham gia vào một MXH như Facebook hay Twoo.com, đều phải đăng ký theo yêu cầu của người điều hành trang web. Thông thường, người tham gia phải đăng nhập một tài khoản email, khai họ tên, giới tính, địa chỉ, nghề nghiệp, thậm chí cả điều kiện kinh tế, quan hệ hôn nhân, sở thích cùng nhiều thứ khác. Các thành viên được yêu cầu tải lên hình ảnh của chính mình, càng nhiều ảnh thì càng có cơ hội biết nhiều thông tin của người khác. Từ nguồn thông tin thu thập được và từ email của thành viên, người điều hành trang web sẽ nhanh chóng lần ra mối quan hệ của các thành viên đó trên in-tơ-nét, kêu gọi các thành viên hãy mời bạn bè, người thân tham gia MXH với những điều kiện ưu đãi tài chính và thông tin hấp dẫn. Càng thuyết phục được nhiều người tham gia, bạn càng có cơ hội được nhiều người biết đến, được xếp vào khách VIP, người nổi tiếng. Cứ thế, như một trò cờ bạc, càng dấn sâu vào các mối quan hệ thân tình trên mạng thì thành viên của MXH càng khó dứt ra, càng khai báo nhiều hơn. Dần dần, các thành viên MXH vô tình cung cấp cho người điều hành mạng một bản lý lịch chi tiết mà chính họ cũng không ngờ tới, bao gồm những mối quan hệ cá nhân đáng lẽ phải giấu kín. Khi họ trò chuyện hoặc gửi thư, ảnh và tài liệu cho bạn bè trên MXH, tất cả những thông tin đó được lưu giữ, và đương nhiên người điều hành MXH biết hết những thông tin này. Sẽ nguy hiểm thế nào nếu như người điều hành MXH sử dụng thông tin cá nhân của các thành viên vào mục đích xấu, hoặc để khống chế, hoặc để theo dõi mọi người. Phần lớn những người tham gia MXH không quan tâm xem ai đứng đằng sau các mạng này, không đọc kỹ các điều khoản tham gia. Khi một người bỏ qua các điều khoản, mặc nhiên người đó đã ký vào một hợp đồng cho phép người điều hành MXH tự do sử dụng thông tin cá nhân của mình. Cũng rất ít người hoài nghi về mục đích giao lưu vui vẻ của các MXH, hoặc cho rằng MXH được lập ra nhằm mục đích kinh doanh thuần túy, mà không xem xét đến các mục đích khác. Sự vô tư này có thể phải trả giá khi tham gia một số MXH có dụng ý xấu.
"Không gian ảo", nhưng thiệt hại có thể là thật. Có những tổ chức, doanh nghiệp tạo ra MXH riêng nhằm kết nối các thành viên trong tổ chức với nhau và kết nối có điều kiện với các thành viên bên ngoài nhằm mục đích trục lợi. Vụ lừa đảo bằng thủ đoạn mua bán gian hàng điện tử gây xôn xao dư luận thời gian qua cho thấy, muaban24h đã sử dụng in-tơ-nét để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của các công dân nhẹ dạ, cả tin. Nhiều MXH, blog và báo điện tử cũng vô tình đưa thông tin có lợi cho muaban24h. Tình báo kinh tế, các hacker thường lợi dụng tối đa các tiện ích của MXH, vừa khai thác thông tin của đối thủ, vừa tiến công trên cả phương diện tài chính lẫn kỹ thuật. Rồi do khả năng tương tác rộng lớn, nên nhiều hacker phát tán vi-rút và mã độc trên MXH, tiến công các trang web, blog, thậm chí tiến công cả hệ thống bảo mật thông tin của các quốc gia. Ví như việc các MXH đã nhân bản với tốc độ chóng mặt những thông tin mật được Wikileaks tiết lộ, làm cho giới chức các quốc gia một phen điêu đứng vì lo lắng. Các nhà quân sự đều phải tính tới các phiên bản của chiến tranh mạng, trong đó, MXH sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng do các trang điện tử này nắm được số đông, khả năng phát tán thông tin nhanh nhạy. Hơn nữa, các thành viên của MXH đều có niềm tin nhất định vào thông tin chính thức được phát hành bởi người điều hành mạng hay bạn bè trên mạng. Việc đóng cửa tất cả các MXH là giải pháp không khả thi chút nào trong thời điểm hiện nay. Trong khi đó, nhà điều hành MXH có thể phải bắt tay với các thế lực ngầm vì lý do tài chính.
Gần đây, vai trò "ngòi nổ" của MXH trong "mùa xuân A-rập" ở các quốc gia Bắc Phi được đánh giá là không nhỏ. Phương Tây không chỉ hỗ trợ các phe nổi dậy chống chính phủ bằng tiền và vũ khí, mà họ sử dụng MXH như một phương thức chiến tranh tâm lý để tập hợp, kích động các lực lượng nổi dậy, đồng thời thu thập thông tin tình báo qua hệ thống điện tử một cách tinh vi. Còn trên Facebook, cách đưa tin có chủ ý rõ rệt. Họ cung cấp các đường link với một số trang web chống chế độ. Có những người xem đây là thông tin "hot", đọc cho vui, nhưng cũng có người vô tình hay hữu ý nhân bản, sao chép thông tin này. Việc quản lý các thông tin kiểu như trên là rất khó thực hiện, nhất là khi các MXH thực hiện truyền tin qua email, massage, hoặc liên kết website một cách tự do. Ðây chính là điểm mà các thế lực thù địch, phản động đang khai thác sâu, lợi dụng triệt để. Thậm chí, khi có sẵn trong tay danh sách địa chỉ thư tín của các nhân sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên, họ chỉ việc phát tán và tải lên các trang MXH nổi tiếng để thu hút nhiều người đọc.
MXH hiện chứa đựng không ít cạm bẫy mà người đăng nhập dễ trở thành con mồi. Trên MXH có vô số liên kết độc hại, tin rác hay phần mềm lừa đảo, mà nếu kích chuột vào có thể khách hàng phải chịu thiệt hại. Các vụ lừa đảo qua MXH ngày càng nhiều, hết cô gái này đến cô gái khác bị lừa bán qua mạng, rồi bán thông tin giả, hàng giả,... Ðáng báo động tới mức, tờ The Guardian (Anh, ngày 15-3-2011) đưa tin chính Julian Assange, người sáng lập Wikileaks, đã khuyên sinh viên đại học Cambridge không sử dụng Facebook và Twitter. Lý do mà ông này đưa ra là, những MXH đã góp phần gây ra những bất ổn ở Trung Ðông cũng như cuộc nổi dậy ở Ai Cập, theo ông, in-tơ-nét là "cỗ máy gián điệp khổng lồ nhất mà thế giới từng biết đến". Trong khi các quốc gia phương Tây khuyến khích người dân các nước khác hãy sử dụng in-tơ-nét và MXH để thúc đẩy cải cách, dân chủ, thì chính họ lại chật vật tìm cách quản lý vấn đề này trong quốc gia mình. Chính phủ Anh đã phải đem MXH lên bàn nghị sự sau khi xảy ra các cuộc bạo động ở quốc gia này năm 2011. Nhiều công ty ở Mỹ cấm nhân viên sử dụng MXH trong giờ làm việc. Hiện nay, chính phủ các nước đều nỗ lực tìm giải pháp quản lý MXH.
Xu hướng báo chí và MXH bắt tay nhau để thuyết phục người đọc đang diễn ra. Ngày càng nhiều công ty và tổ chức của chính phủ, cũng như tổ chức phi chính phủ, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các MXH đang lên do thấy lợi ích từ việc này. Tùy theo mức đầu tư và điều khoản hợp đồng, họ có thể trở thành thế lực ngầm khống chế các MXH có ảnh hưởng. Ðến nay, ở Việt Nam có khoảng 30 MXH đang hoạt động. Ngoài một số MXH có mục đích giải trí đơn thuần, không ít MXH đang bị các thế lực thù địch lợi dụng nhằm thu thập thông tin, phổ biến thông tin bịa đặt, vu cáo, kích động, kêu gọi lật đổ chế độ, chống lại Ðảng và Nhà nước như là một công cụ hiệu quả để thực hiện "diễn biến hòa bình". Một số blog (có địa chỉ, tên tuổi hẳn hoi) thường xuyên cập nhật thông tin như một tờ báo điện tử, đưa nhiều thông tin xuyên tạc, độc hại nhưng chẳng thấy bị xử lý. Hơn lúc nào hết, bất cứ ai tham gia các MXH cần tìm hiểu kỹ về điều khoản tham gia cũng như mục đích thật sự của MXH, để bảo đảm an ninh cho cá nhân, đề phòng thông tin của mình bị các đối tượng xấu lợi dụng; cũng như cảnh giác với các quyền lực ngầm đứng sau thao túng các MXH... Và bất cứ ai khi đọc thông tin trên các MXH cũng cần cảnh giác với những thông tin giả, xuyên tạc, độc hại...
Anh Khôi/Báo Nhân Dân