Các vấn đề về giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh; nạn tranh giả, tranh nhái… đã được các đại biểu đưa ra thảo luận tại Hội thảo "Giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh - Thực trạng và giải pháp", diễn ra ngày 18/7, tại Hà Nội, do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức.
CÓ THÌ THỪA, KHÔNG CÓ THÌ THIẾU
Đó là phát biểu của nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh, thành
viên Hội đồng giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh Nguyễn Thành tại Hội thảo.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thành, nhiều tác phẩm nghệ thuật vi phạm bản
quyền xảy ra nhiều ở Việt Nam. Vì vậy, nhu cầu cần có đơn vị làm công
tác trọng tài, giám định trở thành vấn đề cần thiết. Hội đồng giám định
ra đời gần một năm nhưng thực tế hoạt động chưa hiệu quả, dẫn đến tình
trạng có thì thừa, không có thì thiếu.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thành là do
mới thành lập, uy tín, độ tin cậy đối với Hội đồng giám định chưa cao.
Trên thế giới, thương hiệu của một người thẩm định hay tổ chức thẩm định
nào đó đã là một sự bảo đảm rồi. Mặt khác, đa số thành viên là những
nhà sáng tác nên sự am hiểu và phương thức “đạo” và “nhái ” các tác
phẩm chưa sâu, rộng. Mặt khác thông tin, lý lịch các tác phẩm nghệ thuật
còn nhiều mơ hồ, lẫn lộn cũng làm khó cho công việc thẩm định. Trang
thiết bị kỹ thuật hiện nay rất quan trọng nhưng không phải là tuyệt đối.
Tại Việt Nam, giám định tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc, nhiếp ảnh
đang gặp nhiều khó khăn vì bên cạnh đội ngũ chuyên gia, thiết bị kỹ
thuật, khoa học công nghệ còn phụ thuộc vào yếu tố như quản lý nhà nước,
lý lịch tác phẩm, bản quyền tác giả. Trong khi đó, hiện tượng tranh
chấp là vấn đề khó giải quyết, nhiều vụ việc liên quan đến xâm phạm bản
quyền trong mỹ thuật đi vào bế tắc.
Hội đồng giám định ra đời là một điều đáng mừng, song cũng không hoàn
toàn kỳ vọng giám định tác phẩm trở thành “thuốc đặc trị” với căn bệnh
vi phạm bản quyền. Đây chỉ là một thiết chế cần thiết để vận hành, góp
phần công khai, minh bạch thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh.
Theo PGS. TS. Bùi Thị Thanh Mai, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt
Nam, về cơ bản, các điều kiện cần thiết để bảo đảm công việc giám định
vẫn chưa thực sự đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Trong đó, việc nghiên cứu
xuất xứ, nguồn gốc tác phẩm mỹ thuật Việt Nam là hết sức khó khăn bởi
công tác lưu trữ, xây dựng hồ sơ, tư liệu về các nghệ sĩ, thời kỳ nghệ
thuật chưa được thực hiện tốt trong một thời gian dài.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Phó
chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: Giám định tác phẩm nhiếp ảnh ở
Việt Nam hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ, máy mọc, trang thiết bị kỹ
thuật. Tất cả chỉ là con số không trong khi đời sống mỹ thuật, thị
trường mỹ thuật trong nước đã bắt đầu phát triển, giao lưu trao đổi, các
hoạt động mua bán, kinh doanh tác phẩm mỹ thuật trong và ngoài nước
đang ngày càng phát triển. Nhu cầu giám định tác phẩm của các nhà sưu
tập, bảo tàng, người chơi tranh, mua tranh, ảnh của người kinh doanh,
mua bán tác phẩm mỹ thuật-nhiếp ảnh là nhu cầu có thật và đang diễn ra
hàng ngày. Mặc dù hiện nay môi trường hoạt động của công tác giám định
còn rất e dè, thiếu tin tưởng với một tâm lý nghi ngờ, không ai phục ai,
luôn thường trực trong tâm thức của nhiều người.
Ông Vi Kiến Thành cho rằng, công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp
ảnh hiện nay đang đứng trước 3 khó khăn lớn: Một là, thiếu các điều luật quy
định về hoạt động giám định tác phẩm nghệ thuật, nếu có thì cũng rất sơ
sài, chung chung, khó áp dụng; Hai là, tâm lý nghi ngờ, không tin tưởng, không
muốn công nhận khả năng của người khác đang đè nặng nhiều người làm
nghề; Ba là, các máy móc, trang thiết bị khoa học chuyên dụng để làm các kiểm
tra kỹ thuật hiện phải hoàn toàn nhờ vào con người và máy mọc của Viện
Khoa học hình sự (Bộ Công an).
THIẾU THÔNG TIN XUẤT XỨ LÀM TĂNG NGUY CƠ TÁC PHẨM GIẢ MẠO
Theo PGS. TS. Bùi Thị Thanh Mai, mảng tối của nền mỹ thuật Việt Nam đó
chính là nạn tranh giả, tranh nhái. Nghệ thuật giả mạo trong mỹ
thuật đó có thể là một tác phẩm hội họa, điêu khắc hoặc một số đồ vật
được tạo ra với mục đích lừa dối trở thành tác phẩm của một người nào đó
chứ không phải của người thực sự tạo ra nó.
Phạm vi của tranh, tượng
giả bao gồm từ việc trình bày sai về một tác phẩm nghệ thuật chân chính
đến việc làm giả hoàn toàn một tác phẩm hoặc phong cách của một nghệ sĩ.
Sự lừa đảo phổ biến nhất trong nghệ thuật là giả mạo tác phẩm hoặc bán
tác phẩm nghệ thuật với mục đích lừa gạt bằng cách gán cho một nghệ sĩ
có tác phẩm được bán giá cao trên thị trường. Sự giả mạo có thể là hành
động như thêm chữ ký trên tranh, thay đổi bản thảo. Các hành vi gian lận
khác trong mỹ thuật còn bao gồm việc sao chép, vi phạm bản quyền, sử
dụng trái phép tác phẩm của người khác.
Đưa ra dẫn chứng cho vấn đề giả mạo tác phẩm, PGS. TS. Bùi Thị Thanh Mai
cho biết, sự việc 17 bức tranh giả trong trong triển lãm “Những bức
tranh trở về từ châu Âu” diễn ra từ năm 2016 là một ví dụ chứng minh về
nguồn gốc tác phẩm. Sự việc này đã được hội đồng thẩm định bao gồm các
nhà quản lý, chuyên gia mỹ thuật kết luận, nhưng về phía nhà sưu tập Vũ
Xuân Chung vẫn không thừa nhận kết luận của hội đồng thẩm định với lý do
“Hội đồng chưa đưa ra được những lý lẽ thuyết phục”.
Việc thiếu thông
tin xuất xứ sẽ làm tăng nguy cơ tác phẩm giả mạo. Điều đó cho thấy, tài
liệu nguồn gốc tác phẩm có vai trò quan trọng trong việc thiết lập tính
xác thực, là bước đầu tiên phải tiến hành trong công việc giám định tác
phẩm mỹ thuật.
Cũng về vấn đề đạo tác phẩm, nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh
Nguyễn Thành cho biết: Năm 2008, khi ông Trần Lam bán đấu giá bức ảnh
mang tên “Mặt trời trong Lăng sáng tỏa” cho một chủ doanh nghiệp với giá
1 triệu USD. Số tiền này dùng để mổ tim cho 500 bệnh nhân nghèo. Khi
đó, nghệ sĩ nhiếp ảnh Minh Lộc lên tiếng cho rằng, bức ảnh của tác giả
Trần Lam đã giống đến 98% bức ảnh “Đêm trăng Lăng Bác” của ông.Tranh
cãi này đã được hội đồng nghệ thuật và Ban lý luận phê bình Hội Nghệ sĩ
nhiếp ảnh Việt Nam kết luận: Hai bức ảnh không được tạo ra từ cùng một
máy ảnh, trong một khoảnh khắc. Ảnh “Mặt trời trong Lăng sáng tỏa” do
ông Trần Lam chụp khác với bức ảnh “Đêm trăng Lăng Bác”. Nghệ sĩ nhiếp
ảnh Minh Lộc cũng không thể chứng minh được tác giả bức ảnh “Mặt trời
trong Lăng sáng tỏa” đạo ảnh của mình của mình kiểu gì và như thế nào.
Để hạn chế tình trạng giả mạo tác phẩm thì việc xây dựng hồ sơ nghệ sĩ
là rất cần thiết, góp phần bảo vệ được tài sản trí tuệ nghệ thuật cũng
như hình ảnh của mình theo cách thức chuyên nghiệp mà các nghệ sĩ trên
thế giới đã và đang thực hiện. Hồ sơ nghệ sĩ chính là kho lưu trữ tài
sản trí tuệ của nghệ sĩ liên quan mật thiết đến lịch sử nghệ thuật, phê
bình, giám tuyển và thẩm định nghệ thuật.
Bài, ảnh: Khánh Huyền (qdnd.vn)