Để có được sự nhìn nhận và đánh giá một cách khoa học từ nhiều góc độ về những ảnh hưởng và tác động của mạng xã hội đối với giới trẻ hiện nay, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đã tổ chức hội thảo “Mạng xã hội với lối sống của giới trẻ TPHCM” vào ngày 27-8. Tại hội thảo này, nhiều nhà khoa học xã hội đã chỉ ra tính hai mặt của mạng xã hội…
Phát triển... chóng mặt!
Sống trong thế giới phẳng, nơi mọi khoảng cách về địa lý trở nên vô nghĩa thì hơn bao giờ hết giới trẻ là người biết nắm bắt những cái mới của khoa học kỹ thuật và áp dụng nó vào cuộc sống một cách tự nhiên.
Th.S Nguyễn Hải Nguyên (ĐH KHXH-NV TPHCM) cho rằng, sự phát triển của mạng xã hội là điều tất yếu, vì các nguyên nhân: Đầu tiên là tính mới của dịch vụ. So với tuổi đời của các loại hình dịch vụ trực tuyến khác thì mạng xã hội còn khá “trẻ”. Xu hướng thích khám phá cái mới chính là động lực để người sử dụng internet, nhất là giới trẻ nồng nhiệt đón nhận các mạng xã hội.
Kế tiếp, ưu điểm của mạng xã hội so với các phương tiện truyền thông trước đây là độ tương tác, tính trò chuyện và kết nối cao hơn hẳn. Nguyên nhân thứ ba là mạng xã hội đáp ứng được nhu cầu đa dạng của con người một cách dễ dàng và nhanh chóng. Con người, sau những nhu cầu thiết yếu để tồn tại (ăn, uống) thì các nhu cầu về tinh thần như kết nối với cộng đồng, thể hiện khả năng, liên lạc và cập nhật thông tin trở nên cực kỳ quan trọng trong thời đại ngày nay.
Th.S Nguyễn Hải Nguyên cho rằng, với tất cả những lợi thế nói trên cùng với khả năng lan truyền không biên giới dựa trên những mối quan hệ có sẵn (bắc cầu), không có gì ngạc nhiên khi các mạng xã hội phát triển một cách chóng mặt về số lượng người dùng.
Điều này có thể chứng minh khi mạng xã hội “tiêu biểu” của Việt Nam mới ra đời trong vài năm gần đây là Zing Me nay đã có hơn 5 triệu thành viên tham gia thường xuyên, còn với mạng xã hội có nguồn gốc nước ngoài được không ít người Việt Nam, nhất là giới trẻ tham gia là Facebook, đã có trên 500 triệu thành viên trên toàn thế giới tham gia...
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa (ĐH KHXH-NV TPHCM) nói: “Lúc ban đầu người ta cho rằng mạng xã hội không bền vững và ít giá trị vì nó là ảo nhưng càng ngày người ta thấy đó là nhận định sai lầm. Điều này được thể hiện khá cụ thể khi trên các mạng xã hội đã hình thành nên các nhóm khá vững chắc, nhất là các nhóm quy mô nhỏ quy tụ những người cùng sở thích, cùng chí hướng, mặc dầu họ không gặp nhau trực tiếp theo kiểu truyền thống mặt đối mặt nhưng điều đó không làm cho hoạt động của mạng kém hiệu quả. Nhiều nhóm có cả trưởng nhóm, có các điều phối viên và có quy chế hoạt động rất bài bản”.
Còn theo bà Nguyễn Thị Lê Uyên (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM), với các tính năng trên mạng xã hội như duy trì mối quan hệ xã hội sẵn có và phát triển thêm những mối quan hệ xã hội mới; dễ dàng kết bạn với người lạ, bất cứ nơi đâu và dễ dàng quản lý nhóm bạn bè…, mạng xã hội đã “đánh trúng” nhu cầu của nhiều người, nhất là giới trẻ nên mạng xã hội không ngừng phát triển.
Gây “nghiện” và những hệ lụy
Không phủ nhận vai trò của mạng xã hội, nhưng Th.S Nguyễn Hải Nguyên cũng chỉ ra ở TPHCM hiện nay nổi lên tình trạng giới trẻ phụ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội, thay vì đến với nhau ngoài đời thực để thăm hỏi, nói chuyện với nhau thì giới trẻ chỉ suốt ngày dán mắt vào màn hình máy tính để nói chuyện, trao đổi, “vui chơi” trên mạng xã hội… Dần dần họ sẽ mất các kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tính huống.
Trong khi đó theo anh Nguyễn Đình Toàn (học viên cao học tại ĐH KHXH-NV TPHCM), không ít người có biểu hiện “nghiện” mạng xã hội như sử dụng mạng xã hội trở thành thói quen, có hệ thống và tâm lý bị lệ thuộc mạnh mẽ vào mạng. Đây cũng là một bệnh lý về tâm thần của người nghiện. Nếu không sử dụng mạng xã hội để giao tiếp thì những người “nghiện” mạng xã hội cũng sẽ có trạng thái nôn nao, khó chịu, buồn bã…
Anh Toàn cũng chỉ ra: Quá nhiều thứ để giải trí trên mạng khiến người dùng từ từ “nghiện”, không online thì không chịu được. Điều này được chứng minh khi hiện nay không ít công ty, văn phòng công sở đã có những biện pháp kỹ thuật chặn và nghiêm cấm vào Facebook trong giờ làm việc.
“Những tiện ích của mạng xã hội cũng đã thấy, tuy nhiên ảnh hưởng của nó đến lối sống của giới trẻ là điều đáng quan tâm”, Th.S Lê Thị Thanh Tâm (Phòng Nghiên cứu văn hóa - xã hội Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM) khẳng định.
Th.S Lê Thị Thanh Tâm chỉ ra: Với nhiều tiện ích, mạng xã hội đã nhanh chóng chuyển tải những thông tin, hình ảnh cho hàng ngàn, hàng triệu thành viên khác về những chuyện xấu như nữ sinh cởi áo giữa lớp học, nữ sinh cấu xé nhau nơi công cộng, “lộ hàng”… điều mà trước khi có mạng xã hội nó tương đối khó phát tán. Vì thế mạng xã hội ảnh hưởng không ít đến lối sống của giới trẻ...
Nói nôm na, mạng xã hội như “con dao hai lưỡi” vì có cả mặt tích cực lẫn những hệ quả xấu. Chính vì thế, TS Nguyễn Thị Hậu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, sự hiện diện và phát triển của mạng xã hội là khách quan nhưng tiếp nhận, tham gia và sử dụng như thế nào là tùy thuộc vào chủ quan người dùng. Trình độ nhận thức về văn hóa xã hội, nền tảng đạo đức, lối sống của gia đình, ảnh hưởng của môi trường sống… là những nhân tố quan trọng giúp người sử dụng phân định ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của mạng xã hội. Từ đó có thể biết tận dụng và phát huy những lợi ích tích cực mà mạng xã hội đem lại, tự hạn chế và loại bỏ những tiêu cực do một số người sử dụng gây ra.
Còn PGS-TS Nguyễn Minh Hòa thì thẳng thắn đặt ra những câu hỏi: Có nên quản lý mạng xã hội hay không, làm thế nào để phát huy được mặt mạnh của loại tổ chức ảo này để phục vụ xã hội?... Chính vì thế nên có những đề tài nghiên cứu về mạng xã hội rộng hơn, quy mô hơn để tránh chuyện đến khi mạng xã hội bộc phát quá mạnh thì sinh ra chuyện “quản không được thì cấm”./.
Theo SGGP