Hàng giả, hàng nhái đi vào cuộc sống bằng nhiều con đường khác
nhau và ngày càng tinh vi, chủ yếu là giả, nhái những thương hiệu nối
tiếng, sự tin dùng của người dân. Do đó, việc phòng ngừa, phát hiện và
bài trừ ngày càng gian nan, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các bên để
vấn nạn hàng giả, hàng nhái bị đẩy lùi.
Theo số
liệu thống kê của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (Ban Chỉ đạo quốc gia chống
buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả), trong 11 tháng năm 2016, các
lực lượng chức năng phát hiện, xử lý hơn 2.000 vụ sản xuất, buôn bán
hàng giả, xử phạt hành chính 58 tỷ đồng.
Ông
Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho
rằng, những số liệu trên chỉ là phần nổi của vấn nạn hàng giả, hàng
nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ hiện nay. Trên thực tế, việc sản xuất,
kinh doanh hàng giả, hàng nhái gần như xuất hiện mọi lúc, mọi nơi và
chưa thể xử lý hết. Có rất nhiều nguyên nhân nhưng trước hết là cơ quan
quản lý nhà nước, lực lượng chức năng, quản lý thị trường, công an, hải
quan… chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong xử lý hàng giả.
Tiếp
đến là hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, chưa có sự phối hợp chặt chẽ
giữa cơ quan hành chính nhà nước với doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Nhiều doanh nghiệp khi bị xâm phạm không dám lên tiếng mạnh mẽ sợ ảnh
hưởng đến thương hiệu và sức tiêu thụ hàng hóa. Hầu hết các doanh nghiệp
đều chưa tích cực trong hỗ trợ, phối hợp với cơ quan chức năng để bắt
hàng giả hoặc chống việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Hàng giả, hàng nhái gây tổn thương, tổn hại đến rất nhiều doanh
nghiệp làm ăn chân chính. Những doanh nghiệp càng có thương hiệu, càng
nổi tiếng thì càng bị làm nhái, giả. Chẳng hạn Công ty Ích Nhân, 4 năm
ròng rã tranh tụng chỉ vì một chữ thương hiệu.
Ông
Nguyễn Quyết Tâm, Giám đốc chi nhánh phía Nam, Công ty TNHH Dược phẩm
Ích Nhân chia sẻ, khi công ty xây dựng được thương hiệu Bảo Xuân, người
tiêu dùng đón nhận chất lượng cùng với doanh số bán ra rất lớn thì cũng
là lúc trên thị trường tràn lan sản phẩm có tên gọi, mẫu mã tương tự.
Công ty đã phải nhờ tới các cơ quan chức năng để xử lý cơ sở vi phạm.
Tuy nhiên, việc đấu tranh bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ kéo dài từ năm
2012 đến nay mới giải quyết xong, gây thiệt hại lớn về kinh tế và uy tín
của công ty.
Không chỉ các sản phẩm ảnh hưởng
trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, nhiều sản phẩm khác cũng trong
tình trạng tương tự. Ông Taro Goto, Tổng Giám đốc Công ty TNHH NGK Spart
Plugs Việt Nam cho biết, sản phẩm bugi thương hiệu NGK được biết đến là
thương hiệu nổi tiếng lâu đời trên toàn thế giới. Công ty đã phát hiện
hơn 332 vụ hàng giả với hơn 8 triệu cái bugi tại Trung Quốc và có thể số
hàng giả này sẽ được lưu hành sang các nước lân cận. Hiện nay, khoảng
hơn 20% sản phẩm bugi mang thương hiệu NGK đang lưu hành trên thị trường
Việt Nam là hàng giả, hàng nhái. Thực trạng này không chỉ gây tổn thất
về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của công ty đối với
người tiêu dùng.
Ông Trần Hùng, Phó Chánh văn
phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, cho biết, ngay một thương hiệu nối tiếng
như Công ty gỗ Trường Thành mà cũng bị làm giả website. Bị “ăn theo”
thương hiệu, sản phẩm trong một thời gian dài gây tổn thất rất lớn cho
doanh nghiệp không chỉ về kinh tế mà uy tín của doanh nghiệp. Điều này
chứng tỏ, có rất nhiều sản phẩm đã đăng ký sở hữu trí tuệ nhưng vẫn bị
xâm phạm, trong thời gian dài tạo điều kiện cho các đối tượng này hưởng
lợi phi pháp.
Ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám
đốc Công ty Cổ phần Phát triển khoa học công nghệ Vina chia sẻ, một sản
phẩm hàng hóa bị làm giả có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp làm ăn
chân chính. Bởi sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu, khiến người tiêu dùng mất
niềm tin, nhà nước thất thu thuế. Hiện các chế tài xử lý vi phạm hàng
giả, hàng nhái đã có nhưng vẫn chưa mạnh, thiếu sức răn đe. Do đó, cần
có chế tài xử phạt nặng những doanh nghiệp bán hàng giả để đối tượng có ý
định làm giả không dám làm, mặt khác bảo vệ người tiêu dùng và quyền
lợi cho các doanh nghiệp chân chính.
Trong bối
cảnh nền kinh tế đang mở cửa, theo ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục
Trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương cho rằng, việc truy
xuất nguồn gốc sản phẩm là vô cùng quan trọng đối với người tiêu dùng để
mua được sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt là các mặt
hàng thực phẩm phải đảm bảo an toàn vệ sinh cũng như nguồn gốc, xuất xứ.
Do đó, cần có giải pháp về công nghệ để truy xuất nguồn gốc hàng hóa,
xác định được hàng có chất lượng - kém chất lượng.
Tem
chống giả thông minh là giải pháp mà các doanh nghiệp nên quan tâm hiện
nay. Hiện trên thị trường chưa thể làm giả được tem chống hàng giả ứng
dụng nhiều công nghệ, vì đầu tư chi phí thiết kế lớn nên chỉ giả làm
được 50% công nghệ... Đồng thời, các doanh nghiệp cung ứng công nghệ này
cũng sẽ đứng ra phối hợp chặt chẽ với cơ quan nhà nước để xử lý khi có
sự cố xảy ra.
Theo ông Nguyễn Thành Danh,
chính sách thực thi pháp luật, xử lý vi phạm hiện nay còn chồng chéo,
gây khó khăn cho công tác xử lý. Chẳng hạn như xử phạt về hàng giả có
nhiều nghị định nên khi đối tượng hàng giả bị chồng lấn, các cơ quan
thực thi khó xử lý. Nếu không hiểu rõ sẽ dẫn đến áp dụng tùy tiện.
Ông
Trần Hùng, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, bên cạnh việc
nhà sản xuất, nhà phân phối đưa ra hàng hóa lưu thông trên thị trường
phải thấy rõ trách nhiệm đối với hàng hóa của mình bằng cách phối hợp
với các đại lý, hệ thống phân phối đấu tranh với hàng giả. Sắp tới Văn
phòng Ban chỉ đạo sẽ phối hợp với các đơn vị tại Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội
tăng cường kiểm soát các khâu liên quan. Cụ thể như khâu in ấn bao bì,
nhãn mác của các đối tượng làm giả để các nhà in có ý thức sẽ không “bắt
tay” với các đối tượng làm giả.
Tuy nhiên,
ông Hùng cho rằng, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm bị xâm phạm
quyền sở hữu trí tuệ, thế nhưng các cơ quan chuyên môn ở địa phương vẫn
chưa làm hết trách nhiệm. Giải pháp gốc rễ sắp tới đây nên xử lý đúng
người đứng đầu, không để tình trạng “đánh trống bỏ dùi” gây mất niềm tin
trong nhân dân. Thực tế cho thấy địa phương nào người đứng đầu quyết
tâm và trách nhiệm thì địa phương đó sẽ làm rất tốt công tác chống hàng
giả…
Việt Âu (TTXVN)