Làm sáng tỏ hơn cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ
Đây là vấn đề đã được đề cập từ các Đại hội trước, nhưng đó đây trong nhận thức cũng như tổ chức thực hiện còn có cách hiểu và vận dụng khác nhau. Tôi đồng tình cao với bài “Một số vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” được đặt ở vị trí đầu tiên trong cuốn sách, trong đó mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, được tác giả dành nhiều trang để phân tích, luận giải sâu sắc. Theo đồng chí Tổng Bí thư thì mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ. Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam. Chúng ta chủ trương không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nhà nước đại diện cho quyền làm chủ của Nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối của Đảng; có cơ chế để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quản lý xã hội. Đề cập sự khác nhau về chất giữa Nhà nước pháp quyền ở ta với Nhà nước pháp quyền tư sản, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về bản chất khác với Nhà nước pháp quyền tư sản là ở chỗ: các quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, đảm bảo và bảo vệ lợi ích của đại đa số Nhân dân thông qua thực thi pháp luật. Nhà nước đảm bảo các điều kiện để Nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hoạt động xâm hại lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân. Đồng thời chúng ta xác định: đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam.
Từ cách đặt vấn đề như vậy, đồng chí Tổng Bí thư phân tích, chỉ rõ nội hàm của từng nhân tố cụ thể:
a. Nhân dân làm chủ như thế nào?
Theo đồng chí Tổng Bí thư, Nhân dân làm chủ là yếu tố trung tâm của mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, bởi vì mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước đều từ Nhân dân và vì Nhân dân.
Người dân không chỉ thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua các đại biểu do mình bầu ra, mà họ còn tự mình thực hiện những quyền đó. Người dân còn tự thành lập ra các tổ chức, các hội đoàn theo quy định của pháp luật để thỏa mãn những nhu cầu chính đáng của mình. Cũng thông qua các tổ chức của mình, người dân sẽ thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của bộ máy nhà nước, xem bộ máy đó có thực hiện đúng những “cam kết” đã thỏa thuận với Nhân dân hay không. Như vậy, điều cần nhấn mạnh ở đây là, người dân thực hiện quyền làm chủ của mình không chỉ thông qua bộ máy nhà nước, mà họ còn tự mình thực hiện quyền ấy trên cơ sở các tiêu chí, yêu cầu mà luật pháp đã quy định. Bất kỳ ai lợi dụng quyền làm chủ của Nhân dân để chống đối, làm trái pháp luật, đều phải bị xử lý. Hoạt động lãnh đạo, quản lý cũng phải theo quy định pháp luật; nếu cơ quan tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ, người dân có quyền phản đối hoặc khiếu kiện theo luật định.
b. Đảng lãnh đạo theo phương thức nào?
Đồng chí Tổng Bí thư khẳng định: Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách, chủ trương lớn. Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng, chủ trương lớn này của Đảng cần được sự đồng thuận của Nhân dân. Nhân dân có quyền và nghĩa vụ tham gia góp ý vào nội dung dự thảo các văn bản, văn kiện của Đảng trước khi ban hành.
Đảng lãnh đạo thông qua việc giới thiệu những đảng viên ưu tú của mình để Nhân dân lựa chọn bầu vào các cơ quan quyền lực nhà nước. Với tư cách là chủ thể của quyền lực nhà nước, khi người dân nhận thấy cương lĩnh, đường lối của Đảng là đáng tin cậy, có thể đem lại lợi ích cho bản thân mình và cho toàn xã hội, thì chắc chắn họ sẽ bỏ phiếu cho những ứng cử viên là người của Đảng và sẽ tự giác hơn trong việc chấp hành các chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Sự lãnh đạo của Đảng chủ yếu phải thông qua Nhà nước, chứ không phải lấy lãnh đạo với tư cách là một chủ thể độc lập đứng bên ngoài hay đứng trên Nhà nước, bằng mệnh lệnh, quyền uy chỉ đạo cụ thể đối với các cơ quan nhà nước; phù hợp với sự phát triển của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa nói chung và việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta nói riêng. Đảng phải phát huy vai trò và trách nhiệm cá nhân của từng đảng viên ưu tú của Đảng, được Nhân dân tín nhiệm bầu, Nhân dân chính thức giao quyền.
Đảng lãnh đạo Nhân dân bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục và chứng minh cho Nhân dân thấy tính đúng đắn và tính khoa học trong đường lối, quyết sách của mình. Sự chứng minh ấy không có gì khác hơn là thông qua các nghiên cứu, thử nghiệm, phản biện và tranh luận rộng rãi ở cả trong và ngoài Đảng. Đảng tăng cường công tác tổ chức, kiểm tra và bằng hành động gương mẫu của đảng viên.
c. Nhà nước quản lý bằng cách nào?
Đồng chí Tổng Bí thư cho rằng, để có thể thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình, Nhà nước tổ chức thành các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp để bảo đảm “lao động” quyền lực được phân công và phối hợp thực hiện một cách khoa học, chặt chẽ, hiệu quả. Trong một xã hội dân chủ thì Nhà nước phải là người bảo vệ quyền công dân, quyền con người. Mức độ dân chủ của một xã hội có thể được đo lường bằng số lượng những quyền công dân, quyền con người và một công dân bình thường được thực hiện trên thực tế.
Đồng chí Tổng Bí thư chỉ rõ rằng, Đảng và Nhà nước không có lợi ích tự thân, sứ mệnh của Đảng và Nhà nước là phục vụ Nhân dân; cán bộ, công chức là công bộc của Nhân dân. Do vậy, phải luôn luôn nhận thức và đặt Nhân dân vào trung tâm của mối quan hệ này; sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đều xuất phát từ nhu cầu dân chủ của người dân, phục vụ lợi ích của Nhân dân và là những bảo đảm quan trọng để Nhân dân thật sự là chủ và thật sự làm chủ.