1.
Ở nước ta, truyền thống gắn kết cộng đồng giữa cá nhân - gia đình -
làng - nước gắn liền với chiều dài lịch sử dân tộc và tồn tại đến ngày
nay. Tính cộng đồng ở các khu dân cư là nền tảng quan trọng cho các quan
hệ dân chủ, bình đẳng, là cái gốc của cấu trúc, tổ chức làng xã Việt
Nam. Điều này được thể hiện qua ca dao, tục ngữ, như “tình làng, nghĩa
xóm”, “tối lửa tắt đèn có nhau” - đó là sức sống trường tồn của dân tộc
Việt Nam. Sự trường tồn được kết tinh bởi tính cộng đồng bền chặt, liên
kết các thành viên của gia đình, dòng họ cùng chung sống gắn bó với nhau
theo đơn vị thôn, xóm, làng, bản. Tính cộng đồng giữa các hộ gia đình
sinh sống ở các khu dân cư biểu hiện sinh động và đa dạng, hình thành
tâm lý cộng đồng dựa trên sự cộng đồng về cư trú, cộng đồng về sở hữu
chung và lợi ích, cộng đồng về tâm linh và cộng đồng về văn hóa; mỗi
thành viên trong cộng đồng ngoài chăm lo cho bản thân và gia đình mình
còn có trách nhiệm bảo đảm lợi ích chung của các thành viên khác trong
cộng đồng.
Hệ
thống hành chính ở nước ta được tổ chức theo 4 cấp, bao gồm trung ương,
tỉnh, huyện, xã. Như vậy, xã là cấp đơn vị hành chính thấp nhất trong
hệ thống hành chính; tuy nhiên, các khu dân cư gắn bó gần nhất với nhân
dân. Hiện nay trên địa bàn cả nước, tại mỗi khu dân cư đều xây dựng
“cánh tay nối dài” của hệ thống chính trị, bao gồm tổ chức đảng (chi bộ,
tổ đảng); tổ chức chính quyền (thôn, ấp, cụm, khu phố...); tổ chức Mặt
trận và đoàn thể (Ban Công tác Mặt trận; chi hội phụ nữ; chi hội cựu
chiến binh; chi hội thanh niên, nông dân...). Các tổ chức nói trên hoạt
động theo chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động đều được quy định bởi
điều lệ của tổ chức; tuân thủ pháp luật, dân chủ, công khai, minh bạch;
thực hiện phát huy quyền làm chủ của hội viên phù hợp với quy định của
pháp luật nhằm phát huy quyền làm chủ của cộng đồng dân cư, không thoát
ly, tách rời với sự quản lý của Nhà nước trên cơ sở bảo đảm sự lãnh đạo,
chỉ đạo của chi ủy, sự điều hành của trưởng thôn, vai trò tập hợp, vận
động cộng đồng và sự hướng dẫn của Ban Công tác Mặt trận nhằm phát huy
vai trò tự quản của nhân dân theo phương châm: “lấy sức dân để chăm lo
cuộc sống của dân”.
Điều
27 Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX quy định cụ thể về Ban
Công tác Mặt trận như sau: “Ban Công tác Mặt trận được thành lập ở thôn,
làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố... (gọi
chung là khu dân cư). Cơ cấu của Ban Công tác Mặt trận bao gồm: một số
Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã cư trú ở khu dân cư; đại
diện chi ủy; người đứng đầu của chi hội Người cao tuổi, chi hội Cựu
chiến binh, chi hội Nông dân, chi hội Phụ nữ, chi đoàn Thanh niên, chi
hội Chữ Thập đỏ... Một số người tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân,
trong các dân tộc, tôn giáo...”. Ban Công tác Mặt trận có chức năng phối
hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên; phối hợp với trưởng
thôn (làng, ấp, bản), tổ trưởng dân phố... để thực hiện các nhiệm vụ
quan trọng của địa phương(1).
Ban
Công tác Mặt trận ở khu dân cư do Mặt trận Tổ quốc cấp xã thành lập,
không phải là một cấp của Mặt trận mà là tổ chức tự quản thực hiện nhiệm
vụ “cánh tay nối dài” của công tác mặt trận tại các thôn, làng, ấp,
bản, buôn, phum, tổ dân phố,... có vai trò quan trọng trong việc mở rộng
và đa dạng hóa các hình thức tập hợp các tầng lớp nhân dân, phát huy
vai trò người tiêu biểu, xây dựng cộng đồng dân cư tự quản hoạt động
trên cơ sở hương ước, quy ước; động viên nhân dân phát huy quyền làm
chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước, giám sát và phản biện xã hội theo quy định của Đảng và Nhà
nước; tập hợp ý kiến, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh, kiến nghị
với Đảng và Nhà nước. Hiện nay, cả nước có 129.896 Ban Công tác Mặt trận
ở khu dân cư, trung bình mỗi ban có 5 thành viên. Tổng số thành viên
Ban Công tác Mặt trận ở các địa phương là gần 650 nghìn người.
Để
thực hiện các nhiệm vụ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận có nhiệm vụ triệu
tập, chủ trì các cuộc họp, thường kỳ mỗi tháng một lần, họp bất thường
khi cần thiết và việc tổ chức hội nghị của thôn, tổ dân phố được vận
dụng linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn ở cơ sở. Thành phần hội
nghị cơ bản là cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố. Nhiều
nội dung quan trọng được cử tri thảo luận và biểu quyết trong hội nghị
thôn, tổ dân phố(2). Các nội dung tự quản của cộng đồng ở khu
dân cư nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị xây dựng Đảng, xây dựng chính
quyền, xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân
thông qua vai trò “cầu nối” của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư.
Trong nhiều năm qua, các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ
quốc và các tổ chức thành viên phát động thông qua Ban Công tác Mặt trận
và các chi hội đoàn thể ở các khu dân cư đã thu hút đông đảo tầng lớp
nhân dân tham gia với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với đặc điểm, tâm
lý của từng cộng đồng(3).
Thực
hiện các nhiệm vụ theo quy định trong điều lệ, trên cơ sở phối hợp với
trưởng thôn, nhiều Ban Công tác Mặt trận đã xây dựng được các mô hình tự
quản trong một số lĩnh vực, thu hút, tập hợp được bộ phận đông đảo quần
chúng nhân dân tham gia, khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy quyền
lợi và trách nhiệm, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, góp phần nâng
cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân cư, bảo đảm an sinh
xã hội, xóa bỏ hủ tục. Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đã phối hợp
với các chi hội đoàn thể triển khai xây dựng các mô hình tự quản ở khu
dân cư để đưa “ý Đảng vào lòng dân” đến với từng thành viên trong cộng
đồng, xây dựng được lực lượng nòng cốt nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của
nhân dân, định hướng được dư luận xã hội, giúp củng cố niềm tin, nâng
cao nhận thức trong nhân dân, kịp thời đề xuất, xử lý hiệu quả các vụ,
việc phức tạp ở cơ sở, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã
hội, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng
trọng điểm về an ninh - quốc phòng, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân
dân. Thành viên nòng cốt của mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư chủ yếu
là các thành viên trong Ban Công tác Mặt trận; chi hội đoàn thể; người
uy tín tiêu biểu trong cộng đồng đứng ra chủ trì, tập hợp, vận động hội
viên, đoàn viên và nhân dân trong cộng đồng dân cư tự giác, tự nguyện,
tâm huyết tham gia thực hiện với nhiều mô hình mới, cách làm hay theo
phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy
ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến chung vui ngày hội
đại đoàn kết cùng đồng bào các dân tộc xã Mường Sang, huyện Mộc Châu,
tỉnh Sơn La, tháng 11.2022. (Nguồn: daidoanket.vn)
Ban
Công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể ở các khu dân cư trên địa bàn
cả nước đã xây dựng được 637.534 mô hình tự quản, với 23.460.795 thành
viên tham gia với các tên gọi khác nhau trong các lĩnh vực(4).
Trong đó, mô hình tự quản liên quan đến lĩnh vực kinh tế có 288.921 mô
hình, với 8.956.551 thành viên tham gia (trung bình khoảng 31 thành
viên/1 mô hình); mô hình tự quản liên quan đến lĩnh vực bảo vệ an ninh,
trật tự có 186.935 mô hình, với 6.916.595 thành viên tham gia (trung
bình khoảng 37 thành viên/1 mô hình); mô hình tự quản liên quan đến lĩnh
vực bảo vệ môi trường có 87.345 mô hình, với 2.533.005 thành viên tham
gia (trung bình 29 thành viên/mô hình); mô hình tự quản liên quan đến
lĩnh vực thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh có 67.432 mô hình, với
4.585.376 thành viên tham gia (trung bình 68 thành viên/ mô hình); mô
hình tự quản liên quan đến các lĩnh vực hoạt động khác có 6.901 mô hình,
với 469.268 thành viên tham gia (trung bình 68 thành viên/mô hình)(5).
Những kết quả đạt được trong hoạt động tự quản của Ban Công tác Mặt
trận ở khu dân cư góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua rộng khắp trong
các tầng lớp nhân dân, khơi dậy lòng yêu nước, vượt qua khó khăn, phát
huy dân chủ và nội lực của cộng đồng dân cư, chăm lo đời sống vật chất
và tinh thần của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện
thắng lợi các mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh
của các địa phương.
2.
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của Ban Công tác Mặt trận ở một số
địa phương còn có những hạn chế, khó khăn, như công tác tham mưu cho
Chi ủy, chi bộ lãnh đạo việc xây dựng và thực hiện chương trình phối hợp
thống nhất hành động ở một số nơi còn thiếu cụ thể, chưa chủ động. Một
số Trưởng Ban Công tác Mặt trận chưa thực sự sát dân, gần dân, hiểu dân,
lắng nghe dân để nắm bắt, xử lý, kiến nghị và phối hợp giải quyết kịp
thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nên hiệu quả chưa cao. Công tác
tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào, các cuộc vận
động ở một số khu dân cư hiệu quả chưa cao, chưa có chiều sâu, còn mang
tính hình thức. Công tác nắm bắt tư tưởng, tình hình nhân dân có lúc, có
nơi chưa kịp thời. Công tác giám sát chỉ dừng lại ở mức độ “theo dõi -
phát hiện”, nội dung kiến nghị chưa cụ thể, chưa theo sát việc giải
quyết của các cơ quan liên quan đến nội dung đã kiến nghị, nên hiệu quả
công tác chưa cao. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát
đầu tư của cộng đồng một số địa phương chưa được phát huy. Vai trò phối
hợp, thống nhất hành động giữa Ban Công tác Mặt trận với các chi hội
đoàn thể và trưởng thôn ở các khu dân cư để vận động, phát huy tính tự
nguyện, tự giác, tự quản, tự chịu trách nhiệm của nhân dân ở cộng đồng
dân cư chưa thống nhất, trùng lặp về đối tượng, nội dung và nguồn lực,
thiếu sự chỉ đạo, lồng ghép, thống nhất giữa các tổ chức nên vẫn còn
tình trạng “mạnh ai nấy làm”, xây dựng quá nhiều mô hình tự quản, nhưng
chưa phát huy hiệu quả, chồng chéo trong nhiều lĩnh vực bởi còn một số
nơi chạy theo thành tích để bảo đảm các tiêu chí đánh giá thi đua, hoạt
động theo kiểu “sớm nở, tối tàn, có kinh phí thì có hoạt động, hết kinh
phí thì hết hoạt động”. Công tác hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra của hệ
thống chính trị ở cơ sở trong triển khai thực hiện các hoạt động tự quản
và các mô hình tự quản còn nhiều hạn chế; không ít Ban Công tác Mặt
trận chưa xây dựng quy chế hoạt động, chưa xây dựng bộ tiêu chí hay
khung chuẩn để đánh giá chất lượng hoạt động các mô hình tự quản nhằm
thu hút sự tự giác, tự nguyện, đồng thuận của người dân để mô hình có
sức sống lâu dài. Một số nơi còn chưa hiểu rõ mô hình tự quản, nội dung
và phương thức vận hành của hoạt động tự quản ở khu dân cư để phát huy
và thực hiện hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động thi đua yêu nước
do Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể phát động. Trình độ chuyên
môn của đội ngũ cán bộ Ban Công tác Mặt trận chưa cao, không đồng đều;
chế độ sinh hoạt phí đối với Trưởng Ban Công tác Mặt trận còn thấp, chưa
phù hợp từ đó không khuyến khích được Trưởng ban tích cực học tập,
nghiên cứu để nâng cao trình độ, năng lực, nhiệt huyết công tác; kinh
phí hoạt động cho Ban Công tác Mặt trận ở một số địa phương chưa thật sự
được quan tâm. Việc đánh giá, khen tặng danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”,
“Gia đình văn hóa” còn có biểu hiện chưa thực chất, chưa động viên được
tính tự quản, sáng tạo trong công việc của mỗi người dân, mỗi gia đình.
Các đại biểu thưởng thức rượu cần
với nhân dân tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở buôn Ciết, xã Ea
Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: TTXVN)
3. Để
tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Công tác Mặt trận, phát
huy vai trò tự quản, đoàn kết, đồng thuận xã hội của từng người dân,
từng hộ gia đình, từng dòng họ sinh sống ở các khu dân cư trên địa bàn
cả nước, hệ thống chính trị các cấp cần quan tâm thực hiện một số nội
dung sau:
Thứ nhất,
tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các
cấp, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và đội ngũ cán bộ, đảng viên
về vị trí, vai trò của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư để tiếp tục
triển khai, thực hiện hiệu quả nghị quyết, chương trình hành động của
Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024-2029. Hệ thống
chính trị các cấp, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở tại hơn 10 nghìn
xã trên địa bàn cả nước cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ
chức lồng ghép các hoạt động tự quản ở khu dân cư thông qua vai trò của
Trưởng Ban Công tác Mặt trận để tập hợp, vận động sự tự nguyện, tự giác,
tự quyết, tự chịu trách nhiệm, tự chủ về kinh phí, tạo sự đồng thuận
của các thành viên trong cộng đồng dân cư. Về quy mô tổ chức, phạm vi và
lĩnh vực hoạt động sẽ linh hoạt tùy thuộc vào điều kiện và tình hình
thực tiễn của từng địa phương; phát huy tính chủ động, linh hoạt và sáng
tạo của từng cộng đồng dân cư trong công tác xây dựng quy ước, hương
ước nhằm tạo sự đồng thuận của mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi dòng họ
và cả cộng đồng.
Thứ hai,
xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư
bảo đảm số lượng, bảo đảm cơ cấu thành phần theo quy định. Xây dựng quy
chế hoạt động của Ban Công tác Mặt trận, phân công nhiệm vụ cụ thể cho
từng thành viên; duy trì họp thường kỳ mỗi tháng một lần, họp bất thường
khi cần thiết. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của
Ban Công tác Mặt trận để triển khai các phong trào thi đua một cách
linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với thực tiễn địa
phương, thu hút đông đảo người dân hưởng ứng tham gia. Chủ động nắm chắc
tình hình nhân dân ở khu dân cư, kịp thời phát hiện mâu thuẫn, bức xúc
trong nhân dân để có biện pháp giải quyết, tháo gỡ; thường xuyên “gần
dân, sát dân, hiểu dân, trọng dân, nghe dân nói, nói dân nghe, làm dân
tin”, tạo sự thống nhất giữa “ý Đảng lòng dân”, tăng cường đoàn kết
thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, khơi dậy các nguồn lực trong nhân
dân “lấy sức dân để xây dựng cuộc sống cho nhân dân”, lấy đoàn kết để
phát huy sức mạnh của mọi tổ chức và cá nhân, lấy việc động viên, thực
hiện dân chủ và công khai, minh bạch ở cộng đồng dân cư làm phương châm
hành động.
Thứ ba,
tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết liên tịch số
88/2016/NQLT/CP-ĐCTUBTWMTTQVN, ngày 7/10/2016 của Chính phủ và Đoàn Chủ
tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về “Phối hợp thực
hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và
Nghị định số 122/2018/NĐ-CP, ngày 17/9/2018 của Chính phủ “Quy định về
xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”,
“Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa””; kịp thời giải quyết
khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị liên quan của nhân dân. Tạo điều
kiện thuận lợi để Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư triển khai thực
hiện tốt việc tổ chức “Ngày Hội đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư” vào
ngày 18/11 hằng năm nhằm góp phần phát huy dân chủ, thắt chặt tình đoàn
kết, gắn bó, đồng thuận xã hội giữa các hộ gia đình tại các khu dân cư;
xây dựng, nhân rộng, nâng cao chất lượng các hoạt động tự quản gắn với
việc đánh giá, bình xét, biểu dương, khen thưởng các danh hiệu gia đình
văn hóa, khu dân cư văn hóa ở khu dân cư trên địa bàn cả nước./.
ĐỖ VĂN CHIẾN
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
__________________
(1)
Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghị quyết của Hội đồng nhân
dân, quyết định của Ủy ban nhân dân; chương trình hành động của Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam các cấp; phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân
dân ở khu dân cư với cấp ủy và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã;
động viên nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu
dân cử, cán bộ, công chức, viên chức; phối hợp thực hiện pháp luật về
dân chủ ở cơ sở và hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư.
(2)
Như: kế hoạch phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng, công trình
phúc lợi công cộng, xóa đói, giảm nghèo; giữ gìn an ninh, trật tự, an
toàn xã hội và vệ sinh môi trường; giữ gìn và phát huy truyền thống văn
hóa tốt đẹp ở địa phương; xây dựng, giữ vững và phát huy danh hiệu “Thôn
văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” “Khu dân cư tiên tiến”, “Gia đình văn
hóa”; phòng, chống tệ nạn xã hội và xóa bỏ hủ tục; xây dựng và thực hiện
quy chế, hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố; tham gia các cuộc vận
động ở địa phương; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, chỉ định trưởng thôn, tổ
trưởng tổ dân phố và phó trưởng thôn, phó tổ trưởng tổ dân phố, thành
viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
(3)
Các phong trào, cuộc vận động tiêu biểu như: “Toàn dân đoàn kết xây
dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nay là “Toàn dân đoàn kết xây dựng
nông thôn mới, đô thị văn minh”, Cuộc vận động Quỹ “Vì người nghèo”, do
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động; cuộc vận động
“Lao động sáng tạo” “Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” do Tổng Liên đoàn
Lao động Việt Nam phát động; cuộc vận động “Giỏi việc nước, đảm việc
nhà”, “Xanh - Sạch - Đẹp”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo,
xây dựng gia đình hạnh phúc” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam
phát động....
(4)
Như: “Khu dân cư bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, “Khu dân cư
phòng, chống tội phạm”, “Khu dân cư bảo vệ môi trường”, “Khu dân cư lành
mạnh không có tệ nạn xã hội và tội phạm”; “Khu dân cư kiểu mẫu, vườn
mẫu”; “Sạch làng, đẹp ruộng”; “Thắp sáng làng quê”; “Đường có hoa, nhà
có số”; mô hình “Quỹ tiết kiệm xây dựng nông thôn mới” và các mô hình
liên kết hộ gia đình, như “Tổ liên gia”, “Tổ tự quản”, “Tổ hoà giải”,
“Gia đình, dòng họ không có người phạm tội, mắc tệ nạn xã hội”, “Tổ an
ninh nhân dân”, “Tổ phụ nữ thu gom, phân loại rác thải” mô hình “Xóa 1
hộ đói, giảm 1 hộ nghèo”, mô hình “Hũ gạo vì người nghèo”.
(5) Đề án xây dựng mô hình tự quản ở các khu dân cư của Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2020.
(Nguồn: tapchicongsan.org.vn)