Ðây là một tập hợp các tiểu luận, chuyên đề, bài viết của tác giả
được tuyển chọn từ năm 2012 đến nay, đề cập những vấn đề căn cốt và
nêu bật một số nét về thực trạng và công tác nghiên cứu lý luận văn hóa
Việt Nam hiện nay. Cuốn sách đã phần nào giải quyết và lý giải được
những vấn đề thời sự đang đặt ra của đời sống văn hóa - văn nghệ đương
đại ở nước ta, nhất là trong giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa - hiện
đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đưa ra được những kiến giải mới
về vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của văn hóa trong phát triển.
Sách dày 280 trang, bao gồm hai phần chính: "Những phân tích, đánh giá
thực tiễn" và "Suy nghĩ - lý luận" với 23 tiểu luận, chuyên đề phản ánh
quá trình khảo sát thực tiễn để nâng lên tầm lý luận của tác giả. Mở
đầu là những đánh giá về các nội dung cơ bản đề cập đến văn hóa trong
Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013, thể hiện văn hóa trong
mối quan hệ với các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội; những nội
dung cốt lõi, cơ bản và sâu xa nhất của văn hóa trong bản Hiến pháp
2013. Ðiểm nhấn thứ hai của cuốn sách là bước đầu tiếp cận và nhận diện
về xu hướng vận động của văn hóa Việt Nam hiện nay từ sự nhìn nhận lại
quá trình phát triển của văn hóa trong 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư
5 khóa VIII "Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến,
đậm đà bản sắc dân tộc". Bên cạnh đó là một loạt vấn đề khác như: giáo
dục Việt Nam với nhiệm vụ nuôi dưỡng và phát triển nhân cách văn hóa
cho học sinh; bồi dưỡng, chăm sóc tài năng văn học, nghệ thuật; thị
hiếu và thẩm mỹ - thực trạng sự biến đổi và vấn đề giáo dục; văn hóa
trong xây dựng Quân đội; những suy nghĩ về sự chỉ đạo của Ðảng ta đối
với công tác xuất bản sách lý luận, chính trị; đánh giá về cuộc đấu
tranh hôm nay chống cái ác, bảo vệ công lý, xây dựng Nhà nước pháp
quyền XHCN...
Tuy chưa thật đầy đủ và như tác giả đã nhận định, mới chỉ là mang
tính gợi mở, nhưng cuốn sách cũng đã đề cập sâu sắc đến vấn đề xây dựng
lý luận văn hóa ở Việt Nam; mối quan hệ biện chứng giữa nguồn lực nội
sinh và ngoại sinh tạo thành sức mạnh của dân tộc và của sự phát triển
trong quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay. Từ tầm nhìn văn hóa
là sức mạnh nội sinh của sự phát triển để đánh giá lại những vấn đề của
văn hóa từ đổi mới đến nay. Cuốn sách cũng nêu lên mối quan hệ biện
chứng giữa văn hóa và đời sống văn hóa tinh thần, với sự phát triển bền
vững trong xã hội hiện đại; một số giải pháp trong công tác vận động,
thuyết phục của công tác tư tưởng đối với văn nghệ sĩ, trí thức; giải
đáp các khái niệm "Tự diễn biến", "Tự chuyển hóa" về tư tưởng trong đấu
tranh tư tưởng; xác định những giá trị đặc trưng của con người Việt
Nam đương đại. Ðặc biệt, tác giả đã bước đầu phác thảo được những định
hướng và nội dung cơ bản trong quá trình triển khai xây dựng hệ thống
lý luận văn hóa - nghệ thuật ở Việt Nam; đề xuất các giải pháp ở tầm
chính sách để phát triển văn hóa thật sự là sức mạnh nội sinh của dân
tộc.
Từng là cán bộ giảng dạy ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) và
nhiều năm làm công tác tư tưởng - chính trị trong Quân đội và tại Ban
Tư tưởng - Văn hóa T.Ư (nay là Ban Tuyên giáo T.Ư), GS, TS Ðinh Xuân
Dũng đã dành nhiều thời gian, tâm huyết tìm hiểu, nghiên cứu những vấn
đề lý luận văn hóa, văn nghệ và một số vấn đề thực tiễn đặt ra phong
phú, mới mẻ, phức tạp trong đời sống văn hóa, văn nghệ đương đại và
xuất bản nhiều tác phẩm nghiên cứu về lĩnh vực này. Từ sau Ðại hội lần
thứ XI của Ðảng, ông được giao công tác nghiên cứu, tư vấn khoa học với
tư cách là Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội
đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư và là Ủy viên Hội đồng
khoa học các cơ quan Ðảng Trung ương, Ủy viên Ban Biên tập dự thảo Hiến
pháp 2013 sửa đổi và Ủy viên Ban Biên tập tổng kết "Một số vấn đề lý
luận và thực tiễn 30 năm đổi mới". Với điều kiện thuận lợi đó, GS, TS
Ðinh Xuân Dũng đã tìm hiểu, khảo sát và trao đổi với nhiều học giả, nhà
nghiên cứu văn hóa về những vấn đề văn hóa, văn học, nghệ thuật của
đất nước và cuốn sách mới xuất bản là kết quả của quá trình hoạt động
và nghiên cứu công phu của ông trong ba năm qua.
Theo GS, TS Ðinh Xuân Dũng thì văn hóa, văn nghệ Việt Nam đương đại
là một đề tài hàm chứa nhiều vấn đề rộng lớn, phong phú, phức tạp. Cuốn
sách Mấy vấn đề văn hóa Việt Nam hiện nay - thực tiễn và lý luận chỉ
giới hạn trong phạm vi hiểu biết và phù hợp với công việc đang đảm
nhiệm của ông, qua đó, mong muốn góp một tiếng nói để lý giải sự vận
động và phát triển của văn hóa, văn nghệ ở nước ta hiện nay.