Chủ Nhật, 24/11/2024
Giới thiệu tác phẩm
Chủ Nhật, 26/10/2014 10:26'(GMT+7)

Thêm một công trình nghiên cứu về văn xuôi Việt Nam sau năm 1975

Bìa cuốn sách "Tiểu thuyết và truyện ngắn Việt Nam từ năm 1975 đến nay".

Bìa cuốn sách "Tiểu thuyết và truyện ngắn Việt Nam từ năm 1975 đến nay".

Để rút ngắn khoảng cách đó, các cá nhân và tổ chức chuyên nghiên cứu văn học đang từng bước thực hiện những nghiên cứu về văn xuôi Việt Nam, ngày càng có những kết quả khả quan. Công trình nghiên cứu văn xuôi đáng chú ý gần đây là cuốn sách Tiểu thuyết và truyện ngắn Việt Nam từ năm 1975 đến nay (NXB Đại học Vinh). Các tiểu luận trong cuốn sách vốn được biên soạn dựa trên hội thảo cùng tên do Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Vinh tổ chức.

Đọc cuốn sách, độc giả sẽ hình dung ra những đổi thay của văn học từ sau năm 1975, đặc biệt là từ sau năm 1986, khi đất nước ta chuyển mình theo trào lưu Đổi mới. Trong bức tranh chung của văn học, tiểu thuyết và truyện ngắn đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của bạn đọc và giới nghiên cứu, phê bình. Cùng với tư duy, đổi mới quan niệm về hiện thực và con người, cảm thông sâu sắc với những câu chuyện đời tư thế sự, các nhà văn cũng không ngừng tìm tòi, đổi mới hình thức nghệ thuật, trong đó có những thể nghiệm táo bạo, mới mẻ. Làm nên sự khởi sắc của văn xuôi thời kỳ này là hàng loạt những cây bút được đánh giá cao như: Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Lê Lựu, Chu Lai, Nguyễn Thị Thu Huệ...

Có những bài viết trong cuốn sách đề cập đến những vấn đề chung, khái quát những thành tựu nổi bật của truyện ngắn và tiểu thuyết từ năm 1975 đến nay, như đổi mới quan niệm về con người, cách tân về nghệ thuật, sáng tạo trong “kỹ thuật viết”... Một số bài đi sâu vào vấn đề cảm hứng nữ quyền, cảm hứng thân phận hoặc tìm hiểu những điểm mới mẻ của dòng tiểu thuyết lịch sử, dòng truyện ngắn lịch sử, văn xuôi mạng, blog... Nhiều nhất là các bài tìm hiểu, khảo sát các hiện tượng văn học cụ thể đã và đang được độc giả chú ý như: Nguyễn Xuân Khánh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Ngọc Tư, Lê Minh Khuê... Một số vấn đề chuyên sâu về ngôn ngữ độc thoại nội tâm, ngôn ngữ đối thoại, sử dụng phương pháp, từ ngữ nước ngoài cũng đã được bàn đến.

Tuy đã gặp nhau trên nhiều điểm, nhưng để làm rõ hơn diện mạo, đặc điểm, quy luật vận động của tiểu thuyết và truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975, thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Một số vấn đề đặt ra vẫn cần có sự tranh luận, trao đổi thêm, chẳng hạn như các khuynh hướng, các thể tài; các xu hướng sáng tác mới và cái mới mà nó thực sự đem lại cho tiểu thuyết và truyện ngắn nước nhà; ảnh hưởng của văn học nước ngoài đối với sáng tác của các nhà văn trong nước; quy luật vận động của tiểu thuyết và truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975; những vấn đề về nghệ thuật trần thuật, kết cấu, xây dựng nhân vật, giọng điệu, ngôn từ...

Văn học Việt Nam sau năm 1975, đặc biệt là sau năm1986 nói chung, tiểu thuyết và truyện ngắn Việt Nam nói riêng, là một bức tranh đa dạng, phong phú, có không ít những phức tạp và vẫn đang tiếp diễn. Việc nghiên cứu đánh giá những đặc điểm, những thành tựu và cả những hạn chế của giai đoạn văn học này quả là một công việc còn nhiều khó khăn và cần được cá nhân, tổ chức thực hiện thường xuyên trong tương lai. Thực tế vẫn tồn tại nhiều nhận định, đánh giá khác nhau về các xu hướng, các hiện tượng văn học, các tác giả và tác phẩm. Cuốn sách Tiểu thuyết và truyện ngắn Việt Nam từ năm 1975 đến nay chỉ có thể góp thêm một tiếng nói để làm rõ hơn một số phương diện trong bức tranh phong phú, đa dạng của tiểu thuyết và truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975 ở một chặng đường khá sôi động của hai thể loại quan trọng này./.

Phương Liên (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất