Thứ Tư, 27/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 28/9/2009 14:30'(GMT+7)

Miền Trung chạy đua đối phó với bão cấp 12

Neo đậu tàu thuyền rồng ca Huế trên sông Hương để tránh bão. (Ảnh:TTXVN).

Neo đậu tàu thuyền rồng ca Huế trên sông Hương để tránh bão. (Ảnh:TTXVN).


Vào lúc 7 giờ sáng ngày 28/9, vị trí tâm bão số 9 ở vào khoảng 16,0 độ vĩ Bắc; 112,8 độ kinh Đông, cách bờ biển Thừa Thiên Huế-Quảng Nam khoảng 470km về phía Đông. Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 9 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, còn tiếp tục mạnh thêm và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quãng Ngãi và khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ. Dự báo, khoảng 7h sáng mai, tâm bão chỉ cách bờ biển các tỉnh từ Thừa Thiên Huế - Quảng Nam khoảng 160 km về phía đông, mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15. Từ tâm bão, vùng gió mạnh cấp 10 trở lên bán kính khoảng 200 km, từ cấp 6 có bán kính 350 km.

Với tốc độ 10 km mỗi giờ, và không đổi hướng, khoảng đêm mai, bão sẽ đi vào các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Từ sáng sớm ngày 29/9, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Nghệ An đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên có mưa to đến rất to.

Để đối phó với bão số 9 "siêu mạnh", ngày 28/9, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triệu tập cuộc họp khẩn với các ngành, các địa phương. Tỉnh Thừa Thiên-Huế lên phương án di dời 21.230 hộ với hơn 89.000 nhân khẩu ở những vùng xung yếu thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới và vùng ven thành phố Huế đến nơi an toàn. Đến sáng 28/9, toàn tỉnh đã liên lạc, kêu gọi và hướng dẫn cho toàn bộ 1.736 tàu thuyền vào bờ neo đậu an toàn; sắp xếp cho 17 tàu thuyền với 88 lao động ngoại tỉnh vào tránh trú tại cảng Thuận An. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã xuất 5.000 bao tải, 100 rọ thép, 1.600m2 vải lọc và các dụng cụ cần thiết cho Hải đội 2 Biên phòng tỉnh sẵn sàng ứng cứu đoạn đê biển thường bị xói lở tại khu vực Hòa Duân (thị trấn Thuận An).

Hiện nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã cơ bản thông xe nhưng việc đi lại đang rất khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Riêng Quốc lộ 48 từ Tp Vinh đi các huyện miền núi hiện mới thông được xe thô sơ và xe máy, phấn đấu đến trong sáng 28/9 thông xe toàn tuyến. Ban chỉ huy PCLB Nghệ An cho biết: đến sáng 28/9, mưa lũ đã làm 7 người chết, 1 người mất tích; 2.015 ha lúa mùa, 3.417 ha ngô, 1.782 ha rau màu, 1.496 ha ao nuôi thuỷ sản bị ngập chìm trong nước; 11 phòng học và 1.313 căn nhà bị tốc mái, sạt lở 12.796 m3 đường giao thông, hư hỏng 78 cầu... Tổng thiệt hại trên 66 tỷ đồng. Nghệ An đang tổ chức cứu trợ, giúp đỡ và ổn định đời sống nhân dân; khắc phục ô nhiễm môi trường, đề phòng dịch bệnh lây lan; động viên nhân dân tích cực khôi phục sản xuất nông nghiệp, phát triển cây trồng vụ đông. Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Nghệ An chỉ đạo Hải đội 2 biên phòng sử dụng lực lượng, phương tiện trực tiếp cứu hộ, cứu nạn các tàu bị nạn. 3 phương tiện cùng 12 ngư dân của tỉnh Thanh Hoá đang neo đậu tại khu vực đảo Hòn Ngư (Cửa Lò) đã được cứu hộ vào bờ an toàn. Đến sáng 28/9, tất cả 3.474 tàu thuyền đánh bắt hải sản của Hà Tĩnh đã vào các nơi trú ẩn an toàn tại các khu tránh trú bão, cửa sông, bãi ngang thuộc các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và 30 tàu đánh bắt xa bờ đã vào bờ ở Hạ Long (Quảng Ninh). Tỉnh triển khai di dời 20.000 người ở vùng ven biển, có nguy cơ cao bị lũ ống, lũ quét thuộc vùng núi các huyện Kỳ Anh, Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang. Tất cả đò ngang chở học sinh và người dân qua sông được kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng chở quá số lượng người, đò bị hư hỏng vẫn hoạt động. 14 xã ven biển đã chuẩn bị 120 điểm tạm trú cho những người ở sát biển sơ tán khi bão đổ bộ vào.

Chính quyền các huyện, xã, các đơn vị quân đội, công an chuẩn bị lực lượng, phương tiện, nguyên vật liệu để ứng cứu các tuyến đê, đường giao thông xung yếu, hồ đập. Tỉnh cũng đã bố trí nhiều đoàn công tác về một số huyện, xã để trực tiếp chỉ đạo phòng chống bão số 9.


Tỉnh Quảng Bình đã hoãn các cuộc họp chưa cần thiết, tập trung cho công tác trọng tâm phòng chống cơn bão số 9. Lãnh đạo tỉnh đã cử các đoàn về tận vùng thấp lụt, vùng xung yếu, vùng ven biển trong tỉnh chỉ đạo, giúp cơ sở triển khai ngay 4 phương án "tại chỗ" đối phó với báo số 9. Tại huyện Tuyên Hoá, nơi vừa bị thiệt hại về người và tài sản do đợt mưa lũ từ 23 đến 26/9 gây ra, huyện đã huy động nhân lực về các xã bị thiên tai nặng nề, giúp dân khắc phục nhanh hậu quả lũ lụt; tổ chức chằng chống lại nhà cửa, sơ tán người già, phụ nữ, trẻ em lên trú bão ở các vùng cao. Từ nay cho đến trước khi bão số 9 đổ bộ vào đất liền, các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thuỷ và thành phố Đồng Hới có phương án di dời hơn 5.000 hộ gồm hơn 10.000 người lên các vùng cao, vùng nhà xây kiên cố, cao tầng tránh bão.

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, hiện tỉnh có hơn 4.070 tàu thuyền với trên 22.000 ngư dân đang đánh bắt hải sản trên biển; 96 tàu thuyền với 968 ngư dân của các tỉnh bạn đã vào bờ, nơi neo đậu tàu thuyền trước khi bão số 9 có khả năng đổ bộ vào địa phương.

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tính đến sáng ngày 28/9, tỉnh Quảng Ngãi hiện còn 762 tàu thuyền, trên 7.000 lao động đang hoạt động trên các vùng biển. Trong đó, có 25 tàu thuyền với 355 lao động nằm trong khu vực quần đảo Hoàng Sa ảnh hưởng trực tiếp của bão số 9.

Hiện Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ngãi đang giữ liên lạc  với tất cả các chủ tàu nói trên và  hướng dẫn cho các phương tiện vào trú bão tại đảo Trụ Cẩu thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đại tá Bùi Phụ Phú, Chỉ huy phó Bộ chỉ huy biên phòng Quảng Ngãi cho biết, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng kiểm soát tàu thuyền ra khơi và phối hợp với các máy ICOM cộng đồng tiếp tục thông báo diễn biến tình hình cơn bão, thường xuyên liên lạc với các tàu thuyền trên biển để chủ động phòng tránh. Ngoài ra các đồn biên phòng đã hướng dẫn ngư dân vào nơi neo đậu tàu thuyền đảm bảo trật tự.

Ban Phòng chống lụt bão-tìm kiếm cứu nạn (PCBL-TKCN) tỉnh Bình Định chỉ đạo các cấp, ngành, chính quyền địa phương và người dân triển khai phương án "4 tại chỗ" trong PCLB, kêu gọi tàu thuyền tìm nơi trú bão, tổ chức sắp xếp nơi neo đậu trật tự, an toàn, nghiêm cấm ra khơi, kiểm tra tất cả các điểm có nguy cơ bị ngập lụt nặng, sạt lở đồi núi và lũ quét, đặc biệt nơi qua lại của các bến đò ngang... để có phương án cứu hộ cứu nạn khi tình huống xấu xảy ra.

Hiện nay, tỉnh Bình Định có 1.350 tàu với 9.648 lao động đang làm nghề vây rút chì và câu mực. Tất cả các tàu thuyền đã nhận được thông tin về bão số 9 và đang tìm nơi trú bão an toàn.

TG (Theo TTXVN, VOV)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất