Thứ Năm, 3/10/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 23/4/2017 21:57'(GMT+7)

Minh bạch thị trường cho chuỗi nông sản

Mô hình trồng rau thủy canh tiết kiệm diện tích một cách hiệu quả

Mô hình trồng rau thủy canh tiết kiệm diện tích một cách hiệu quả

Nhiều rào cản trong liên kết chuỗi

Một trong những nhiệm vụ của ngành KH - CN tới đây là phải cùng với các địa phương có các giải pháp để đưa KH - CN vào quá trình sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị tập trung vào các mặt hàng chủ lực xuất khẩu có lợi thế của cả vùng đồng bằng sông Hồng và địa phương. Đặc biệt, là các giải pháp KH - CN thúc đẩy liên kết “4 nhà”, “5 nhà” theo chuỗi giá trị mà hạt nhân là “nhà doanh nghiệp” trong phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của vùng.

Thứ trưởng Bộ KH - CN Phạm Công Tạc

Đồng bằng sông Hồng vẫn được biết đến là một trong những vùng có trình độ thâm canh nông nghiệp cao của cả nước. Đặc biệt, những năm gần đây, nông dân các tỉnh trong vùng đã mạnh dạn tìm cách chuyển đổi sản xuất, chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, rau màu rất hiệu quả. Điển hình như huyện Đan Phượng, TP Hà Nội từng biết đến là vựa lúa thì nay hầu như không trồng lúa mà chuyển sang các loại cây ăn quả, chăn nuôi; hay mô hình trồng cây ăn quả, rau mà ở Văn Giang, Hưng Yên... Trong vùng, nhiều mô hình trồng hoa, cây cảnh cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Phải thẳng thắn nhìn nhận, có quá ít mô hình liên kết sản xuất hiệu quả, tạo ra nhiều giá trị gia tăng trên một đơn vị sản xuất giữa “3 nhà”, “4 nhà”, thậm chí là “5 nhà”. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp, dược liệu chưa theo các tiêu chuẩn an toàn; sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt chưa được nhiều. Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại đầu tư Biển Đông Vũ Trọng Nghĩa cho biết, doanh nghiệp ông muốn đầu tư trang thiết bị hiện đại song tiếp cận vốn ngân hàng cực kỳ khó khăn. Ông Nghĩa đề nghị các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp của Nhà nước phải thực sự khả thi, dễ dàng tiếp cận. Bên cạnh đó, Nhà nước đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường cho nông sản Việt.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển vùng, Bộ KH - CN Lê Tất Khương, công tác quản lý nhà nước về phát triển nông nghiệp an toàn theo chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế, nhất là việc kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi, trong đó tập trung vào các  vấn đề về hạn điền, nhập khẩu công nghệ, vay vốn, hỗ trợ phát triển về KH - CN, nhập khẩu công nghệ, phát triển thị trường cho doanh nghiệp.

Cho rằng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thời gian gần đây không còn xa lạ nhưng vẫn dừng ở dạng mô hình với sự tham gia của doanh nghiệp, Tổng Thư ký Tổng hội NN - PTNT Việt Nam Nguyễn Trí Ngọc dự báo: Xu hướng tất yếu đối với nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng là thúc đẩy liên kết giữa các hộ nông dân và doanh nghiệp trên cơ sở áp dụng các tiến bộ KH - KT vào sản xuất. “Muốn thực hiện được điều này thì cần phải hoàn thành việc dồn điền đổi thửa để việc chuyển giao KH - CN có hiệu quả, đi cùng với đó là mở rộng mức hạn điền cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp”, ông Nguyễn Trí Ngọc nhấn mạnh.

Tổ chức lại sản xuất

Để tổ chức sản xuất an toàn theo chuỗi giá trị trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước nói chung, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, phải đẩy mạnh áp dụng KH - CN và tổ chức lại sản xuất theo chuỗi. Hiện có một số doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp theo chuỗi giá trị công nghệ cao. Ví dụ như Tập đoàn Vingroup đầu tư vào Vĩnh Phúc, Hà Nam; Tập đoàn TH đầu tư lớn vào Thái Bình; doanh nghiệp cổ phần Đồng Dao đầu tư ở Ninh Bình với dứa, rau, chuối, chanh leo... xuất khẩu sang Nhật. Riêng với TP Hà Nội không có các doanh nghiệp lớn đầu tư, song lại có rất nhiều trang trại, gia trại, quy mô vừa phải với hiệu quả rất cao. Bình quân thu nhập của TP Hà Nội là trên 250 triệu đồng/ha, cao nhất cả nước.

Chúng ta đã có rất nhiều các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, quy trình sản xuất nông sản sạch, tuy nhiên, người dân vẫn chưa thật mặn mà. Diện tích các sản phẩm được sản xuất theo các quy trình an toàn còn rất khiêm tốn. Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, nguyên nhân của tình trạng này là do chưa tạo ra được thị trường minh bạch, rõ ràng cho các nông sản sạch, an toàn. Do đó, việc quan trọng là phải tạo ra được thị trường mình bạch cho chuỗi sản xuất an toàn. Bộ NN - PTNT đang tập trung phát triển các kênh phân phối nông sản sạch, có thể truy xuất nguồn gốc nông sản bằng điện thoại thông minh. Cả nước, đã xây dựng được 569 chuỗi nông sản sạch.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, hiện nay, đề tài, dự án nghiên cứu KH-CN của Bộ NN - PTNT được thực hiện theo hướng phải có sản phẩm cuối cùng chứng minh được hiệu quả thông qua cơ chế đặt hàng. Bộ sẽ tập trung vào các trục sản phẩm. Trước hết, là trục sản phẩm quốc gia để tập trung giải pháp, nguồn lực thực hiện như lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái, căn cơ từng giải pháp cho mỗi sản phẩm. Thứ hai, mỗi địa phương xác định từ 2-3 sản phẩm chủ lực rồi tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm địa phương. Cùng với đó, các nghiên cứu sẽ tập trung vào các giải pháp kỹ thuật đồng bộ để hạ giá thành sản phẩm, ví dụ như lúa gạo. Cùng với kỹ thuật, tập trung nghiên cứu vào tổ chức sản phẩm, phát triển thị trường nông sản.

Minh Quốc (Báo ĐBND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất