Trái ngọt thường niên
Cứ vào dịp tháng 7, tháng 8, sân bay Nội Bài lại rực rỡ cờ hoa của
gia đình, nhà trường và bạn bè đón mừng chiến thắng của các thí sinh
Việt Nam đi thi Olympic quốc tế trở về. “Sự kiện thường
niên!” - chị Thanh Thủy - nhân viên mặt đất sân bay quốc tế Nội Bài vui
vẻ bình luận! Có điều, chị Thủy không để ý, đó là niềm vui năm sau lại
tăng độ phấn khích hơn năm trước, vui theo những nấc kỷ lục mới mà các
học sinh Việt Nam lập được khi thi đấu trí tuệ ở xứ người.
Ngày 16/7, thầy trưởng đoàn dự thi Olympic Toán quốc tế Lê Anh Vinh
báo cáo ngay khi bước xuống sân bay: “Đoàn học sinh Việt Nam đã đạt được
thành tích tốt, cả 6 học sinh dự thi đều có huy chương, trong đó có 1
HCV, 2 HCB và 3 HCĐ. Đoàn vẫn duy trì được 100% học sinh có huy chương,
trong đó có Huy chương Vàng của Nguyễn Quang Bin”.
Ngày 23/7, ông Mai Sỹ Tuấn – Trưởng đoàn Olympic Sinh học Việt Nam
cho hay: “Cuộc thi Olympic Sinh học quốc tế lần thứ 29, tổ chức tại
Cộng hòa Hồi giáo Iran đã kết thúc thành công với tổng số 4 huy chương,
gồm: 3 HCV và 1 HCB, một con số kỉ lục trong lịch sử các cuộc thi
Olympic môn Sinh học chúng ta từng tham dự”.
Những tấm huy chương khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ
trí tuệ thế giới là minh chứng cho những đổi mới tích cực của ngành Giáo
dục trong công tác giáo dục mũi nhọn.
Trong thời gian qua, các trường THPT, nhất là trường THPT chuyên đã
đổi mới trong tổ chức dạy - học cũng như thi, kiểm tra, đánh giá, từ đó
phát hiện tài năng, tổ chức thi bồi dưỡng để các em học sinh có thành
tích nổi bật. Hướng đi phát triển giáo dục đại trà thật tốt, đồng thời
coi trọng bồi dưỡng học sinh giỏi, từ đó phát hiện các nhân tố nổi trội
để bồi dưỡng thi học sinh giỏi của ngành Giáo dục đã cho thấy sự đúng
đắn.
Mồ hôi đổ xuống để tên Việt Nam được xướng trên bảng vàng
Để đạt được kỳ tích trí tuệ trên thật không hề dễ dàng. “Thiên tài là
1% cảm hứng và 99% mồ hôi” – Nhà bác học Thomas Edison đã đúc kết như
vậy. Năm nay, em Nguyễn Phương Thảo – nữ sinh giành Huy chương Vàng
Olympic Sinh học quốc tế là tâm điểm thu hút những ánh mắt ngưỡng mộ.
Phương Thảo là học sinh lớp 12, Trường chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc
gia HN), lần thứ hai dự thi em đã đạt tổng số 98,13/100 điểm, đánh bại
261 thí sinh và trở thành người chiến thắng với số điểm chung cuộc cao
nhất trong 71 nước dự thi.
Bạn bè Phương Thảo kể rằng, lúc nào Thảo cũng đeo một ba lô đựng sách
vở nặng đến 8kg, còng lưng mang vác một “thư viện di động” chỉ để khi
cần tra cứu là có thể tìm được câu trả lời ngay. Không chỉ Phương Thảo,
bất cứ thành viên đội tuyển học sinh giỏi nào cũng đều chăm chỉ thức
khuya dậy sớm ôn luyện, luôn được thầy cô khơi gợi cảm hứng, tiếp sức
trên con đường chinh phục tri thức, luôn được gia đình chăm chút động
viên từng miếng ăn giấc ngủ… và 99% mồ hôi đó đã giúp cho cái tên Việt
Nam được xướng lên trang trọng trên bảng vàng trí tuệ thế giới.
Không phải ngẫu nhiên khi báo cáo “Tăng trưởng thông minh hơn - Học
tập và Phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương” được Ngân hàng
Thế giới (WB) công bố ngày 15/3/2018, Việt Nam được đánh giá là một
trong những quốc gia có sự phát triển thực sự ấn tượng trong đổi mới
giáo dục, đặc biệt trong giáo dục phổ thông.
Theo Báo Giáo dục và Thời đại