Thứ Hai, 25/11/2024
Thành phố Hồ Chí Minh
Thứ Tư, 4/5/2022 15:47'(GMT+7)

Mở đường phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh: Tăng tốc các dự án trọng điểm

Hoàn thiện đường ray trên cao tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối. (Ảnh: TTXVN)

Hoàn thiện đường ray trên cao tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối. (Ảnh: TTXVN)

Đầu năm 2022, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thành phố giai đoạn 2022-2025. Để phục hồi kinh tế - xã hội như mục tiêu đề ra, cần đặt Thành phố Hồ Chí Minh trong tổng thể quy hoạch vùng, liên kết với các địa phương lân cận.

Thực hiện mục tiêu này, thành phố đã và đang chủ động tìm kiếm các nguồn vốn để đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian tới.

Dịch COVID-19 lần thứ 4 khiến hoạt động kinh tế-xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh bị tác động nặng nề. Giai đoạn giãn cách xã hội, nhiều dự án phải dừng thi công hoặc thi công cầm chừng, khiến tiến độ hoàn thành dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngay khi “mở cửa” trở lại, các công trình, dự án được chủ đầu tư, nhà thầu khôi phục và tăng tốc, nhằm khắc phục thời gian bị đình trệ. Nhiều dự án kết nối liên vùng cũng đang gấp rút được triển khai.

NHỮNG CÔNG TRÌNH "NỐI BỜ VUI"

Nhiều dự án giao thông trọng điểm đang được Thành phố Hồ Chí Minh tăng tốc triển khai, hoàn thành đưa vào khai thác. Nhiều công trình được đưa vào giúp cải thiện tình hình giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế như cầu Thủ Thiêm 2, đường Đặng Thúc Vịnh, cải tạo kênh Nước Đen, đường song hành Võ Văn Kiệt…

Cuối tháng 4/2022, Thành phố đã thông xe dự án sửa chữa, nâng cấp đường Tỉnh lộ 9 (Đặng Thúc Vịnh), là 1 trong 5 công trình, gói thầu được đưa vào khai thác, phục vụ người dân Thành phố Hồ Chí Minh dịp 30/4.

Đây là trục đường kết nối tỉnh Bình Dương với huyện Củ Chi, Hóc Môn (Thành phố Hồ Chí Minh) và tỉnh Long An, xây dựng mới 5,2km đường giao thông theo tiêu chuẩn đường đô thị.

Ở khu vực trung tâm, cầu Thủ Thiêm 2 với tổng mức đầu tư 3.900 tỷ đồng cũng đưa vào sử dụng, từng bước hình thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh liên kết khu vực phía Đông với trung tâm thành phố hiện hữu ở bờ Tây sông Sài Gòn.

Dự án tạo điều kiện thúc đẩy phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm và các khu dân cư phía Đông, tạo tiền đề quan trọng trong kêu gọi thu hút đầu tư tại thành phố Thủ Đức nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ việc hoàn thành cầu Thủ Thiêm 2 có ý nghĩa to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trong bối cảnh Thành phố đang nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau tác động của dịch COVID-19.

Đây là niềm động viên, tạo động lực to lớn cho thành phố từng bước khắc phục khó khăn, đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội, hoàn thành các mục tiêu của Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Một điểm tích cực nữa là dự án metro Bến Thành-Suối Tiên đã đạt được 90,31% tổng khối lượng. Hai đoàn tàu cuối cùng trong tổng số 17 đoàn tàu của dự án metro Bến Thành-Suối Tiên cũng sẽ cập cảng trong nửa đầu tháng 5/2022.

Đây là một sự kiện quan trọng khi toàn bộ 17 đoàn tàu được đưa về depot Long Bình, đánh dấu bước chuyển sang giai đoạn chuẩn bị chạy thử nghiệm.

Hiện thành phố đang nỗ lực khép kín Vành đai 2, khởi công hệ thống đường Vành đai 3 và Vành đai 4, metro số 2, cầu Cát Lái để kết nối giao thông thông suốt trong nội đô, cũng như giữa Thành phố và các địa phương lân cận.

Thành phố đang ưu tiên triển khai đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030; đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp sở, ngành có liên quan đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống giao thống kết nối vùng, trong đó nâng tỷ lệ đất dành giao thông đô thị phải đặt quy hoạch giao thông trong quy hoạch tổng thể, nhất là các đường vành đai, cầu Cát Lái; nghiên cứu xây dựng quỹ đầu tư hạ tầng giao thông vùng; đề xuất khai thác giá trị các lô đất dọc hành lang các tuyến cao tốc.

KẾT NỐI PHỤC HỒI VÙNG

Là trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực phía Nam, Thành phố Hồ Chí Minh có sự kết nối với các địa phương trong khu vực để phát triển. Các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố gắn kết vai trò, vị trí của thành phố với liên kết vùng, đặt trong tổng thể chung của cả nước, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Mo duong phat trien kinh te TP.HCM: Tang toc cac du an trong diem hinh anh 2Cầu Thủ Thiêm 2 là điểm nhấn trên sông Sài Gòn. (Ảnh: TTXVN)

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tăng cường đầu tư các công trình giao thông trọng điểm có tính chất liên kết vùng nhằm từng bước giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông trên địa bàn; tăng cường khả năng kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và các tỉnh lân cận.

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh cùng các địa phương đang triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc; mở rộng tuyến Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, Quốc lộ 50, tuyến đường kết nối các tỉnh… nhằm kết nối hiệu quả chuỗi cung ứng hàng hóa giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai đang tích cực triển khai thủ tục thực hiện dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam), dự án Vành đai 3 đặt cách tiếp cận không phải chỉ cho Thành phố Hồ Chí Minh mà cho 4 tỉnh, cho cả vùng Đông Nam bộ. Cả vùng này tốc độ tăng trưởng giảm, chậm là vì giao thông. Do vậy, phải đẩy nhanh tiến độ và tập trung ưu tiên những tuyến liền mạch với nhau; chú ý đến hiệu ứng, tạo không gian phát triển đô thị cho cả vùng, tối ưu hóa phát triển.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch (Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ) cho rằng việc triển khai dự án Vành đai 3 là cơ hội để phát triển vùng này đúng tầm, giải quyết được điểm nghẽn lớn nhất về phát triển kinh tế vùng khi hạ tầng giao thông được kết nối. Việc tắc nghẽn giao thông đã làm ảnh hưởng rất lớn trên tất cả lĩnh vực, doanh nghiệp trên địa bàn chịu chi phí logistics rất lớn. Do vậy, đầu tư dự án cũng là bước đột phá giúp các doanh nghiệp tăng cạnh tranh.

Các địa phương lân cận Thành phố Hồ Chí Minh như Long An, Bình Dương, Đồng Nai cũng đang triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng để kết nối tới thành phố. Tại tỉnh Bình Dương, cuối tháng 4 vừa qua, địa phương này đã động thổ dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13, sẽ mở rộng từ 6 làn xe lên 8 làn xe với chiều dài 12,7km, kinh phí đầu tư trên 1.300 tỷ đồng. Đây là trục giao thông xương sống kết nối tỉnh Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên với Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại buổi khánh thành cẩu Thủ Thiêm 2 vừa qua, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục chú trọng đối với Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực Đông Nam Bộ. Đó là ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành; cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh- Mộc Bài… trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Những dự án, công trình giao thông hoàn thành đưa vào sử dụng đã tiếp thêm động lực để Thành phố Hồ Chí Minh phục hồi sau đại dịch. Dù vậy, Thành phố vẫn cần nguồn lực lớn để đầu tư phát triển giao thông, không chỉ cho Thành phố Hồ Chí Minh mà cho cả vùng để cùng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội./.

Tiến Lực

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất