Thứ Tư, 27/11/2024
Y tế - Dân số
Chủ Nhật, 16/8/2015 9:1'(GMT+7)

Mô hình bác sĩ gia đình: Cần rà soát tồn tại, điều chỉnh trước khi nhân rộng

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện mô hình đã nảy sinh nhiều vướng mắc cần sớm được rà soát, điều chỉnh, góp phần nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở. Theo Sở Y tế Thừa Thiên - Huế, toàn tỉnh đã thực hiện mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại 5 cơ sở theo hai hình thức: mô hình bác sĩ gia đình lồng ghép tại các trạm y tế xã và phòng khám bác sĩ gia đình tại cơ sở y tế tư nhân; trong đó có 4 mô hình phòng khám bác sĩ gia đình lồng ghép tại các trạm y tế xã A Ngo (huyện miền núi A Lưới), Phong Sơn (huyện Phong Điền), Phú Hồ và Phú Thanh (huyện Phú Vang); còn lại là mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại cơ sở y tế tư nhân của bà Nguyễn Thị Lành, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy.

Ghi nhận tại một số phòng khám bác sĩ gia đình ở Thừa Thiên – Huế cho thấy đều khá khang trang, sạch đẹp, hồ sơ quản lý và theo dõi các đối tượng được tổ chức khá hoàn chỉnh... Điển hình như phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân đầu tiên ở Thừa Thiên – Huế của bác sĩ Nguyễn Thị Lành, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy được bố trí gọn gàng, sạch sẽ, đảm bảo tốt các điều kiện phục vụ người bệnh, quản lý. Phòng khám đang theo dõi toàn diện sức khỏe ban đầu cho 218 người trong 68 hộ gia đình tại địa phương. Mô hình phòng khám bác sĩ gia đình ở Thừa Thiên - Huế bước đầu đã phát huy hiệu quả, thể hiện qua việc chăm sóc toàn diện, liên tục cho từng bệnh nhân và cả gia đình trong suốt thời kỳ ốm đau, giai đoạn phục hồi, đặc biệt các bệnh mãn tính được tư vấn, theo dõi định kỳ…, qua đó giúp công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ban đầu cho cá nhân và cộng đồng được nâng cao. Đây là giải pháp rất hiệu quả để phát hiện sớm bệnh lý và can thiệp kịp thời, giảm biến chứng và giảm chi phí khám chữa bệnh cho cộng đồng. Minh chứng là mô hình này ở Thừa Thiên – Huế đã thực hiện quản lý liên tục, toàn diện sức khỏe cho trên 580 hộ với gần 2.550 người. Các phòng khám đã thực hiện cấp cứu 52 ca bệnh nặng, khám sức khỏe cho trên 5.100 người, chuyển tuyến 566 ca bệnh, khám tại nhà người dân 79 ca… 

Anh Nguyễn Hoàng Thiện, một trong gần 300 người đăng ký khám chữa bệnh tại phòng khám bác sĩ gia đình Trạm y tế xã Phú Hồ, huyện Phú Vang cho biết: Thuận tiện nhất của mô hình này là gần nơi sinh sống nên người dân có thể tiếp cận nhanh cán bộ y tế để tư vấn, khám chữa bệnh ban đầu và khi cần các y, bác sĩ sẵn sàng đến tận nhà khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, việc theo dõi, quản lý sức khỏe liên tục, lâu dài giúp người bệnh thấy an tâm để chữa trị.

Thực tế cho thấy, thực hiện tốt mô hình phòng khám bác sĩ gia đình đem lại lợi ích thiết thực cho mỗi cá nhân, hộ gia đình và toàn xã hội, đồng thời giảm tải cho tuyến trên, giảm gánh nặng về bệnh tật, chi phí trong điều trị và góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, qua thời gian thí điểm, mô hình bác sĩ gia đình cũng còn bộc lộ một số tồn tại cần sớm khắc phục trước khi được nhân rộng. Đó là hồ sơ sổ sách theo dõi sức khỏe toàn diện hộ gia đình còn mang tính tự phát, không thống nhất; chưa có văn bản pháp lý quy định mối liên hệ chia sẻ dữ liệu giữa phòng khám bác sĩ gia đình với các cơ sở y tế khác, nhất là với cơ sở y tế tuyến trên. Kinh phí khám chữa bệnh khi nhân viên y tế đến khám tại nhà người dân chưa cụ thể; một số nơi chưa triển khai được thanh quyết toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngay tại gia đình đối với các trường hợp có thẻ bảo hiểm y tế hoặc bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế đã đến khám tại phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân. Công tác chuyển tuyến đối với phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân gặp khó vì không có giấy chuyển tuyến điều trị trong quy trình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; mô hình bác sĩ gia đình lồng ghép tại trạm y tế còn chồng chéo, chưa phân định cụ thể chức năng, nhiệm vụ…

Mới đây, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) đã đến khảo sát một số mô hình bác sĩ gia đình ở Thừa Thiên – Huế và gợi mở, giải pháp cơ bản để phát huy cao nhất hiệu quả hoạt động của phòng khám bác sĩ gia đình là cần sớm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thống nhất cơ sở thông tin dữ liệu quản lý bệnh nhân; hướng dẫn những nội dung liên quan đến công tác khám chữa bệnh, nhất là những người có tham gia bảo hiểm y tế; có giải pháp về vấn đề kinh phí trong hoạt động khám chữa bệnh, quản lý toàn diện sức khỏe hộ gia đình khi kéo dài liên tục.

Ông Hoàng Văn Đức, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế Thừa Thiên – Huế) cho rằng: Bộ Y tế cần ban hành hệ thống biểu mẫu hồ sơ quản lý cho phòng khám bác sĩ gia đình, các văn bản pháp lý quy định mối liên hệ chia sẽ dữ liệu giữa phòng khám bác sĩ gia đình với các cơ sở y tế khác, nhất là cơ sở y tế tuyến trên. Việc triển khai mô hình bác sĩ gia đình lồng ghép trạm y tế cần có lộ trình phù hợp; xây dựng phần mềm quản lý sức khỏe theo để giúp công tác quản lý nhanh và toàn diện và nên xây dựng mô hình điểm phòng khám bác sĩ gia đình để các đơn vị tham quan học tập, có cơ sở triển khai hoạt động tốt hơn. Các trạm y tế thực hiện mô hình này nêu ý kiến, cần tăng cường hơn nữa về chuyên môn nghiệp vụ, duy trì mạng lưới y tế thôn bản, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đồng thời có sự phối hợp tốt với các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn.

Theo bác sĩ Hoàng Trọng Chiến, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phú Hồ (huyện Phú Vang), cần khắc phục tồn tại là quản lý và điều trị bệnh còn theo hướng 1 chiều, chưa có sự phản hồi của tuyến trên, chưa có hướng dẫn chi trả chi phí cho nhân viên y tế đến hộ gia đình khám, khối lượng công việc của trạm y tế tăng, hồ sơ ghi chép theo dõi đối tượng chưa thống nhất, chi phí phát sinh… Thừa Thiên - Huế là một trong 8 tỉnh, thành phố được chọn xây dựng và phát triển mô hình thí điểm phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2013-2020. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục củng cố, phát triển và nhân rộng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trên cơ sở rà soát và tăng cường thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của phòng khám này./. 

TG


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất