TRUYỀN THÔNG VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CỦA MỘT SỐ NƯỚC
Nhật Bản với chiến dịch “Team Minus 6%”
Được phát động bởi Bộ Môi trường Nhật Bản năm 2005, Chiến dịch “Team Minus 6%” đặt mục tiêu đến năm 2012 giảm được lượng phát thải nhà kính ít nhất 6%. Kết quả, chiến dịch đã thành công trong việc thúc đẩy sự tham gia của công chúng vào việc thực hành phong cách sống thân thiện với môi trường.
Khác với cách tiếp cận truyền thống, Nhật Bản áp dụng truyền thông theo hai hướng: 1) Phương pháp tiếp cận trực tiếp, thông qua 3 phương tiện truyền thông chính ứng với 3 đối tượng là Internet - hướng đến người trẻ; Truyền hình - hướng tới người trung và cao tuổi; Báo chí - hướng đến nhân viên văn phòng. Bên cạnh đó, website của chiến dịch đăng tải hình ảnh các lãnh đạo quốc gia, doanh nghiệp, người nổi tiếng, nghệ sĩ, vận động viên, thậm chí các nhân vật hoạt hình... cam kết tham gia chiến dịch. 2) Phương pháp tận dụng đòn bẩy, tận dụng mạng lưới truyền thông, cửa hàng và doanh nghiệp để lan truyền thông điệp của chiến dịch; tổ chức các sự kiện trực tuyến để thu hút các cơ quan truyền hình, mạng xã hội, báo chí... đưa tin đến công chúng; phát hành logo chiến dịch, khuyến khích các cửa hàng/ doanh nghiệp điều chỉnh và in ấn logo lên sản phẩm để tăng độ nhận diện đến khách hàng...
Mô hình truyền thông này tận dụng được những nguồn lực có sẵn khi đưa ra các sự kiện, phong trào, logo... khuyến khích truyền thông và doanh nghiệp đưa tin và phổ biến về chiến dịch. Cùng với tiết kiệm kinh phí, mô hình này đem lại hiệu ứng phối hợp “làm việc nhóm” - điểm quan trọng trong truyền thông về BĐKH.
Lisbon (Bồ Đào Nha) với chiến dịch "Lập ngân sách cho việc tham gia xanh" (Mô hình truyền thông chính sách)
Năm 2008, Lisbon - được coi là thủ đô của châu Âu, đầu tiên áp dụng phương pháp lập ngân sách có sự tham gia của cộng đồng. Sau khi giành được Giải thưởng Thủ đô Xanh Châu Âu năm 2020, Lisbon đã quyết định áp dụng sáng kiến “Green Participatory Budgeting” (GPB) tập trung vào hoạch định ngân sách chỉ dành riêng cho các vấn đề môi trường và phát triển bền vững. Thành tựu đạt được là Lisbon đã đạt thành tích đáng kể trong việc giảm lượng khí thải CO2 và tiêu thụ năng lượng và nước. Với sự tham gia tích cực của người dân vào quá trình hoạch định ngân sách, các dự án liên quan đến tính bền vững và môi trường cùng nhiều dự án khác đã được ra đời.
Các hoạt động truyền thông trước, trong và sau chiến dịch được thực hiện là: 1) Truyền thông tới người dân thành phố thông qua “tuyên truyền miệng” (qua gia đình và bạn bè). 2) Truyền thông thúc đẩy sự tham gia của người dân vào quá trình hoạch định thông qua kết quả tự đánh giá và phản hồi từ người tham gia. Thông qua website, người dân có thể nhận thông tin, gửi đề xuất và biểu quyết. Đồng thời, để tạo điều kiện cho những người không truy cập được vào điện thoại, máy tính, chính quyền thành phố đã thực hiện “phi số hóa” - thiết lập một số cơ quan trực tiếp, các cơ hội gặp gỡ trực tiếp (như hội thảo) và các điểm bỏ phiếu. Nhận thức cũng được thúc đẩy thông qua các phương tiện truyền thông truyền thống và dịch vụ nhắn tin; các đề xuất và bỏ phiếu cũng được thực hiện thông qua dịch vụ tin nhắn. Các chiến lược truyền thông khác được sử dụng là: Bộ công cụ truyền thông - các mẫu để sử dụng khi quảng bá các dự án hoặc thông tin, được tải xuống từ website; các trang web; các bài viết và thông tin trên báo địa phương và mạng xã hội; Tờ rơi/ tờ thông tin; Chương trình “GPB cho trường học” - học sinh tham gia bàn luận về chủ đề khí hậu và các vấn đề môi trường. 3) Khi quy trình GBP kết thúc hàng năm, website cung cấp thông tin và cập nhật về quá trình phát triển các dự án được chọn, cho phép người dân giám sát việc thực hiện...
Kuruwitu (Kenya) với chiến dịch “Bảo vệ môi trường biển có sự tham gia của cộng đồng” (Mô hình truyền thông có sự tham gia)
Kuruwitu là điểm du lịch nổi tiếng trên bờ biển phía Bắc của Kenya, nền kinh tế chủ yếu dựa vào đánh bắt cá và du lịch sinh thái. Vào những năm 2000, việc đánh bắt cá không bền vững đã gây giảm số lượng cá ở Kuruwitu, gây nguy hiểm đến sinh kế của ngư dân địa phương. Để giải quyết vấn đề, Hiệp hội Phúc lợi và Bảo tồn Kuruwitu (KCWA) đã được thành lập năm 2003 để tham gia thảo luận công khai với ngư dân địa phương nhằm cải thiện hoạt động đánh bắt cá và thành lập Khu vực biển được quản lý tại địa phương - Locally Managed Marine Area (LMMA). KCWA đã sử dụng nhiều phương pháp để tăng cường nhận thức và hiểu biết cộng đồng về bảo tồn cá và các cơ hội sinh kế bền vững. Chiến dịch có sự tham gia của Đơn vị Quản lý Bãi biển địa phương, Bộ Thủy sản Kenya, Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã và Tổ chức phi lợi nhuận Oceans Alive của nước này.
Với nhiều thành tựu đạt được kể từ khi Kuruwitu LMMA ra đời, đã có 20 LMMA khác đã được thành lập trên khắp đất nước Kenya, trao quyền cho cộng đồng địa phương quản lý vốn tự nhiên.
Các hoạt động truyền thông là: 1) Ngư dân tham gia vào các cuộc thảo luận nhóm về những cách mà họ có thể thử nghiệm, thực hành đánh bắt bền vững. 2) Ký biên bản ghi nhớ - xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mỗi thành viên trong KCWA và Đơn vị Quản lý Bãi biển địa phương; tuyên truyền về đánh bắt bền vững, cấp phép và thực thi những quy định nghề cá... thông qua các buổi học tập cùng cộng đồng địa phương, các chuyến thăm thực địa và các phiên thảo luận... 3) Nhiều LMMA đã được thành lập để trao đổi, học tập lẫn nhau; sản xuất các phim tài liệu và phim ngắn về những vấn đề liên quan đến hệ sinh thái biển, đánh bắt quá mức, lợi ích từ tạo ra các vùng cấm đánh cá, những cách thức để bảo tồn biển, phát triển du lịch...
Mô hình truyền thống này đã thành công trong việc thúc đẩy sự tham gia của các bên trong quá trình học tập, trao đổi thông tin và quản lý. Tạo ra các phiên thảo luận rất cụ thể, thu hút sự tham gia của ngư dân; thúc đẩy và khuyến khích những cuộc thảo luận giữa các nhóm, làm cho quá trình tham gia trở nên rõ ràng, dễ tiếp cận đối với cộng đồng rộng lớn hơn...
Vương quốc Anh với chiến dịch “Hội đồng Khí hậu Công dân về BĐKH” (Mô hình truyền thông vận động chính sách)
Tháng 1/2019, Chính quyền thành phố Oxford của Vương quốc Anh tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu và thành lập Hội đồng Khí hậu Công dân (Oxford Citizens’ Assembly) để xem xét các mục tiêu mới về carbon và biện pháp bổ sung nhằm giảm lượng khí thải.
Thông qua các cuộc thảo luận và đề xuất của người dân, chính quyền thành phố đã: 1) Xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để đạt mức “phát thải ròng bằng 0” vào năm 2030 thông qua nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của các ngôi nhà mới và tòa nhà cộng đồng; cắt giảm khí thải giao thông; tăng cường lắp đặt năng lượng tái tạo; mở rộng đa dạng sinh học và tăng cường sự tham gia của công chúng vào hoạt động tái chế. 2) Thành lập ngân sách khẩn cấp về khí hậu; cam kết gói tài trợ, đầu tư cho thực hiện chiến lược bền vững và kinh phí hoạt động... 3) Cải tiến tổ chức Hội đồng Khí hậu Công dân thông qua thành lập ủy ban liên ngành nhằm điều phối tốt hơn việc ứng phó với BĐKH. 4) Thiết lập các đối tác “Oxford không carbon” để giảm thải nguồn phát thải thành phố hướng đến tầm nhìn và kế hoạch chung. 5) Xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh “Oxford không carbon”.
COP28 tiếp tục tăng cường thực hiện các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển dễ bị tổn thương
Các hoạt động truyền thông: Trước hội nghị, người tham gia nhận tài liệu tóm tắt giải thích quy trình hội nghị, giới thiệu cơ bản về BĐKH, “phát thải ròng bằng 0” và những tác động đối với bối cảnh Oxford. Trong hội nghị, người tham gia được phân tầng theo giới tính, độ tuổi, dân tộc, tình trạng khuyết tật và khu vực cư trú - đóng vai trò như một mô hình thu nhỏ đại diện cho dân số Oxford. Người tham gia hội nghị đặt câu hỏi rộng hơn, thảo luận và đi đến thống nhất mục tiêu “phát thải ròng bằng 0” vào năm 2030 và đưa ra những đề xuất. Thông tin về BĐKH được trình bày bởi các diễn giả chuyên môn, nhấn mạnh tính cấp bách, nghiêm túc và cả khả năng giải quyết của thách thức, từ đó định hình nội dung của cuộc thảo luận sau đó... Sau hội nghị, người tham gia được cung cấp tài liệu hướng dẫn thực hiện hành động cá nhân hoặc cộng đồng liên quan đến BĐKH. Chính quyền thành phố đăng tải trên website các video về những bài thuyết trình của chuyên gia và tổng hợp nội dung các cuộc thảo luận; cung cấp tài liệu tới thành viên Hội đồng Công dân và Ủy ban Cố vấn.
Ưu điểm của mô hình truyền thông này đã tạo điều kiện cho công dân tham gia tích cực vào học tập, đối thoại và thảo luận tập thể, đưa ra đề xuất; từ đó xây dựng niềm tin giữa người dân và chính quyền; xác định các chính sách tốt hơn và công bằng hơn...
Biến đổi khí hậu là một vấn đề phức tạp, nhiều thách thức, đòi hỏi nỗ lực toàn cầu chứ không chỉ riêng một quốc gia, cộng đồng hay cá nhân. Các mô hình truyền thông vì thế cũng cần kết hợp với các sáng kiến liên ngành để tạo ra những thay đổi tích cực trong cộng đồng và toàn xã hội.
|
ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH TRUYỀN THÔNG CHO VIỆT NAM
Căn cứ vào những đặc thù về điều kiện tự nhiên và nhóm công chúng tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), kết hợp với giá trị tham khảo về truyền thông BĐKH của thế giới, nhóm nghiên cứu đưa ra đề xuất: Tuỳ thuộc vào từng chiến dịch, truyền thông về BĐKH cần lựa chọn hoặc tích hợp nhiều mô hình bao gồm: truyền thông thay đổi hành vi, truyền thông có sự tham gia, truyền thông vận động chính sách, truyền thông chính sách. Việc này nhằm làm cho quá trình truyền thông mang tính hai chiều, có sự tham gia ở nhiều cấp độ như cá nhân, cộng đồng, tổ chức phi chính phủ và chính phủ.
Về mục tiêu. Truyền thông về BĐKH không nên chỉ bao gồm các mục tiêu cung cấp kiến thức khoa học cho người tiếp nhận mà còn cần mang lại các giá trị thực tiễn để tác động đến nhận thức của công chúng. Bên cạnh đó, ngoài những mục tiêu thay đổi nhận thức, thái độ hành vi của công chúng, cần chú trọng vào các mục tiêu thúc đẩy tham gia của các bên liên quan để gia tăng đối thoại, học tập lẫn nhau và chia sẻ kinh nghiệm giữa các cá nhân và cộng đồng, góp phần đưa ra các quyết định đúng đắn hoặc đưa ra các chính sách khí hậu phù hợp, tính đến lợi ích của nhiều nhóm cộng đồng khác nhau.
Về chủ thể. Truyền thông về BĐKH cần có sự tham gia của cả những nhà chuyên môn về truyền thông và công chúng ở nhiều cấp độ khác nhau. Điều này sẽ giúp loại bỏ mô hình truyền thông một chiều, vốn không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay, mặt khác có thể tăng tính đối thoại về các vấn đề biến đổi khí hậu. Trên thực tế, nếu áp dụng nhiều mô hình truyền thông khác nhau, có thể sẽ không có sự phân biệt rạch ròi giữa nguồn phát và nguồn tiếp nhận trong quá trình truyền thông. Trong trường hợp này, những người tham gia quá trình truyền thông sẽ đóng vai trò tương đối ngang hàng với nhau và tạo nên một cuộc đối thoại bình đẳng hướng đến tầm nhìn chung về các vấn đề BĐKH.
Về thông điệp. Những câu chuyện và ví dụ minh họa cần giúp người dân hiểu và thấy rõ những tác động của BĐKH ở ngay chính địa phương mình. Không nên chỉ truyền thông về BĐKH qua tính cấp bách của vấn đề mà cần tìm cách gắn các ưu tiên hàng ngày với những hành động tích cực về BĐKH. Đối với khu vực đặc thù về vị trí địa lý và đa dạng về nhóm công chúng như ĐBSCL, việc xây dựng thông điệp truyền thông cần dễ hiểu, gắn bó với bối cảnh địa lý và văn hóa địa phương của từng cộng đồng dân cư. Việc ứng dụng truyền thông có sự tham gia, liên kết các tổ chức, cộng đồng địa phương và thiết kế những thông điệp hướng đến giải quyết vấn đề sinh kế của người dân địa phương là một hướng đi có thể ứng dụng cho vùng ĐBSCL.
Về phương tiện. Cùng với phát huy tính ưu việt của các phương tiện truyền thống, trong bối cạnh hiện nay, mạng lưới truyền thông liên kết các cá nhân và tổ chức cần tận dụng sức mạnh công nghệ truyền thông mới, trong đó có ứng dụng mạng xã hội, website, điện thoại di động... Việc kết hợp các phương tiện truyền thông trực tiếp và trực tuyến sẽ đem lại hiệu quả tốt nhất; khắc phục được những hạn chế của các phương tiện trực tuyến đối với các nhóm và cộng đồng như: người già, trẻ em, người không có khả năng tiếp cận với internet hay mạng di động…
HÀM Ý CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI VIỆT NAM
Thứ nhất, các đơn vị, cơ quan bộ, ngành liên quan cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ nhằm đảm bảo định hướng thông tin tuyên truyền thống nhất, đúng chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; tăng cường đầu tư, tận dụng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực và vật lực cho công tác truyền thông, đảm bảo tính phù hợp với đặc điểm dân cư và thói quen khai thác tài nguyên của người dân trong vùng, trong khu vực. Nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn về thông tin, đảm bảo công tác truyền thông được triển khai thực chất; đặc biệt chú trọng ứng dụng mạng xã hội, chính phủ số, trí tuệ nhân tạo để “tự động hóa” quá trình truyền thông tới người dân.
Thứ hai, đẩy mạnh hơn nữa các chiến dịch thúc đẩy sự tham gia của người dân trong truyền thông về BĐKH. Việt Nam có thể tận dụng công nghệ số để khuyến khích người dân tham gia vào quá trình hoạch định, giám sát thực hiện chính sách về môi trường, đồng thời tăng cường đối thoại giữa chính phủ và nhân dân về BĐKH thông qua cả hình thức trực tiếp (diễn đàn, hội nghị, phiên thảo luận…) và trực tuyến (gửi ý kiến qua website, ứng dụng điện thoại, diễn đàn online…). Điều này không chỉ góp phần nâng cao nhận thức về BĐKH mà còn khiến vấn đề vĩ mô trở nên gần gũi, gắn liền với cuộc sống của người dân.
Thứ ba, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ làm công tác truyền thông. Đối với sự đa dạng trong nhóm dân cư tại khu vực ĐBSCL đòi hỏi cán bộ truyền thông, nhà báo, phóng viên phải có kỹ năng sản xuất, ứng dụng linh hoạt giữa các phương tiện truyền thông truyền thống (tuyên truyền miệng, báo in, truyền hình, phát thanh...) kết hợp với truyền thông qua mạng xã hội, ứng dụng di động, website… để công tác truyền thông đạt hiệu quả cao nhất. Chú trọng tổ chức các chương trình tập huấn, diễn đàn, hội thảo về BĐKH để đảm bảo tính thống nhất, đa dạng, lan tỏa trong các thông điệp truyền thông, từ đó thiết lập chương trình nghị sự đối với những vấn đề được Việt Nam xác định là trọng tâm, cấp bách về BĐKH, đồng thời tăng hiệu quả công tác truyền thông tới người dân./.
Tại Việt Nam, truyền thông về BĐKH chính là trọng tâm để lồng ghép BĐKH một cách hiệu quả và bền vững vào các chính sách phát triển, chính sách giảm thiểu và thích ứng, thay đổi hành vi tập thể và cụ thể hơn là thái độ đối với việc giảm nhẹ BĐKH nhằm cải thiện các nỗ lực hướng tới giảm phát thải khí nhà kính. Những mô hình truyền thông về BĐKH trên thế giới đều có giá trị tham khảo và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, đặc biệt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. |
TS. VŨ TUẤN ANH
ĐỖ BẠCH DƯƠNG
NGỌC HÀ
THÙY DƯƠNG
Học viện Ngoại giao