Sau một năm khai trương mạng 3G, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã đạt một số lượng trạm BTS rộng khắp, đặc biệt mở ra cơ hội tiếp cập với thế giới thông tin cho người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi triển khai Internet ADSL còn gặp nhiều khó khăn. Thông kê mạng lưới cho thấy lưu lượng trung bình của một thuê bao Dcom 3G tại nông thôn còn cao hơn 10% so với thuê bao thành phố. Điều này cho thấy nhu cầu Internet của người dân ở khu vực này rất lớn.
Số trạm phát sóng BTS của Viettel đã tăng gấp đôi, từ 8.000 trạm lên trên 17.000 trạm, trở thành nhà mạng có số trạm 3G lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Như vậy, số trạm 3G của Viettel đã vượt con số cam kết với Bộ Thông tin và Truyền thông trong hồ sơ thi tuyển là 15.000 trạm sau 3 năm triển khai dịch vụ. Tại thời điểm khai trương tháng 3-2010, số lượng BTS 3G Viettel cũng gấp hơn 1,5 lần.
Với số trạm 3G bằng 65% trạm 2G (ở các tỉnh, thành phố lớn tỷ lệ này trên 80%), Viettel đã thực hiện được chiến lược đưa Internet băng rộng không dây tới người dân thông qua dịch vụ Dcom 3G. Lưu lượng sử dụng bình quân của Dcom 3G tương đương 60% so với thuê bao ADSL đã cho thấy chỉ sau một năm mạng 3G chính thức được khai trương, khách hàng đã bắt đầu hình thành thói quen truy nhập Internet băng thông rộng không dây.
Xu hướng này càng rõ nét hơn khi trong những tháng đầu năm nay, lưu lượng sử dụng dịch vụ Dcom 3G của khách hàng đã tăng gần 30% so với tháng cuối năm 2010. Khi có điều kiện sử dụng, khách hàng dùng Internet 3G còn cao hơn ADSL. Trong dịp Tết Nguyễn đán Tân Mão vừa qua, bình quân các thuê bao tham gia chương trình “Cùng Dcom 3G về quê ăn Tết” đã dùng tới 5,3 GB trong 15 ngày - cao gấp 1,5 lần so với ADSL.
Với lợi thế về chất lượng và tốc độ tải dữ liệu cao, mạng 3G đã trực tiếp mở ra xu hướng mới cho khách hàng sử dụng dịch vụ nội dung số. Các thuê bao di động sử dụng dịch vụ 3G của Viettel có mức tiêu dùng cao hơn thuê bao 2G gần 45%. Trong đó tỉ lệ dùng các dịch vụ giá trị gia tăng và lưu lượng dữ liệu cao hơn 3,5 lần so với thuê bao không đăng ký 3G. Viettel hiện là nhà cung cấp các dịch vụ cơ bản và dịch vụ gia tăng nhiều nhất với 18 dịch vụ. Các dịch vụ 3G hút khách chính là Mobile TV, Imuzik 3G, Pixshare, Yahoo Chat…
Hoàn thành quang hoá 90% số xã trên cả nước
Tính đến hết tháng 3-2011, Viettel đã có tới trên 130.000 km cáp quang phủ tới 9.911/11.072 xã, phường, thị trấn trên cả nước. Mạng cáp quang với băng thông lớn, tốc độ cao là cơ sở để triển khai diện rộng hàng loạt dịch vụ viễn thông mới với chất lượng tốt, ổn định.
Đẩy nhanh hiện đại hóa mạng viễn thông bằng hệ thống truyền dẫn cáp quang là một trong những chiến lược quan trọng của Viettel. Lợi thế vượt trội của công nghệ này đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ viễn thông với chất lượng tốt, ổn định, thay thế dần cho hệ thống vi-ba hoặc vệ tinh băng thông nhỏ hơn. Hệ thống truyền dẫn này cũng tạo điều kiện cho việc nâng cao năng lực mạng 3G, mở rộng ứng dụng Internet băng thông rộng không dây, triển khai các dịch vụ mới cần nhiều băng thông như hội nghị truyền hình trực tuyến, IPTV…
Nhiều địa phương với địa hình miền núi khó khăn đã sớm hoàn thành việc triển khai cáp quang tới 100% số xã, phường, thị trấn. Điển hình như tỉnh Đắk Nông, Viettel đã hoàn thành đưa cáp quang về 71/71 xã, phường vào tháng 8-2008 với gần 1.800 km cáp, chiếm hơn 60% tỷ lệ cáp quang viễn thông trên địa bàn tỉnh. Tháng 10-2009, 141/141 xã, phường, thị trấn của Tuyên Quang cũng đã có cáp quang Viettel với 1.600 km. Nhiều tỉnh, thành phố đã đạt tỉ lệ 95 – 99% có cáp quang tới xã như Hà Giang, Lạng Sơn, Kon Tum, Quảng Trị, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Hà Nam.
Hỗ trợ gần 40 tỷ đồng xóa nghèo tại 3 huyện vùng sâu
Theo chương trình hoạt động thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, Viettel tiếp tục hỗ trợ 3 huyện nghèo Đắkrông (Quảng Trị), Mường Lát và Bá Thước trong công tác xóa đói giảm nghèo. Nội dung chủ yếu trong năm 2011 sẽ là hỗ trợ cây, con giống, xây dựng trạm xá, thiết lập mạng nội bộ phục vụ nghiệp vụ, hỗ trợ xây dựng nhà ở, lập quỹ khuyến học, … với số tiền lên tới gần 40 tỷ đồng.
Để triển khai chương trình, hai Chi nhánh Viettel tại tỉnh Thanh Hóa và Quảng Trị sẽ phối hợp với chính quyền địa phương rà soát những nội dung cần hỗ trợ để lập dự toán. Từ ngày 2 đến ngày 8-4, tổ công tác đã xuống tận từng địa phương kiểm tra thực tế và đánh giá hiệu quả những công việc đã triển khai trong năm 2010. Kết quả kiểm tra kết hợp với khảo sát thực địa các công trình đầu tư làm cơ sở thống nhất nội dung sẽ được thực hiện trong năm 2011.
Theo đề xuất dự tính, kinh phí hỗ trợ cho huyện Đăkrông trên 15 tỷ đồng, huyện Mường Lát khoảng 9 tỷ đồng, huyện Bá Thước là 12 tỷ đồng. Để nâng cao hiệu quả các khoản tiền hỗ trợ, mỗi hạng mục đều được tính toán các giải pháp tổng thể: song song với việc xây mới, tái trang bị trạm y tế xã, các đơn vị cũng hoạch định kinh phí để tổ chức học chuyên tu cho các y sĩ, y tá làm việc tại trạm xá. Cùng với việc xây dựng hệ thống mạng nội bộ, trang bị máy tính đến tận xã, cung cấp phần mềm nghiệp vụ, những cán bộ địa phương cũng phải học lớp sử dụng máy tính để có thể vận hành được thiết bị. Tương tự, việc hỗ trợ cây, con giống cũng đi đôi với việc hướng dẫn kỹ thuật của Sở Nông nghiệp tại địa phương.
Với kinh nghiệm và thế mạnh của mình, Viettel sẽ trực tiếp triển khai các hạng mục liên quan đến CNTT-VT. Đối với các hạng mục xây dựng như xây nhà nghiệp vụ đài phát thanh truyền hình, trạm xá xã, khu nội trú dân nuôi cho học sinh,… thì UBND huyện sẽ là chủ đầu tư, Viettel đóng vai trò hỗ trợ và cấp vốn.
Trong năm 2010, Viettel đã hỗ trợ 3 huyện nghèo trên gần 25 tỷ đồng trong việc xây dựng lại nhà ở cho 4.468 hộ nghèo, xóa bỏ nhà tranh tre dột nát tại địa phương. Song song với đó là việc trang bị hàng trăm máy tính, máy thu hình, hàng nghìn điện thoại di động và Homephone tới các trường học, UBND, trạm xá xã để người dân có cơ hội nắm bắt thông tin, chính sách và chủ trương của Đảng, Nhà nước, tiếp thu các kỹ thuật canh tác, sản xuất. Đặc biệt, 2 chiếc xe cứu thương chuyên dụng do Viettel hỗ trợ đã phát huy hiệu quả tốt, đem lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân nặng trong điều kiện đường sá đi lại khó khăn của vùng núi./.
(Phong Văn/QĐND)