Thứ Năm, 28/11/2024
Chính sách
Thứ Hai, 1/3/2010 13:53'(GMT+7)

Mở rộng đối tượng và tăng mức bảo trợ xã hội

Những  chính sách của Nhà nước dành cho đối tượng BTXH đặc biệt có ý nghĩa giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống

Những chính sách của Nhà nước dành cho đối tượng BTXH đặc biệt có ý nghĩa giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống

Mở rộng đối tượng BTXH

Mở rộng đối tượng BTXH thuộc diện trợ cấp hàng tháng do xã, phường, thị trấn quản lý, Nghị định mới quy định, người tàn tật nặng không có khả năng lao động hoặc không có khả năng tự phục vụ thuộc diện được BTXH mà không cần phải đáp ứng điều kiện thuộc hộ gia đình nghèo như quy định cũ.

Trường hợp người mắc bệnh tâm thần thuộc các loại tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần đã được cơ quan y tế chuyên khoa tâm thần chữa trị nhiều lần nhưng chưa thuyên giảm cũng thuộc đối tượng được hưởng BTXH mà không cần có kết luận bệnh mãn tính, sống độc thân không nơi nương tựa hoặc gia đình thuộc diện hộ nghèo.

Ngoài ra, hộ gia đình có từ 2 người trở lên tàn tật nặng không có khả năng tự phục vụ, người mắc bệnh tâm thần cũng được hưởng BTXH.

Tăng mức trợ cấp xã hội hàng tháng

Mức chuẩn để xác định mức trợ cấp xã hội (TCXH) hàng tháng cũng sẽ tăng thêm 50%, từ 120.000 đồng lên 180.000 đồng (hệ số 1).

Do vậy, với mức hệ số để tính hưởng TCXH đối với từng đối tượng không thay đổi so với quy định cũ, nhưng mức chuẩn để tính trợ cấp tăng thêm 50% nên mức trợ cấp cụ thể của từng đối tượng cũng tăng thêm 50%.

Cụ thể, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng... từ 18 tháng tuổi trở lên được hưởng trợ cấp hệ số 1, tương đương 180.000 đ/tháng (quy định cũ là 120.000đ); trường hợp trẻ dưới 18 tháng tuổi, từ 18 tháng tuổi trở lên bị tàn tật nặng hoặc bị nhiễm HIV/AIDS thì hưởng trợ cấp hệ số 1,5 tương đương 270.000 đ/tháng (quy định cũ là 180.000đ); còn trường hợp trẻ dưới 18 tháng tuổi bị tàn tật nặng, bị nhiễm HIV/AIDS thì hệ số được hưởng là 2, tương đương 360.000 đ/tháng (hiện hưởng mức 240.000đ)...

Đối tượng đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP thì chuyển sang hưởng theo quy định mới kể từ ngày 1/1/2010.

Ngoài được hưởng khoản trợ cấp hàng tháng theo quy định, các đối tượng BTXH còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế và hưởng thêm các khoản trợ giúp như: Các đối tượng đang học văn hoá, học nghề được miễn, giảm học phí, được cấp sách, vở, đồ dùng học tập theo quy định của pháp luật; khi chết được hỗ trợ kinh phí mai táng mức 3.000.000 đ/người (tăng thêm 1.000.000đ so với quy định cũ).

Các đối tượng ở cơ sở BTXH thuộc Nhà nước quản lý ngoài các khoản trợ giúp trên còn được trợ cấp để mua sắm tư trang, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt đời sống thường ngày; trợ cấp để mua thuốc chữa bệnh thông thường; riêng người nhiễm HIV/AIDS được hỗ trợ điều trị nhiễm trùng cơ hội mức 250.000 đồng/người/năm (tăng thêm 100.000đ so với trước).

... và cả trợ cấp đột xuất

Ngoài chế độ trợ giúp thường niên, Nhà nước còn có chính sách trợ giúp đột xuất áp dụng đối với những người, hộ gia đình gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc những lý do bất khả kháng khác gây ra. Các đối tượng này cũng sẽ được hưởng mức cứu trợ cao hơn trước.

Cụ thể, mức cứu trợ đột xuất thấp nhất đối với hộ gia đình có người chết, mất tích là 4.500.000 đ/người (trước là 3.000.000đ); có người bị thương nặng là 1.500.000 đ/người (trước là 1.000.000đ); nhà bị đổ, sập, trôi, cháy, hỏng nặng hay phải di dời khẩn cấp do nguy cơ sạt lở đất, lũ quét là 6.000.000 đ/hộ, nếu sống ở vùng khó khăn là 7.000.000đ (trước là 5.000.000đ).

Đối với cá nhân, mức trợ giúp cứu đói vẫn giữ nguyên là 15 kg gạo/người/tháng, trong thời gian từ 1 đến 3 tháng. Tuy nhiên, tăng mức trợ giúp người gặp rủi ro ngoài vùng cư trú bị thương nặng, gia đình không biết để chăm sóc từ 1.000.000 đồng/người lên 1.500.000đ/người; đối với người lang thang xin ăn trong thời gian tập trung chờ đưa về nơi cư trú tăng từ 10.000 đồng/người/ngày lên 15.000 đồng./.

(Theo Chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất