Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 14/6/2013 10:42'(GMT+7)

Mở rộng tín dụng và hỗ trợ đầu ra cho bất động sản

Theo một báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Chính phủ cuối tháng 5/2013 dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 2/2013, tổng dư nợ tín dụng bất động sản là khoảng 230.615 tỷ đồng, chiếm 7,6% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế; trong đó, tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản khoảng 5,68%, cao hơn so với 5,39% vào cuối năm 2012.

Số liệu tỷ lệ dư nợ cho vay bất động sản chỉ chiếm 7,6% tổng dư nợ toàn nền kinh tế và nợ xấu chỉ chiếm 5,68% dư nợ tín dụng bất động sản dường như chưa đủ sức thuyết phục được giới chuyên gia.

Nhiều ý kiến cho rằng, bất động sản là một thị trường có quy mô vốn lớn nhất nước. Phần lớn nợ xấu tại các tổ chức tín dụng đều dính dáng đến bất động sản. Chỉ tính riêng trong quý I năm 2013, cả nước đã có tới 15.389 doanh nghiệp ngừng hoạt động và phá sản, trong đó chắc chắn có không ít doanh nghiệp bất động sản. Đương nhiên, phần lớn các khoản nợ từ các doanh nghiệp bất động sản phá sản mặc định chuyển thành nợ xấu, nợ khó đòi và tỷ lệ nợ xấu bất động sản có lẽ không dừng lại ở con số 5,68%.

Để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đòi hỏi cấp bách hiện nay trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là xử lý nợ xấu. Các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản sôi động lên cũng đồng nghĩa với việc giải quyết nợ xấu. Một trong những cơ chế, chính sách đã được Chính phủ tính đến trong thời gian tới là mở rộng tín dụng hợp lý và hỗ trợ đầu ra cho bất động sản.

Theo đó, các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục được mở rộng tín dụng bất động sản ở mức hợp lý tập trung vào các dự án sắp hoàn thành, các dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp... với lãi suất phù hợp và không tính tỷ lệ này trong tổng dư nợ cho vay bất động sản bị khống chế; có các gói sản phẩm tín dụng dài hạn, lãi suất hợp lý phục vụ hộ gia đình, cá nhân vay mua nhà để ở, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở được thế chấp bằng chính căn nhà mua. 5 ngân hàng thương mại nhà nước sẽ dành tối thiểu 3% tổng dư nợ tín dụng cho các đối tượng thu nhập thấp, các đối tượng chính sách vay với lãi suất hợp lý, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng của khách hàng trong việc thuê hoặc mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; đồng thời, cho các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội vay với lãi suất hợp lý, kỳ hạn trả nợ phù hợp với kỳ hạn của nguồn vốn và khả năng của doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước sẽ dành từ 20.000 - 40.000 tỷ đồng tái cấp vốn với lãi suất hợp lý, thời hạn tối đa 10 năm hỗ trợ các ngân hàng thương mại nhà nước cho vay các đối tượng nêu trên.

Rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của các doanh nghiệp bất động sản để cơ cấu lại nợ một cách phù hợp; các khách hàng có phương án đầu tư, kinh doanh khả thi, có khả năng bán được sản phẩm sẽ được các tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu lại nợ và tiếp tục cho vay sản xuất.

Trong thời gian tới, Chính phủ và các địa phương sẽ xem xét mua lại một số loại công trình, bất động sản của doanh nghiệp thế chấp vay ngân hàng chưa bán được để phục vụ cho mục đích an sinh xã hội và hoạt động của các cơ quan nhà nước. Địa phương nào tồn kho bất động sản nhiều phải hạn chế sử dụng vốn đầu tư xây dựng mới nhà ở tái định cư và sử dụng chính nguồn vốn này mua lại các dự án nhà ở thương mại phù hợp phục vụ tái định cư, hoặc làm nhà ở xã hội cho thuê/cho thuê mua với các đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động.

Cho phép doanh nghiệp bất động sản nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán, cho thuê nhà ở; tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp; có cơ chế, chính sách khuyến khích các dự án bất động sản, nhất là dự án nhà ở xã hội chủ yếu sử dụng ngụyên vật liệu trong nước; đề xuất Quốc hội cho mở rộng đối tượng và điều kiện mua, sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam./.

Việt Anh
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất