Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 12/6/2013 8:32'(GMT+7)

Năng lực, hiệu quả phát triển của doanh nghiệp Việt Nam suy giảm?

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Theo VCCI, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển mạnh từ 63.000 vào năm 2002 lên con số 312.600 doanh nghiệp vào thời điểm 1/4/2012; số lượng lao động khu vực doanh nghiệp sử dụng cũng đã tăng gấp hơn 2,36 lần trong giai đoạn 2002 - 2011 từ 4,66 triệu lên 11 triệu (tăng bình quân 10%/năm); tổng vốn của các doanh nghiệp trong nền kinh tế đã tăng gấp hơn 10 lần từ 1,4 triệu tỷ đồng năm 2002 lên 15,3 triệu tỷ đồng vào năm 2011 (tăng bình quân 30%/năm); tổng doanh thu của khu vực doanh nghiệp tăng 8,8 lần từ 1,2 triệu tỷ đồng năm 2002 lên 10,7 triệu tỷ đồng năm 2011 (tăng bình quân 27,4%/năm).

Tuy nhiên, có một thông tin rất đáng quan tâm được bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI đưa ra là, tính đến nay, số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở Việt Nam đã lên đến trên 700.000 doanh nghiệp. Thế nhưng, con số thực sự hiện hữu và đang hoạt động thì chỉ có khoảng trên 300.000 doanh nghiệp như đã nêu ở trên mà thôi. Điều này đang đặt ra vấn đề là năng lực thực sự, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn có không ít vấn đề cần phải quan tâm.

Những nghiên cứu, khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, thời gian gần đây, số doanh nghiệp ở Việt Nam đăng ký kinh doanh với quy mô ngày càng nhỏ đi và hiện tượng doanh nghiệp ngừng hoạt động/giải thể ngày càng lớn (điển hình là năm 2012). Xu hướng phát triển chung của doanh nghiệp Việt Nam những năm vừa qua cho thấy quy mô không lớn lên được. Trong tổng số 1.999 doanh nghiệp nhỏ tham gia vào cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thực hiện giai đoạn 2009-2011, chỉ có 31 doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ lớn lên thành doanh nghiệp vừa, nhưng lại có tới 133 doanh nghiệp có quy mô vừa thu lại thành doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ.

Các chuyên gia nghiên cứu của VCCI chỉ ra rằng, hiệu quả sử dụng lao động của các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 2002-2011 không những không được cải thiện mà còn giảm đi. Trong 3 khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thì khối doanh nghiệp ngoài nhà nước có hiệu suất sử dụng lao động cao nhất, tiếp đến là doanh nghiệp nhà nước. Quá trình phát triển của lực lượng doanh nghiệp cũng đang có xu hướng gia tăng ngày càng nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ cả về lao động và nguồn vốn. Loại hình doanh nghiệp quy mô vừa ở Việt Nam này mới chỉ có khoảng 2,1% trên tổng số doanh nghiệp cả nước.

Trong 6 lĩnh vực ngành nghề gồm chế biến thủy sản; đồ uống; sản xuất cấu kiện kim loại; bán lẻ thực phẩm, đồ uống; quảng cáo; xúc tiến thương mại được lựa chọn khảo sát năng lực sử dụng lao động của doanh nghiệp, thì trong giai đoạn 2007-2011, chỉ có ngành sản xuất cấu kiện kim loại có hiệu suất sử dụng lao động tăng khoảng 4%/năm, 5 ngành còn lại đều có hiệu suất sử dụng lao động không đổi hoặc giảm đi (ngành quảng cáo giảm 9,3%/năm).

Chỉ số thanh khoản của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực trên đều có xu hướng giảm đi trong giai đoạn 2007-2010 trước khi được cải thiện vào năm 2011. Các doanh nghiệp của toàn bộ 6 ngành được lựa chọn nghiên cứu đều có chỉ số nợ không thỏa mãn giá trị kỳ vọng chuẩn và đang có xu hướng tăng. Điều này phản ánh, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào nguồn vốn nợ bên ngoài, năng lực sử dụng vốn suy giảm.

Không những thế, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ ở cả 6 lĩnh vực trên đều tăng mạnh trong năm 2011, nhất là doanh nghiệp dịch vụ, thương mại. Hai ngành xúc tiến thương mại và sản xuất cấu kiện kim loại có hiệu suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) giảm trong giai đoạn 2007-2011; trong đó, sản xuất cấu kiệm kim loại không chỉ giảm ROA mà còn là ngành có chỉ số ROA thấp nhất (chỉ đạt 2,8%); ngành có chỉ số ROA cao nhất là chế biến thủy sản với 8%, quảng cáo và xúc tiến thương mại 6%. Sản xuất đồ uống có hiệu suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) cao nhất trong 6 ngành trong giai đoạn 2007-2011. Trong khi đó, sản xuất cấu kiện kim loại có chỉ số ROS thấp nhất cho thấy, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này khả năng sinh lời thấp rất khó thu hút vốn đầu tư...

Thực trạng trên đòi hỏi cần có cách tiếp cận phù hợp hơn khi xây dựng các chính sách phát triển doanh nghiệp. Mặc dù môi trường kinh doanh đã có nhiều cải thiện, song các điều kiện phát triển đối với các doanh nghiệp mới được thành lập không phải như vậy là đã đủ, mà cần phải có đủ cả kiến thức kinh doanh, vốn, khả năng tiếp cận thị trường…

Ở góc độ vĩ mô, Nhà nước cần có thêm những chính sách trợ giúp thích hợp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng kế hoạch kinh doanh và tích lũy kiến thức ngay từ khâu khởi sự kinh doanh.

Theo đánh giá của VCCI, cho đến nay, ngoài chính sách giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì hầu hết các biện pháp hỗ trợ đều là giải pháp chung cho tất cả doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở khâu hậu sản xuất. Điều này khiến cơ hội phát triển đi lên của các doanh nghiệp nhỏ và vừa không nhiều vì mặt bằng tiêu chí chung hưởng trợ giúp doanh nghiệp lớn chiếm ưu thế. Đó còn chưa kể đa phần doanh nghiệp nhỏ và vừa đã không chịu đựng nổi các khoản chi phí, giao dịch và các loại thủ tục nhiêu khê chỉ cần để vay được các khoản vốn vay ngắn hạn, mà muốn có vốn kinh doanh họ vẫn phải tìm đến các nguồn vay phi chính thức với chi phí cao./.

Việt Anh


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất