Thứ Ba, 24/9/2024
Xã hội
Thứ Sáu, 13/3/2015 16:51'(GMT+7)

Mở thêm những "con đường hạnh phúc"

Lực lượng dân quân tự vệ tỉnh Hòa Bình làm nòng cốt xây dựng đường giao thông nông thôn giúp dân. (Ảnh: QĐND)

Lực lượng dân quân tự vệ tỉnh Hòa Bình làm nòng cốt xây dựng đường giao thông nông thôn giúp dân. (Ảnh: QĐND)

Trước những năm 60 của thế kỷ XX, hàng vạn đồng bào Mông thuộc 4 huyện vùng cao núi đá Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang) không có khái niệm con đường, đi lại cực kỳ khó khăn, vất vả. Với mong muốn giúp đồng bào có một con đường về xuôi thuận lợi, Trung ương Đảng, Khu ủy Việt Bắc đã quyết định mở đường Hà Giang-Đồng Văn-Mèo Vạc và huy động lực lượng thanh niên xung phong của 8 tỉnh phía Bắc làm con đường này. Sau 6 năm thi công (1959-1965), với gần 3 triệu lượt ngày công lao động đục, khoét khoảng 2,9 triệu mét khối đá, con đường dài 184km mang tên “Hạnh Phúc” đã hoàn thành trong niềm vui sướng của đồng bào các dân tộc nơi đây. Người ta đã đúc kết: Con đường Hạnh Phúc có 4 “cái nhất”: Công trình giao thông thi công bằng sức người gian khổ nhất, tốn ngày công lao động nhiều nhất, thời gian lâu nhất và bi tráng nhất (vì có 14 thanh niên hy sinh trong khi làm đường).

Những ai từng đi qua đỉnh đèo Mã Pí Lèng nằm trên con đường Hạnh Phúc, từng ngược lên 4 huyện vùng cao núi đá Hà Giang, có lẽ mới cảm nhận được sự khắc nghiệt của địa hình cao nguyên đá và lại càng cảm phục, trân trọng, biết ơn vô bờ hàng nghìn thanh niên xung phong đã vượt qua bao gian khổ, hiến dâng tuổi xuân để làm nên con đường huyền thoại này. Và sau nửa thế kỷ nhìn lại, chúng ta càng thấy rõ sự sáng suốt của Đảng trong việc huy động sức người để xử lý thành công một “điểm nghẽn” giao thông cốt tử trên địa bàn chiến lược của Tổ quốc. Việc thi công, hoàn thành con đường này không chỉ giải quyết nhu cầu đi lại của người dân miền núi, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững thế trận quốc phòng-an ninh. Nói mộc mạc như bà con dân tộc thiểu số nơi đây, nhờ có “Con đường Hạnh Phúc” của Đảng mở ra, mà “cái no, cái ấm” đã đến nhiều hơn với đồng bào.

Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng nhận rõ những bài học kinh nghiệm quý từ việc xây dựng “Con đường Hạnh Phúc”. Đó là bài học động viên, huy động sức dân trong việc làm đường giao thông để mở ra nhiều cơ hội phát triển cho nhân dân, đất nước. Đó là bài học khai thông, mở mang đường sá ở những địa bàn khó khăn, hiểm trở cần phải được ưu tiên “đi trước một bước” để thúc đẩy giao thương hàng hóa, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền ngược với miền xuôi. Đó là bài học tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tình yêu lao động, về sức mạnh "dời non, lấp biển" của đoàn kết cộng đồng trong việc khắc phục, cải tạo sự khắc nghiệt của thiên nhiên để biến khó khăn thành thuận lợi, “hóa giải” thử thách thành vận hội tiến về phía trước, không cam chịu sống trong “ốc đảo” đói nghèo, lạc hậu...

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay, có lẽ chúng ta rất cần vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm từ việc mở “Con đường Hạnh Phúc” năm xưa, để động viên, huy động sức dân trong việc mở mang, kết nối các đường giao thông liên thôn, liên xã, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Thực tế cho thấy, ở những địa bàn khó khăn này, việc có thêm một con đường là điều kiện thuận lợi lớn để phát triển, người dân có thêm cơ hội tiến tới no ấm, văn minh. Tuy vậy, việc huy động này phải phù hợp với khả năng của nhân dân và điều kiện hoàn cảnh của mỗi địa phương; đồng thời cũng cần có cơ chế, chính sách thích hợp để bồi dưỡng, chăm lo sức dân. Rất nên tránh tình trạng huy động quá sức dân để làm những tuyến đường không thực sự cần thiết, mà chỉ để chạy theo “bệnh thành tích” như một vài địa phương thời gian qua. Bởi như thế là gây khó thêm cho dân, chứ chưa phải làm con đường hạnh phúc./.

Thiện Văn (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất