Nhân dịp Tổ chức Y tế Thế giới công bố sách chuyên khảo “Kinh tế học về thuốc lá và kiểm soát thuốc lá,” tiến sỹ Kelly Henning, Giám đốc các chương trình Sức khỏe cộng đồng của tổ chức Bloomberg Philanthropies và tiến sỹ Lokky Wai, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, đã có bài viết bình luận về chủ đề này.
VietnamPlus xin giới thiệu nội dung bài viết:
Mỗi năm trên toàn cầu có trên 7 triệu ca tử vong vì các căn bệnh do thuốc lá gây ra, trong đó có 600.000 người tử vong do phải tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá.
Bảy triệu ca tử vong là quá nhiều, thế nhưng con số đó vẫn tiếp tục tăng. Mỗi cái chết do thuốc lá đều là một bi kịch có thể ngăn chặn được.
Những cái chết đó, cùng những đau đớn do các bệnh liên quan đến thuốc lá gây ra, có tác động sâu rộng đến sức khỏe của các cá nhân và gia đình họ, đến sự thịnh vượng của cộng đồng, và sự phát triển của các quốc gia.
Đây cũng chính là lý do mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn chủ đề cho ngày Thế giới Không thuốc lá 31 tháng 5 năm 2017 là “Thuốc lá: mối đe dọa đối với phát triển” trong đó nhấn mạnh các tổn thất do thuốc lá gây ra đối với nền kinh tế và sự phát triển của các quốc gia.
Kinh tế học về thuốc lá chắc chắn là một vấn đề liên ngành, cần phải được giải quyết xa hơn phạm vi ngành y tế, bao trùm những vấn đề rộng lớn như xóa đói giảm nghèo, xây dựng hệ thống nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường, thỏa thuận thương mại quốc tế, giải quyết tình trạng buôn lậu sản phẩm thuốc lá và trốn thuế thuốc lá.
Chúng ta có lý do chính đáng để quan tâm tới kinh tế học về thuốc lá. Sử dụng thuốc lá gây thiệt hại hơn 1.400 tỷ USD trên toàn thế giới mỗi năm do chi phí điều trị các bệnh do thuốc lá gây ra và do mất năng suất lao động.
Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu năm 2011 ước tính thuốc lá gây ra tổn thất lên tới hơn 24.600 tỷ đồng (tương đương với hơn 1,17 tỷ đô la Mỹ), và tương đương với 0,97% GDP trong cùng năm ước tính. Những tổn thất này bao gồm chi phí y tế điều trị bệnh tật do thuốc lá gây ra, giảm năng xuất lao động do nghỉ ốm và giảm năng suất lao động do tử vong sớm.
Riêng ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nhất là những nước có điều kiện kinh tế giống như Việt Nam, gánh nặng do thuốc lá gây ra sẽ tiếp tục theo xu hướng ngày càng gia tăng.
Tại Việt Nam ước tính năm 2012 hơn 73% tổng số ca tử vong là do các bệnh không lây nhiễm như ung thư, đái tháo đường, bệnh tim mạch và bệnh phổi mãn tính, những bệnh mà thuốc lá là một nguyên nhân quan trọng gây ra.
Việc phải đối phó với sự gia tăng các căn bệnh không lây nhiễm liên quan tới thuốc lá tạo áp lực và gánh nặng đối với hệ thống y tế, gây quá tải các bệnh viện và làm gia tăng nhanh chóng chi phí y tế. Do đó, một cộng đồng mà ít sử dụng thuốc lá thì sẽ là một cộng đồng lành mạnh và thịnh vượng hơn.
Đầu năm 2017, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố và phát hành chuyên khảo "Kinh tế học về thuốc lá và kiểm soát thuốc lá," là kết quả cộng tác với Viện Ung thư Quốc gia thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ.
Chuyên khảo này trình bày chi tiết hơn bất kỳ công trình nào khác từ trước tới nay những thiệt hại đáng kể về kinh tế mà cá nhân, cộng đồng và hệ thống y tế phải gánh chịu do tình trạng sử dụng thuốc lá gây ra, cũng như những lợi ích kinh tế đáng kể có thể đạt được từ việc kiểm soát thuốc lá.
Thuốc lá là sản phẩm độc nhất vô nhị. Nó rất độc hại đối với người sử dụng so với bất kỳ sản phẩm tiêu dùng hợp pháp nào khác. Và chỉ riêng có ngành công nghiệp thuốc lá là rao bán một sản phẩm độc hại có một không hai như vậy vì lợi ích thương mại.
Kinh tế học về kiểm soát thuốc lá, bên cạnh những con số và dự báo ảm đạm liên quan đến gánh nặng tài chính khổng lồ mà hệ thống y tế và các nền kinh tế phải gánh chịu, nó đã chỉ ra rằng có thể kiểm soát thuốc lá hiệu quả mà vẫn mang lại lợi ích cho thu thuế của chính phủ: khi tăng thuế thuốc lá thì một mặt làm giảm tỷ lệ hút thuốc, mặt khác sẽ làm tăng thu ngân sách từ thuế thuốc lá.
Ví dụ, nếu tất cả các nước đều tăng thuế thuốc lá lên thêm 0,8 USD mỗi bao, thì tổng thu từ thuế thuốc lá hàng năm có thể tăng thêm 47%, lên tới 140 tỷ USD thu thêm mỗi năm, trong khi đó sử dụng thuốc lá sẽ giảm đi đáng kể trên toàn thế giới.
Kinh tế học về kiểm soát thuốc lá không chỉ là mối quan tâm của những người sử dụng thuốc lá, nó cũng không phải là mối quan tâm của riêng những người hoạch định chính sách. Như trong chuyên khảo đã chỉ ra, kinh tế học về kiểm soát thuốc lá ảnh hưởng đến tất cả: cuộc sống hàng ngày của chúng ta, cộng đồng và nền kinh tế của chúng ta. Đó không chỉ là vấn đề sức khỏe; đó là vấn đề cần được xem xét nghiêm túc vì sự phát triển và thịnh vượng của các quốc gia./.
Theo VietNam+