(TCTG) - Đó là những cảm nhận và chia sẻ của tất cả các thí sinh cũng như các đại biểu, khán giả tham dự, cổ vũ tại Hội thi. 52 gương mặt với các thành phần dân tộc, lứa tuổi đến từ 16 tỉnh miền núi phía Bắc và Đảng bộ Công an Trung ương đã đem đến cho khán giả những câu chuyện chân thực, xúc động về Bác Hồ.
Sự đa dạng, phong phú được thể hiện qua chủ đề mỗi câu chuyện, qua phong cách trình bày của mỗi thí sinh, cùng với những liên hệ cụ thể đến công việc, địa phương... đã thực sự tạo được sức hấp dẫn và thu hút của Hội thi. Bên lề Hội thi, PV Tạp chí Tuyên giáo đã có các cuộc trao đổi nhanh với một số thí sinh.
Bác Nguyễn Mạnh Tăng, 70 tuổi - Thí sinh cao tuổi nhất Hội thi, đến từ Chi bộ thôn Thuỷ Sản
(xã Hoà Lạc, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn):
|
Là đảng viên, cán bộ về hưu, đến nay đã bước sang tuổi 70, sức khoẻ đã có nhiều giảm sút, nhưng được Đảng giao, dân tin, nên tôi vẫn liên tục tham gia công tác ở Hội người cao tuổi của xã, đến nay đã sang khoá thứ 3. Học tập tấm gương đạo đức của Bác Hồ, tôi luôn phấn đấu giữ vững phẩm chất đạo đức, lối sống trung thực giản dị của người đảng viên lớn tuổi trong chi, Đảng bộ, cùng với Ban Chấp hành Hội người cao tuổi vận động các cụ trong xã thực hiện: Sống khoẻ - Sống vui - Sống có văn hoá - Tình nghĩa. Cùng với các cụ thường xuyên giáo dục, vận động gia đình con cháu, dòng họ, vận động nhân dân thực hành tiết kiệm trong sinh hoạt, trong sản xuất. Cùng nhau quyết tâm chống mọi biểu hiện tham ô, lãng phí, quan liêu, mệnh lệnh để góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh làm tiền đề cho việc phấn đấu hoàn các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của địa phương.
Đến với Hội thi này tôi không nhằm mục đích là phải quyết tâm đạt giải, mà cái chính là được thấy, được nghe và giao lưu gặp gỡ với những người có niềm say mê kể chuyện về Bác Hồ. Cũng là dịp để tôi hiểu thêm về những điển hình của các địa phương, đơn vị trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, qua phần liên hệ của mỗi thí sinh kể chuyện. Tôi rất vui và tự hào khi chứng kiến nhiều bạn trẻ thanh niên bây giờ, trong đó có các cháu còn ít tuổi kể chuyện về Bác rất hay, rất chân thực và chân thành. Các thí sinh người dân tộc thiểu số đã để lại ấn tượng rất cảm động trong tôi về tình cảm của đồng bào dân tộc ít người đối với Bác Hồ, với Đảng. Trong gia đình, tôi thường khuyên bảo và giáo dục con cháu bằng tấm gương Bác Hồ. Tôi thật hạnh phúc vì từ các Hội thi ở cấp cơ sở, cấp huyện, tỉnh và đến Hội thi này đều có các cổ động viên đặc biệt-đó là các cháu nội, ngoại đi theo cổ vũ cho ông. Tôi hạnh phúc không chỉ đơn giản là vì có cháu đi cùng, mà cái chính là các cháu đã rất yêu thích và luôn muốn được nghe kể chuyện về Bác Hồ ở các hội thi.
Thí sinh Mẫn Thí Hằng, sinh năm 1991 - là một trong hai thí sinh trẻ tuổi nhất Hội thi
(Học sinh lớp 12A3, trường THPT Yên Phong số 1, Bắc Ninh):
|
Thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gưong đạo đức của Bác, soi lại bản thân mình, là một đoàn viên thanh niên trong nhà trường, em ý thức được rằng: phải rèn luyện cho mình tính tự tự giác, ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành tốt các quy định của lớp, của trường, điều lệ và quy định người đoàn viên, thực hiện lối sống giản dị, khiêm tốn, ra sức phấn đấu là trò giỏi của nhà trường, là con ngoan của gia đình, là đoàn viên ưu tú.
Thời gian qua, với trách nhiệm là cán bộ Đoàn Thanh niên Trường THPT Yên Phong số 1, bản thân em luôn hoà mình với bạn bè, tích cự tham gia các phong trào hoạt động của Đoàn, thực hiện mùa thi nghiêm túc, chống gian lận trong thi cử, tích cực giúp đỡ các bạn cùng lớp vươn lên trong học tập để cùng tiến bộ, tham gia phong trào vòng tay bè bạn quyên góp quần áo, sách vở, đồ dùng học tập gửi tặng các bạn vùng khó khăn.
Bản thân em đã có sổ Nhật ký làm theo lời Bác, để nói lên lòng biết ơn với Bác kính yêu và xin hứa quyết tâm học tâp và rèn luyện theo những lời chỉ dạy của Người. Trước hết là tự mình và vận động các bạn học sinh trong trường thực hiện tốt 5 chuẩn mực đạo đức do nhà trường xây dựng. Coi đây là việc làm thường xuyên liên tục đối với bản thân và tất cả học sinh trong trường
Thí sinh Hứa Thị Nhiêm, 21 tuổi, dân tộc Dao (xã Long Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai ):
Đời sống của những người nông dân quê em còn nhiều khó khăn, vất vả lắm. Sinh thời, Bác Hồ luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho nông dân, chính vì thế em đã chọn câu chuyện "Bác Hồ đi làm ruộng với nông dân" để đem đến Hội thi. Sinh ra khi Bác đã đi xa, nhưng qua những trang sách, những lời kể của thầy cô, ông bà, bố mẹ, em được biết về Bác Hồ vĩ đại. Trong những di sản vô giá Bác để lại, em luôn nghĩ đến chân dung và tấm lòng bao la của một vị lãnh tụ đối với người nông dân, chính Người đã đem đến tự do cho những người nông dân lao động, trong đó có đồng bào dân tộc Dao của em.
Câu chuyện em kể về Bác nói lên phong cách giản dị, đức độ của Người, một vị lãnh tụ luôn sống hoà mình với quần chúng, chan chứa tình yêu thương với những người nông dân vất vả "một nắng hai sương". Trong công việc Bác không khoa trương, hình thức, lời nói đi đôi với việc làm, Bác luôn chăm lo tới đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, trong đó có bà con người Dao chúng em từ miếng cơm manh áo, để hôm nay người Dao có ruộng có nương, có những đồi quế bạt ngàn.
Qua câu chuyện của em, từ việc Bác xuống đồng chống hạn, cùng lao động, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, vui niềm vui đựoc mùa, buồn nỗi buồn thất bát thiên tai đến chi tiết Bác đau xót trước những mất mát của nhân dân Kiến An trong trận lụt lớn, đã toát lên hình ảnh một con người vĩ đại nhưng lại rất giản dị, dù ở cương vị lãnh tụ tối cao nhưng lại không cao xa mà luôn gần gũi, hoà mình vào quần chúng.
Đầu năm 2008, Lào Cai quê em và nhiều nơi ở vùng cao phải chịu đợt rét hại kéo dài tới hơn 40 ngày, khiến sản xuất và đời sống của bà con các dân tộc ở đây gặp vô vàn khó khăn, riêng Lào Cai có tới gần 20 ngàn con trâu bò bị chết. Chưa khắc phục xong hậu quả đó thì vừa rồi đồng bào em lại phải phải gánh chịu đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 4, cướp đi sinh mạng của hơn 80 người, thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng... Qua 2 lần gặp thiên tai lũ lụt, chúng em thấy rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những tấm lòng vàng của cả nước đối với Lào Cai, trong đó có bà con nông dân các dân tộc ít người, đã giúp đồng bào em nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai để vươn lên ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên cũng còn nhiều người chưa thực sự thông cảm và chia sẻ với bà con nông dân, với đồng bào dân tộc thiểu số, em mong rằng qua đợt sinh hoạt chính trị này sẽ được đón nhận nhiều hơn nữa những tình cảm tốt đẹp của mọi người đối với người nông dân và đồng bào dân tộc chúng em.
Là một tuyên truyền viên cơ sở ở một xã vùng cao còn nhiều tập tục tập quá lạc hậu, em đã đem những câu chuyện như thế này kể cho bà con người Dao mình nghe, để thấy đựơc sự quan tâm của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Em sẽ còn tiếp tục kể cho nhiều người cùng nghe nữa...
Thí sinh Triệu Thị Linh, dân tộc Cao Lan, huyện Yên Sơn (Giáo viên Trường CĐSP Tuyên Quang):
|
Tôi chọn câu chuyện "Nắng chiếu sương tan" vì qua câu chuyện này cho tôi thấy tấm gương nhân ái, vị tha bao dung, độ lượng hết mực vì con người của Bác Hồ, điều này có ý nghĩa và giá trị lớn lao đối với mọi người, ở mọi thế hệ và mọi thời đại.
Trong cuộc sống hôm nay, trước tác động của những tiêu cực xã hội, do thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện mà không ít người đã sa ngã... tưởng như họ đã là gánh nặng, là kẻ bỏ đi, song với quan điểm giáo dục con người bằng cả niềm tin và tình yêu thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã cảm hoá, đã mở lối để họ trở thành những con người có ích cho xã hội.
Tuyên Quang quê hương tôi, nơi từng một thời là Thủ đô khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến, học tập và làm theo lời dạy của Bác, đã có nhiều việc làm thiết thực trong cải tạo, giáo dục những người lầm lỗi. Câu chuyện về vợ chồng anh Trung và chị Chinh ở xóm 1, xã Ỷ La, thị xã Tuyên Quang là một minh chứng cụ thể. Sa vào tệ nạn ma tuý khi còn trẻ tuổi, mãn hạn tù trở về, anh chị được gia đình, bà con lối xóm, bạn bè và các đoàn thể động viên, được chính quyền các cấp và địa phương tạo điều kiện cấp đất, cho vay vốn... để anh chị làm lại cuộc đời. Đến nay họ đã trở thành một chủ trang trại nuôi cá sấu và một cơ sở cung ứng vật liệu xây dựng cho thị trường trong tỉnh. Cuộc sống của anh chị Trung-Chinh và những người như họ đựoc hồi sinh cũng bởi trong lòng họ có mầm sống, mầm sống ấy được nuôi lớn lên bằng ánh sáng của niềm tin, tình thương và lòng bao dung của mọi người.
Trường CĐSP Tuyên Quang, nơi tôi đang công tác đã rất chú trọng rèn luyện đạo đức nhà giáo, có nhiều việc làm thiết thực để thực hiện cuộc vận động "Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm". Nhiều tấm gưong như cô Bùi Thị Từ, cô Chu Mai Tiến, cô Nguyễn Thị Hải... hết lòng yêu thương, dìu dắt, giúp đỡ sinh viên của mình tu dưỡng và rèn luyện và học tập. Em Khuất Mạnh Toàn, sinh viên lớp Cao đẳng tiểu học khoá I, từng có những vi phạm khuyết điểm, nhưng đã được các thầy cô đem tình thương trách nhiệm khuyên bảo, rèn luyện, nên đên nay đã Toàn đã trở thành một giáo viên được mọi người tin yêu, quý mến.
Là một giáo viên trẻ, thấm thía bài học đạo đức về tình yêu thương bao la của Bác Hồ qua câu chuyện "Nắng chiếu sương tan", tôi luôn xác định: người thầy phải có tri thức, nhân cách, đạo đức, trình độ, chuyên môn nhưng phải có tấm lòng "tất cả vì học sinh thân yêu" và biết trao cho các em niềm tin và lòng hướng thiện. Tôi tự nhắc nhủ: Hãy tin tưởng ở các em, dù họ có trhể có những vấp ngã, sai lầm, nhưng các em sẽ biết đứng dậy khi gia đình, thầy cô, bạn bè luôn ở bên cạnh động viên và dìu dắt họ, không bỏ rơi họ. Tôi tự nghiệm thấy một điều tưởng chừng như đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa, đó là: Khi trao cho ai đó niềm tin và tình yêu thương, ta sẽ nhận lại đựoc gấp nhiều lần những tình cảm thiêng liêng ấy. Cuộc đời của Bác đã để lại cho chúng ta biết bao câu chuyện về tấm gương đạo đức sáng ngời của Người. Mỗi câu chuyện là một bài học mà mỗi người trong chúng ta phải suy ngẫm và làm theo.
Thí sinh Phàng A Trìa, 26 tuổi, dân tộc Mông (xã Chiềng Xuân, huyện Mộc Châu, Sơn La):
Chuyện về Bác Hồ nhiều lắm, mình chọn câu chuyện ngắn thôi nhưng mình thích nhất, đó là "câu chuyện về một con đường" để kể ở Hội thi này. Đây là một câu chuyện ngắn trong nhiều nhiều câu chuyện dài về cuộc đời, tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Câu chuyện là những lời dạy của Bác về việc đoàn kết giữa bộ đội và nhân dân địa phương...
Chiềng Xuân quê mình là một xã vùng cao biên giới có 4 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chúng mình nhiều nhất, xã mình là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mộc Châu đấy, mới được chia tách từ xã Xuân Nha đầu năm 2007. Vốn đã khó khăn rồi, lại mới chia tách nên xã mình càng gặp nhiều khó khăn về mọi mặt.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, cán bộ và nhân dân xã mình luôn biết giữ vững khối đại đoàn kết, cán bộ liên hệ chặt chẽ với nhân dân, biết dựa vào nhân dân. Bộ máy chính quyền từ xã đến bản đã tốt rồi đấy. Mọi công việc chung, cán bộ đều đem ra bàn bạc, giải thích và xin ý kiến nhân dân. Đồng bào mình cũng tham gia kiểm tra, giám sát các hoạt động của bộ máy chính quyền mà... Làm như vậy là để phát huy sức mạnh của toàn dân trong mọi công việc, cũng là góp phần bảo vệ vững chắc tuyến biên giới Tây Bắc của Tổ quốc.
Từ khi thành lập đến nay, xã Chiềng Xuân của mình đã kết nạp thêm được 15 đảng viên và có thêm 3 chi bộ nữa, tất cả các bản trong xã đều có đảng viên rồi. Làm theo lời Bác, Đảng uỷ xã đã quan tâm đến phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội rất đúng và tốt, vì thế đã góp phần cải thiện, nâng cao cuộc sống vật chất và tinh thần cho đồng bào. Nhờ có cán bộ vận động, hướng dẫn nên đồng bào Mông biết thâm canh lúa nước, trồng ngô lai và biết cách chăm sóc, bón phân, biết cách chăn nuôi, phòng chữa dịch bệnh cho trâu bò, lợn gà, biết thay giống cũ từ ngày xưa bằng giống mới bán được với giá cao hơn và thu được nhiều tiền hơn, đồng bào cũng bỏ tập quán du canh du cư để ổn định sản xuất và đời sống.
Xã mình đã có trường, lớp học và nơi ở cho học sinh bán trú, các cháu rất yên tâm học tập. Nhân dân đã được khám, chữa bệnh kịp thời ở trạm y tế xã và y tế bản, đồng bào không còn mời thầy cúng, thầy mo đến chữa bệnh khi ốm đau nữa đâu. Đến nay đời sống của nhân dân xã mình ngày càng được nâng lên, số hộ nghèo giảm rồi; an ninh, trật tự được giữ vững, tình đoàn kết giữa nhân dân xã Chiềng Xuân (Việt Nam) và bản Huổi Hiền (nước bạn Lào) ngày càng gắn bó. Đồng bào mình tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, không nghe lời kẻ xấu xúi giục, chia rẽ đâu.
Là một đoàn viên thanh niên dân tộc Mông ở vùng biên giới còn nhiều khó khăn, tuy còn nhiều thiếu thốn, vất vả nhưng mình không tự ti, không buồn đâu, mình sẽ càng cố gắng học tập, phấn đấu vươn lên, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tri thức và sức khoẻ... Mình luôn liên hệ mật thiết với đoàn viên, thanh niên, hoà mình với quần chúng nhân dân, khơi dậy tình đoàn kết thương yêu giúp đỡ để cùng nhau phát triển tại địa phương.... Đó là cách thiết thực nhất để mình học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ.
Sau Hội thi này mình sẽ tiếp tục vận động mọi người cùng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Mình hứa sẽ luôn là một tuyên truyền viên tiếp tục kể nhiều câu chuyện về Bác cho các đồng chí, đồng nghiệp, đoàn viên, thanh niên, các cháu thiếu niên, nhi đồng và nhân dân cùng nghe...
Đồng bào dân tộc Mông ở xã Chiềng Xuân chúng mình rất yêu Bác Hồ, tin tưởng Đảng, đoàn kết, cần cù lao động, chung xây cuộc sống mới, không nghe lời kẻ xấu xúi giục, tuyên truyền về "Vương quốc Mông", không di dịch cư tự do. Trong đồng bào mình còn nhiều người chưa thạo tiếng phổ thông đâu, vì vậy, mình đã dịch lời bài hát "Nhớ ơn Hồ Chí Minh" (nhạc sĩ Tô Vũ) sang tiếng Mông cho các bạn đoàn viên, thanh niên và đồng bào cùng hát trong các buổi sinh hoạt tập thể và các dịp lễ hội đấy. Mình làm vậy vì muốn đồng bào hiểu hơn về Bác, thêm yêu Bác, yêu Đảng. Đó chính là tình cảm, lòng biết ơn của mình cũng như đồng bào các dân tộc xã Chiềng Xuân đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu./.
Minh Thế thực hiện