Từ đầu năm 2008, triển khai thực hiện Cuộc vận động, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc rất chú trọng rèn đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức về lề lối, tác phong công tác, từ những việc nhỏ để làm gương cho quần chúng
Tuần trước, tôi được dự hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội” do Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức. Đến hội trường trước 30 phút, tôi thấy các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đang trực tiếp chỉ đạo nhân viên làm việc, hướng dẫn đại biểu ngồi đúng vị trí quy định cho từng cơ quan, đơn vị. Đúng giờ khai mạc, cả hội trường khoảng 200 đại biểu đã ngồi nghiêm túc, trật tự, không có tình trạng bỏ ghế phía trước, ngồi ghế phía sau nên hội nghị tiến hành được ngay, không tốn thời gian nhắc nhở, chỉnh đốn.
Điều khiến tôi bất ngờ là không khí hội nghị đang nghiêm túc là thế, nhưng ngay sau giờ giải lao, đồng chí Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy trước khi phát biểu đã thẳng thắn phê bình một số đại biểu trốn họp. Đồng chí đọc tên từng đại biểu vắng mặt không có lý do và yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan phải tổ chức kiểm điểm, báo cáo với Thường vụ Tỉnh ủy (lúc này tôi mới để ý, trong hội trường có một số ghế trống). Nghe đồng chí Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy phân tích, các đại biểu dự hội nghị rất thấm thía. Trong khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xác định đổi mới lề lối, tác phong công tác là một trong hai nội dung trọng tâm cần thực hiện trong năm 2008, thì một số cán bộ chủ trì lại thiếu gương mẫu.
Trao đổi với đồng chí Nguyễn Đức Tẩm, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, tôi được biết: Từ đầu năm 2008, triển khai thực hiện Cuộc vận động, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc rất chú trọng rèn đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức về lề lối, tác phong công tác, từ những việc nhỏ để làm gương cho quần chúng.
Là phóng viên, được dự nhiều hội nghị, tôi thường gặp tình trạng một số đại biểu ngồi không đúng vị trí theo quy định của Ban tổ chức, nói chuyện riêng, thậm chí trốn họp… nhưng ít thấy người chủ trì hội nghị nhắc nhở, phê bình như tại hội nghị nêu trên của tỉnh Vĩnh Phúc. Vì thế, tình trạng thiếu nghiêm túc trong hội họp, trong làm việc chưa được khắc phục triệt để, cứ dây dưa kéo dài.
Chúng tôi hy vọng, ngày càng có nhiều cơ quan, đơn vị nghiêm khắc rèn cán bộ ngay từ những việc nhỏ như ở tỉnh Vĩnh Phúc để Cuộc vận động đạt được hiệu quả như mong muốn.
Theo MINH HUY- QĐND