Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 12/3/2019 10:39'(GMT+7)

Môi trường của trẻ em

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Gần đây, bắt đầu có rất nhiều phụ huynh chia sẻ với nhau nỗi âu lo thực sự xung quanh cái gọi là "thử thách Momo" được lồng ghép trong các nội dung trên Youtube. Nỗi âu lo ấy thậm chí còn trở thành một sự ám ảnh khi nhiều thông tin cho rằng "thử thách Momo" xúi giục trẻ em tự làm hại bản thân mình (cắt tay, cắt chân) và thậm chí, đã có trường hợp tự sát ở Argentina hồi mùa hè 2018.

Thực tế, đa số những người bàn luận về cái gọi là "thử thách Momo" này chưa tận mắt xem một đoạn nội dung nào của nó cả. Và chính sự mơ hồ về một mối đe dọa lại càng khiến tâm lý hoảng sợ hơn, đồng thời khiến mối đe dọa ấy càng có vẻ nguy hiểm hơn.

Hãy quay trở lại với Youtube, cùng một thông tin có thật, đã được kiểm chứng và được truyền thông rộng rãi cách đây khoảng 2 năm. Tháng 11/2017, hàng loạt nhãn hiệu lớn như Adidas, Deutsche  Bank, Amazon, eBay, TalkTalk… đã tuyên bố rút các quảng cáo của họ trên các nền tảng mạng xã hội do Google quản lý. Hệ thống mạng lưới quảng cáo trực tuyến của Google (Google AdNetwork) đã chèn các quảng cáo của các nhãn hàng theo thuật toán mà không kiểm soát được nội dung lồng ghép quảng cáo là gì.

Và khi các chuyên gia xã hội học châu Âu lên tiếng về chuyện hiện nay trên Youtube đang tồn tại quá nhiều video có tính chất ấu dâm với lượt xem lên tới hàng triệu đang được nuôi sống bởi quảng cáo chèn vào nội dung của các nhãn hàng trên, các nhãn hàng mới giật mình và có phản ứng lập tức.

Ví dụ như Adidas, họ rút các quảng cáo với tuyên bố "đó là hành vi (chèn quảng cáo vào nội dung ấu dâm) không thể nào chấp nhận được". Còn Mars, hãng có 4 thương hiệu đang quảng cáo trên Youtube thì phản ứng quyết liệt hơn "chừng nào vấn nạn này chưa được giải quyết triệt để thì chúng tôi sẽ không quảng cáo trên Youtube nữa".

Phát biểu về scandal này, Tim Loughton, một thành viên của Bộ Nội vụ Vương quốc Anh đã nhấn mạnh rất mỉa mai rằng "Vâng, khi mà Youtube lúc nào cũng hùng hồn tuyên cáo rằng họ kiểm duyệt gắt gao các nội dung cho trẻ em thì trên thực tế, chẳng thấy họ có hành động nào tương xứng với tuyên cáo cả. Nền tảng của họ thực sự đã trở thành một nơi vô cùng nguy hiểm khi là một kênh bán hàng hiệu quả cho tệ nạn ấu dâm".

Scandal cuối 2017 kể trên của các nội dung trên Youtube nếu được phóng chiếu tới nỗi ám ảnh sợ hãi mang tên "thách thức Momo" hôm nay, chúng ta sẽ nhận thấy các cáo buộc cho nền tảng này quả thực không phóng đại. "Thử thách Momo" được lồng ghép vào chính trong các nội dung của kênh Peppa Pigs, một kênh hoạt hình được định danh dành cho trẻ em (Kid's chanel).

Ngày nay, chúng ta thật dễ dàng gặp cảnh cha mẹ sẵn sàng đưa điện thoại thông minh hay máy tính bảng cho con cái mình giải trí. Các bậc phụ huynh vốn đinh ninh rằng "À, chỉ cho chúng xem các kênh cho trẻ em mà thôi" và phó mặc sự an nguy vào việc phân loại kênh của đơn vị phát triển nền tảng.

Nhưng khi mà các nền tảng mạng xã hội thực chất là cái siêu thị nội dung do chính mỗi người dùng là một người kiến tạo nội dung phát hành, việc đính nhãn nội dung ấy cho trẻ em hay người lớn lại nằm trong tay của cộng đồng, và chỉ được kiểm soát lại bằng các công cụ thuật toán chứ không phải sự đánh giá gắt gao có cảm xúc của con người.

Chưa nói đến chuyện trẻ em có gặp phải nội dung độc hại hay không, cũng chẳng cần nhắc lại tác hại của việc dán mắt vào màn hình quá lâu, chúng ta hãy nhìn vào hệ lụy cơ bản nhất hôm nay cho trẻ em trước đã. Đó là trẻ dùng máy tính bảng, điện thoại thông minh quá nhiều tất nhiên sẽ đắm chìm trong một môi trường ảo mà bỏ quên môi trường sống thực sự xung quanh mình.

Hãy thử đặt câu hỏi cho những đứa trẻ đô thị ở cỡ tuổi từ 8-10 về phân loại các loại cây trồng quen thuộc xung quanh nhà mình, chúng ta sẽ hiểu trẻ em hôm nay thua xa thế hệ đi trước về việc nhận biết môi trường xung quanh thế nào. Và khi những thường thức nhỏ nhặt ấy mà trẻ cũng bỏ qua, chúng sẽ lớn lên có thể với một sự "thông minh ảo" cùng một sự xuẩn ngốc chắc chắn về những thực tế quanh mình.

Và trách nhiệm, tất nhiên, chính là của phụ huynh. Riêng vấn đề này, không thể đổ lỗi cho nhà trường, cho thời đại hay bất kỳ lý do khách quan nào khác./.

Văn Đoàn (Văn nghệ Công an)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất