Theo thống kê của Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an: Cả nước hiện có 334 khu công nghiệp (CN), khu chế xuất (CX), cụm CN với tổng diện tích 90.900 ha.
Trong đó, 232 khu CN đã đi vào hoạt động, nhưng chỉ mới có hơn 143/232 khu CN xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và 30 khu CN đang xây dựng hệ thống này. Các khu CN thải ra tổng lượng nước thải khoảng hơn 1 triệu m3/ngày đêm, nhưng có tới 75% lượng nước thải chưa được xử lý và xả trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
* Những đoạn sông chết
Nước thải của khu CN gồm hai loại chính: Nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất. Nước thải sinh hoạt thường ổn định. Còn nước thải sản xuất, nước thải CN chỉ xác định được ở từng loại hình và công nghệ sản xuất cụ thể. Nước thải từ các khu CN có thành phần đa dạng, chủ yếu là các chất lơ lửng, chất hữu cơ, dầu mỡ và một số kim loại nặng. Trong những năm gần đây, chất lượng nước mặt tại những vùng chịu tác động của nguồn nước thải từ các khuCN đã suy thoái, đặc biệt tại các lưu vực sông Đồng Nai, Sông Cầu, Sông Nhuệ và sông Đáy.
Theo Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an: Rất nhiều khu CN đã đi vào hoạt động mà hoàn toàn chưa triển khai xây dựng hạng mục bảo vệ môi trường, xử lý chất thải công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều khu CN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng tỷ lệ đấu nối với các doanh nghiệp trong khu CN còn thấp. Nhiều nơi, doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ nhưng không vận hành hoặc vận hành không hiệu quả. Thực trạng trên đã dẫn đến việc phần lớn nước thải của các khu CN khi xả ra môi trường đều có các thông số ô nhiễm cao hơn nhiều lần so với quy chuẩn Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Văn Phước, Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐHQG TP.HCM cho biết, kết quả phân tích mẫu nước thải từ các khu CN cho thấy, hàm lượng cặn lơ lửng trong nước thải khu CN thường xuyên vượt ngưỡng cho phép; các chất lơ lửng (SS) cao hơn quy chuẩn Việt Nam từ 2 lần (như khu CN Hòa Khánh) đến hàng chục lần (khu CN Điện Nam - Điện Ngọc). Giá trị các thông số BOD5, COD tại cống xả các khu CN thường ở mức khá cao (800 mg/l khu CN Lê Minh Xuân, 450mg/l khu CN Tân Bình). Chẳng hạn, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là khu vực tập trung khu CN nhiều nhất cả nước. Các hoạt động sản xuất từ các khu CN này đã thải vào môi trường nước một lượng lớn nước thải với nồng độ chất ô nhiễm cao, gây hiện tượng các “đoạn sông chết”.
Còn đại diện Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP.Hồ Chí Minh (PC49 HCM) cũng chia sẻ, tình hình ô nhiễm nguồn nước tại các quận ven, huyện ngoại thành thành phố, nơi đặt các khu, cụm CN đã trở nên rất nghiêm trọng. Nhiều kênh rạch như kênh Tham Lương, kênh Ba Bò, kênh Thầy Cai, kênh An Hạ, … đang được coi là những dòng “kênh chết” vì dòng chảy chở theo lượng nước thải khổng lồ và rác thải đủ loại và do một lượng nước thải khá lớn từ hoạt động sản xuất CN ở một số KCN đổ về các sông, kênh rạch thuộc địa phận thành phố
* Vẫn “ngầm” vi phạm
Theo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP.Hồ Chí Minh, từ năm 2010 đến ngày 15/5/2012, đơn vị đã phát hiện 275 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động trong lĩnh vực CN (chủ yếu tại các KCN, KCX, cụm CN) vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn hóa chất. Kết quả, lực lượng cản sát môi trường đã xử lý 228 tổ chức và cá nhân vi phạm, trong đó có 3 chủ đầu tư hạ tầng, với tổng số tiền hơn 12 tỉ đồng và đang tiếp tục xử lý 27 vụ.
Các vi phạm chủ yếu là không thực hiện các nội dung như đã cam kết trong đầu tư mới, đề án, bản cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, xả thẳng nước thải chưa qua xử lý, hoặc xử lý nước thải cục bộ không đạt tiêu chuẩn. Có doanh nghiệp xả lén nước thải ra ngoài môi trường dù có hợp đồng dịch vụ xử lý nước thải với khu CN, không có giấy phép xả thải. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp xây dựng hệ thống cống ngầm để xả nước thải chưa qua xử lý ra sông, kênh rạch như công ty Hào Dương, công ty Phạm Thu, công ty Tường Trung, công ty Tân Nhật Dũng. Khu CN xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng không xây dựng hệ thống thu gom đấu nối nên không thể vận hành như khu CN Tân Phú Trung, một số công ty đầu tư hạ tầng không vận hành hệ thống xử lý nước thải, xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra môi trường như khu CX Linh Trung, khu CN Tân Thới Hiệp, khu CN Cát Lái, cụm CN Nhị Xuân.
Còn tại tỉnh Bình Dương, việc quản lý, vận hành các trạm xử lý nước thải tập trung ở một số khu CN chưa tốt, việc đấu nối nước thải từ các doanh nghiệp trong khu CN với hệ thống xử lý nước thải tập trung chưa triệt để. Một vài doanh nghiệp dù có đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng không vận hành mà chỉ đầu tư nhằm mục đích đối phó khi cơ quan chức năng kiểm tra. Thậm chí, có tình trạng một số doanh nghiệp đầu tư khu CN lợi dụng trời mưa xả nước thải chưa qua xử lý ra các kênh, rạch thoát nước, gây bức xúc trong nhân dân, dẫn đến nguồn nước mặt trên các tuyến sông, suối, kênh rạch bị ô nhiễm rất nghiêm trọng, điển hình như kênh Ba Bò, kênh D, sông Thị Tính, sông Đồng Nai, suối Ông Đông (Tân Uyên), suối Điệp (Dĩ An).
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Phước, Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐHQG TP.HCM: Nước thải chứa chất hữu cơ vượt quá giới hạn cho phép sẽ gây ra hiện tượng phú dưỡng, làm giảm lượng oxy trong nước, các loài thủy sinh bị thiếu oxy dẫn đến một số loài bị chết hàng loạt. Sự xuất hiện của các độc chất như dầu mỡ, kim loại nặng, các loại hóa chất trong nước sẽ tác động đến động thực vật thủy sinh và đi vào chuỗi thức ăn trong hệ thống sinh tồn của các loài sinh vật, cuối cùng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Ô nhiễm nước sông Thị Vải là một trong những điển hình về ô nhiễm môi trường công nghiệp gây tác động trực tiếp tới hệ sinh thái nước sông, gây những tổn hại đáng kể đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp và bệnh tật. Nước thải từ các khu công nghiệp không được xử lý gây ô nhiễm nước mặt và nước ngầm, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước cấp và có thể thông qua chuỗi thức ăn gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người. Các bệnh chủ yếu liên quan đến chất lượng nước là bệnh đường ruột, các bệnh do kí sinh trùng, vi khuẩn, vi rút, nấm mốc,… các bệnh do côn trùng trung gian và các bệnh do vi yếu tố và các chất khác trong nước như bệnh bướu cổ địa phương, bệnh về răng do thiếu hoặc thừa fluor, bệnh do nitrat cao trong nước, bệnh Minamata (ở Nhật Bản), bệnh Itai (ở Ấn Độ) do nhiễm các độc chất hóa học trong nước.
* Cần chế tài mạnh hơn
Đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường nhấn mạnh, tình trạng vi phạm xử lý chất thải, nước thải của các khu CN vẫn diễn ra vì các phòng cảnh sát môi trường chưa phối hợp đồng bộ với các cơ quan chức năng khác, đến khi phát hiện vi phạm, không thể quy trách nhiệm về đơn vị quản lý nào. Do đó, để tránh cách quản lý lỏng lẻo, lực lượng cảnh sát phòng chống môi trường tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng như Bộ Tài nguyên & Môi trường, Sở Tài nguyên & Môi trường, Ban Quản lý các khu CN để nắm tình hình và kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường từ khi quy hoạch, xây dựng hạ tầng khu CN.
Theo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an Bà Rịa Vũng Tàu, trong những năm gần đây, tình hình chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong các khu CN đã được cải thiện đáng kể; số vụ vi phạm bị phát hiện xử lý giảm dần; tính chất, mức độ vi phạm cũng giảm hơn vì cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, giám sát để phát hiện, xử lý sai phạm của doanh nghiệp, chấn chỉnh sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý; hơn nữa, mức xử phạt hành chính trong bảo vệ môi trường theo nghị định 117 cao hơn nghị định 81 nên các doanh nghiệp đã quan tâm hơn việc xây dựng công trình xử lý môi trường, quản lý chất thải.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cho biết: Cục đang phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng Pháp lệnh môi trường. Theo đó, đến ngày 1/7/2013, nếu có những hành vi gây ô nhiễm môi trường sẽ bị phạt lên đến 2 tỉ đồng.
Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Tp.HCM khẳng định, Sở sẽ kết hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát môi trường C49 để xử lý, không để tình trạng vi phạm xảy ra. Sở sẽ không chấp nhận doanh nghiệp không chịu đầu tư hệ thống xử lý xả thải và sẽ phối hợp với các chuyên viên đầu ngành để xử phạt đúng người, đúng tội./.
Hồng Nhung - TTXVN