Thứ Tư, 2/10/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 6/8/2010 15:35'(GMT+7)

Môi trường xã hội làm tăng tội phạm học sinh - sinh viên

Những hình ảnh các em học sinh mặc đồng phục, quàng khăn đỏ thản nhiên chơi game quanh cổng trường đã không còn xa lạ

Những hình ảnh các em học sinh mặc đồng phục, quàng khăn đỏ thản nhiên chơi game quanh cổng trường đã không còn xa lạ

Bộ GD&ĐT cho biết, trong năm 2009 có khoảng 9 nghìn vụ tội phạm do học sinh sinh viên và thanh thiếu niên gây ra, giảm 9,6% so với năm 2008 nhưng tính chất phạm tội lại ngày càng nghiêm trọng. Nổi cộm là các vụ việc xảy ra gần đây như vụ nữ sinh viên sư phạm cắt cổ người yêu trên ôtô, vụ Nguyễn Đức Nghĩa giết người man rợ và phi tang xác người yêu để cướp tài sản ở Hà Nội… Đặc biệt vụ phạm tội của My sói và đồng bọn là một minh chứng điển hình đáng báo động về lối sống và tác động nguy hiểm của game o­nline, cờ bạc, cá độ… đối với một bộ phận học sinh sinh viên.

 

Trong xu thế xã hội đang ngày càng phát triển, cùng với quan niệm không đúng về lối sống, một bộ phận học sinh tôn thờ giá trị vật chất. Và hệ quả của lối sống này là sao nhãng học tập, thích thể hiện bản thân một cách thái quá; quan hệ yêu đương quá sớm, không lành mạnh; gian lận trong học tập và thi cử; thiếu ý thức tuân thủ pháp luật…

 

Dịch vụ kinh doanh nhạy cảm gây ảnh hưởng lớn tới học sinh


Theo Vụ Công tác Học sinh sinh viên, đáng chú ý là tình trạng hàng quán, lô đề, dịch vụ Internet (chat, game o­nline, các trang web đồi trụy, bạo lực), dịch vụ cầm đồ, cho vay nặng lãi diễn ra hằng ngày đang ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường giáo dục và làm gia tăng các loại tội phạm nguy hiểm trong học sinh sinh viên.

 

Thống kê từ Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - Công an thành phố, hiện nay có rất nhiều dịch vụ kinh doanh như trên đang “vây” các cổng trường, quanh khu vực có đông học sinh, sinh viên học tập và sinh sống. Nếu chiếu theo Nghị định số 11/2006 của Chính phủ thì những cửa hàng kinh doanh dịch vụ như vũ trường, karaoke, internet phải cách những nơi như trường học, bệnh viện, tôn giáo… 200 mét nhưng trên thực tế thì hoàn toàn không phải như vậy.

 

Nhiều học sinh, sinh viên do thiếu sự quản lý của gia đình, nhà trường nên đã lao vào những dịch vụ này mà không lường trước được hết hậu quả có thể xảy đến. Với những phức tạp của các mối quan hệ xã hội, cái xấu luôn lên lỏi ở những tụ điểm ăn chơi, dịch vụ nhạy cảm, nếu không biết giữ mình, phân biệt tốt xấu và có bản lĩnh vượt qua, sinh viên, học sinh sẽ rất dễ gục ngã.

 

Sống thử gây hậu quả cho sinh viên

 

Tình trạng học sinh sinh viên “sống thử”, ăn ở với nhau như vợ chồng cũng đang là vấn đề đáng quan tâm xảy ra nhiều ở đối tượng học sinh sinh viên ngoại trú. Thực tế cho thấy, từ việc “sống thử” đã có nhiều vụ việc học sinh sinh viên phải nghỉ học giữa chừng để sinh con, nguy hiểm hơn là các vụ mâu thuẫn, đánh ghen, giết người yêu gây hậu quả đau lòng… Khi mà giới trẻ đang càng ngày coi nhẹ chuyện sống thử thì chuyện bạo lực giữa các đôi “vợ chồng” này sẽ còn gây nhiều bức xúc cho dư luận.

 

Bác sĩ Nguyễn Thu Giang cho biết hiện nay có nhiều bạn trẻ đã quan hệ tình dục mà không tính đến tất cả những yếu tố trên. Hậu quả đầu tiên là sức khỏe sinh sản. Chưa được chuẩn bị kỹ về tâm, sinh lý, các bạn trẻ dễ bị tổn thương về mặt tình cảm, thể chất... Hậu của các cuộc tình “sống thử” là việc nạo phá thai chui cùng với các căn bệnh lây truyền qua đường tình dục, các viêm nhiễm đường sinh sản, tai biến của nạo hút thai... dẫn đến vô sinh.

 

Bên cạnh đó, những tổn thương về mặt tinh thần cũng không thể thấy ngay trước mắt. Hậu sống thử, các bạn nữ sẽ cảm thấy mất tự tin trong cuộc sống. Các bạn nam, nếu là người có trách nhiệm, sẽ không khỏi áy náy khi vì nhiều lý do không thể tiến tới hôn nhân.

 

Cũng nói về mặt “tốt”, “xấu” của sống thử, TS tâm lý học Trương Thị Bích Hà cho biết, sống thử sẽ xấu và rất xấu khi họ đến với nhau chỉ vì tò mò, vì tiết kiệm, vì người khác sống thử thì mình cũng sống thử và chỉ để thỏa mãn dục vọng nhất thời.


Ảnh minh họa 

Hậu quả của những cuộc sống thử là những tổn thương về mặt tinh thần cũng không thể thấy ngay trước mắt 

 

***

 

Bên cạnh nguyên nhân từ phía gia đình, xã hội, các nhà giáo dục vẫn khẳng định rằng, nhà trường có trách nhiệm chính trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Lâu nay trong trường, chúng ta chỉ mới "coi" chứ chưa "trọng" việc giáo dục đạo đức, lối sống. Công tác giáo dục học sinh cá biệt bị lãng quên hoặc thực hiện không quyết liệt, việc xử lý kỷ luật trở thành phổ biến, không ít trường hợp, thay vì đối thoại với học sinh thì lại thành "đối đầu".

 

Ông Phùng Khắc Bình, nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên thừa nhận: "Một trong những nguyên nhân cơ bản làm giảm hiệu quả của việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là tình trạng nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người. Không ít nơi còn nặng về xử lý kỷ luật mà chưa có giải pháp ngăn chặn, giáo dục từ khi mới có biểu hiện. Một bộ phận thầy cô giáo, lẽ ra phải là tấm gương cho học sinh về đạo đức, lối sống thì lại vi phạm chuẩn mực đạo đức.

 

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Đoàn Thanh niên và Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm lớn nhất trước xã hội về đạo đức lối sống của học sinh. Trước mắt, Bộ đã đưa chương trình tích hợp giáo dục kỹ năng sống trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Bên cạnh đó, Bộ Công an có đề xuất mô hình liên kết "Phường - trường", kết hợp giữa chính quyền và công an địa phương để quản lý, giáo dục học sinh sinh viên, góp phần phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội.

Nhật Dương - VnMedia

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất