Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 24/6/2018 14:54'(GMT+7)

“Mong Đảng, Nhà nước phòng, chống tham nhũng quyết liệt hơn nữa“



Ngày 25/6, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác phòng, chống tham nhũng, đây cũng là dịp để nhiều cán bộ, đảng viên, người dân nói lên suy nghĩ của mình, đánh giá cao sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước ta trong công tác phòng chống tham nhũng.

Ông Đỗ Hồng Kỳ, đảng viên tổ dân phố 15 phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội bày tỏ niềm tin rất cao vào công tác phòng chống tham nhũng của Đảng. Ông Kỳ cho rằng, sau nhiều vụ việc tham nhũng được Đảng, Nhà nước đưa ra xử lý kỷ luật, khởi tố trước pháp luật đã giúp lấy lại lòng tin của người dân đối với Đảng.

“Chúng tôi mong rằng, việc xử lý tham nhũng của Đảng nên tích cực hơn nữa. Phải gạt bỏ bằng được lợi ích nhóm, đã làm thì phải đến nơi đến chốn và phải thu hồi được tài sản nhà nước đã bị thất thoát, chiếm dụng do tham ô, tham nhũng” - ông Kỳ nói.

Theo ông Phạm Bá Lữ, cán bộ về hưu ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, công tác phòng chống tham nhũng của Đảng trong thời gian gần đây thể hiện rõ sự quyết tâm, quyết liệt. Khi chuyển Ban Phòng chống tham nhũng về Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo, Tổng Bí thư làm trưởng ban là một bước về mặt tổ chức được kiện toàn để phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn. Ông Phạm Bá Lữ đề nghị, công tác phòng, chống tham nhũng phải mạnh mẽ hơn nữa ở tất cả các cấp.

“Tôi thấy rằng công tác phòng, chống tham nhũng ở Trung ương đã quyết tâm nhưng xuống đến địa phương chưa thực sự quán triệt, chưa thực hiện một cách nghiêm túc. Nhiều địa phương gần như không phát hiện ra tham nhũng, phát hiện ra cũng chưa làm đến nơi đến chốn” - ông Lữ cho biết.

Cũng theo ông Lữ, ở thành phố Hồ Chí Minh, việc xử lý khúc mắc trong vấn đề khu đô thị mới Thủ Thiêm hay những vấn đề về đất đai, quy hoạch chưa đi sâu, triệt để để tìm cho ra những cá nhân tham nhũng. Một số vụ án trọng điểm đã đưa ra xét xử nhưng việc thu hồi tài sản chưa được nhiều, khiến việc chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu.

Ông Bùi Đức Sảng, ở quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh cũng mong muốn thời gian tới Đảng, Nhà nước quyết liệt hơn trong công tác phòng chống tham nhũng. “Tôi hoan nghênh sự lãnh đạo, chỉ đạo đã chuyển biến, làm tốt công tác phòng chống tham nhũng. Tôi cũng hoan nghêm việc đưa ra xét xử một số vụ tham nhũng trong thời gian qua đã mang tính răn đe và mong muốn việc làm này được duy trì thường xuyên, liên tục. Việc kê khai tài sản phải làm quyết liệt từ trung ương đến địa phương, phải công khai minh bạch thì mới có hiệu quả” – ông Bùi Đức Sảng cho biết.

Đại tá, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Hạnh Phúc, hiện đang sinh sống tại phường Tân Phong, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bày tỏ sự đồng tình, phấn khởi về kết quả của công tác phòng chống tham nhũng của Đảng ta trong thời gian qua.

Theo ông Phạm Hạnh Phúc, bên cạnh những kết quả đạt được, người dân cũng kỳ vọng những động thái tích cực hơn nữa. Ngoài việc xử lý cán bộ sai phạm thì cũng cần thu hồi bằng được tài sản tham nhũng bởi đó là tiền thuế, là mồ hôi, nước mắt của nhân dân. Trong phòng chống tham nhũng phải loại trừ bằng được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” khi mà Trung ương thì quyết liệt, còn ở một số bộ ngành và địa phương lại chưa thể hiện được hết tinh thần đấu tranh chung.

Tại Đà Nẵng, nhiều đảng viên cho rằng, phòng chống tham nhũng của Đảng đã thực sự có tác động tích cực đến mọi tầng lớp nhân dân, đến cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, việc xử lý sai phạm cần kiên quyết, thận trọng và đúng người, đúng tội để tạo niềm tin trong nhân dân.

“Trong phòng chống tham nhũng thời gian qua, tôi thấy Ban Chỉ đạo làm rất kiên quyết. Theo tôi, cần kiên quyết hơn nữa, triệt để hơn nữa. Hiện còn nhiều đảng viên sai phạm, tham nhũng chưa bị xử lý” - ông Nguyễn Văn Hoanh, Bí thư Chi bộ Khu dân cư 21, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, thành phố  Đà Nẵng nêu ý kiến.

Ông Thái Công Bình, ở Rạch Giá, Kiên Giang cho biết, ông rất tin tưởng vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư chỉ đạo. Đề cập đến vấn đề cụ thể ở địa phương mình đang sinh sống, ông Bình cho rằng Phú Quốc là điểm nóng cần được thanh tra làm rõ những sai phạm để lấy lại niềm tin cho người dân.

Theo ông Bình, thời gian qua, địa phương cũng đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra nhưng kết quả xử lý chưa đạt. Ông Bình nêu ý kiến, riêng tại Phú Quốc, ngoài thanh tra việc quản lý đất đai, Chính phủ cần thanh tra toàn diện, cả về bộ máy tổ chức lẫn những vụ việc cụ thể. Có như vậy mới  đưa Phú Quốc phát triển và đảm bảo được quyền lợi của người dân Phú Quốc./.

Theo VOV.VN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất