Chủ Nhật, 17/11/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 26/3/2011 21:43'(GMT+7)

Một bộ phận giới trẻ đang sống lệch lạc

 Đó là vì họ thiếu kỹ năng sống - kỹ năng để có thể nhận biết giá trị của bản thân, giá trị của cuộc sống và giá trị của việc sống có ích. Và việc học để sống với thái độ tích cực chính là một trong những vấn đề then chốt của giáo dục hiện nay, khi mà kiến thức cho các em đến từ gia đình, xã hội, truyền thông chứ không chỉ là trách nhiệm của nhà trường.

Tội phạm vị thành niên tăng

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, chỉ tính riêng trong năm 2010, trên địa bàn cả nước có 13.572 đối tượng phạm tội là thanh thiếu niên, trong đó 1.600 vụ học sinh đánh nhau, tăng nhiều lần so với những năm trước kể về số lượng phạm tội lẫn các vụ trọng án.

Về độ tuổi, theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội thì tình hình tội phạm do người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 60%; từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm khoảng 32% và dưới

14 tuổi chiếm khoảng 8% trong tổng số các vụ phạm tội do người chưa thành niên và trẻ em thực hiện. Về cơ cấu tội phạm, theo thống kê mới nhất của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, thì hành vi vi phạm pháp luật hình sự của người chưa thành niên tập trung nhiều nhất vào các nhóm tội xâm phạm sở hữu; xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm và danh dự con người, một số tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Trong đó tội danh trộm cắp tài sản chiếm 38%, cố ý gây thương tích chiếm 11%, đặc biệt là giết người chiếm 1,4% trong tổng số tội phạm do người chưa thành niên thực hiện.

Về địa bàn hoạt động, các vụ vi phạm pháp luật và phạm tội do người chưa thành niên thực hiện không chỉ xảy ra ở các thành phố, thị xã mà còn xảy ra ở các vùng nông thôn, kể cả vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể trên phạm vi toàn quốc thì tại các thành phố lớn, nơi kinh tế phát triển mạnh thu hút nhiều lực lượng lao động, nhiều thành phần xã hội sinh sống, thì tỷ lệ người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phạm tội chiếm tỷ lệ cao hơn và có chiều hướng tăng nhanh hơn.

Theo thống kê của Toà án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thì năm 2002 có 385 người chưa thành niên bị đưa ra xét xử, đến năm 2006 con số này là gần 700 người (tỷ lệ tăng gần 100% sau 4 năm). Tại các thành phố lớn khác như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng thì tỷ lệ này cũng cao hơn và tăng nhanh hơn các tỉnh khác.

Tính chất, mức độ vi phạm pháp luật, đặc biệt là tội phạm hình sự do người chưa thành niên thực hiện ngày càng nghiêm trọng. Nếu như những năm 2000 trở về trước, người chưa thành niên thường thực hiện các hành vi trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích không gây nguy hại lớn, thì những năm gần đây tính chất, mức độ của tội phạm lại nguy hiểm hơn, vượt quá giới hạn của độ tuổi người chưa thành niên như: hình thành các băng nhóm tội phạm có tổ chức, có cơ cấu chặt chẽ.

Thực hiện các hành vi phạm tội: giết người (trong đó có cả con giết cha mẹ, cháu giết ông bà); cướp tài sản có sử dụng vũ khí nóng; hiếp dâm; mua bán, sử dụng trái phép các chất ma tuý. Sự gia tăng về số lượng, mức độ vi phạm pháp luật của người chưa thành niên có sự khác nhau giữa các địa phương, theo đó tỷ lệ tăng nhiều nhất chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn.

Nữ sinh đánh nhau - một biểu hiện của lối sống lệch lạc. 	Ảnh: TL

Nữ sinh đánh nhau - một biểu hiện của lối sống lệch lạc. Ảnh: TL

Giải quyết bế tắc theo hướng tiêu cực

Ngày 1.4.2010, một học sinh Trường THCS Quang Trung (Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình, TPHCM) bất ngờ nhảy từ tầng 3 xuống sân trường, bị thương nặng. Ghi nhận từ nhà trường cho biết, khoảng 7 giờ 45 phút, T. vào lớp với vẻ mặt rất buồn. Lát sau, T. vùng bỏ chạy ra khỏi lớp (tầng 2) rồi chạy thẳng lên tầng 3, leo qua lan can nhảy xuống đất. Còn mẹ của nạn nhân thì cho rằng: Do bị cô giáo dạy Văn la rầy trước lớp vì bài kiểm tra bị điểm kém. Sáng 1.4, cô hiệu trưởng có mời T. lên để khuyên bảo, động viên...

Nhưng sau đó, gia đình lại nhận được tin báo về vụ “tự tử” bất thành của T. Còn theo ghi nhận chưa đầy đủ trong hai năm gần đây của Trung tâm Cấp cứu Trưng Vương - TPHCM cho biết: Phải viết kiểm điểm, mải chơi game bị bố mẹ đánh mắng... là hai trong số rất nhiều lý do gần như “vô lý” đã khiến không ít HS đã tìm đến cái chết.

Quan hệ tình dục sớm cũng là một cách “giải thoát” hay “thể hiện mình” phổ biến của giới trẻ. Minh Quân – một phó Bí thư chi đoàn lớp của trường Bùi Thị Xuân (TPHCM)-nói: Còn nhớ một dạo vụ “Vàng Anh” xôn xao học đường, mà không chỉ có “xôn xao” theo chiều hướng phê phán nhân vật chính trong clip mà sau vụ việc đó đã dấy lên trào lưu “quay clip khi hành sự” trong một bộ phận các bạn học sinh. Và họ xem đây như là một “minh chứng” cho sự sành điệu! Còn nếu ai “lên án” hành vi này liền bị xếp vào hàng “cùi bắp, củ chuối” (!?)...

Trong khi đó, theo BS Ngọc Lan – Trung tâm Kế hoạch hóa Gia đình - thì: Các bạn ngày nay đến với tình yêu (và cả tình dục) khá sớm. Trong đó, một tỷ lệ không nhỏ là do sự tò mò vốn có của tuổi trẻ, cộng thêm với lòng ham muốn và lợi dụng nhau mà các bạn không hề lường được hậu quả. Điều này được minh chứng khá hùng hồn ở những con số về tình trạng và tỷ lệ nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên tăng ngày càng cao và chưa có dấu hiệu “chựng lại”. Có thể nói, lối sống hưởng thụ và buông thả đã và đang ảnh hưởng sâu vào thế hệ 8x và 9x. BS Ngọc Lan đưa ra lời kết luận.

“Vẽ đường” để “hươu chạy” đúng hướng!

“Nhìn nhận những hiện tượng như đã nêu một cách hết sức nghiêm túc, không phải chỉ có phê phán mà phải thấy là đó là thực tế trong đời sống hiện nay” - một giảng viên khoa Tâm lý, ĐH Sư phạm TPHCM đưa ra quan điểm.

Rõ ràng, những lựa chọn về lối sống của giới trẻ hiện nay đang trở nên rất thực dụng. Song chúng ta không có quyền “ép họ” mà hãy nên bình tĩnh hơn để có cái nhìn đồng cảm với những gì giới trẻ đã và đang xử sự. Chúng ta nên đứng ở vị trí của họ, nhìn nhận mọi việc với con mắt tương đồng với giới trẻ thì mới có thể hiểu vì sao họ làm thế, thay vì đứng ngoài phán xét. Bên cạnh đó, chúng ta phải định hướng cho giới trẻ chứ không phải chỉ có ngăn chặn.

Với vấn nạn tình dục sớm trong giới trẻ, một trong những biện pháp khả thi mà rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã làm đó là nhà trường nên tổ chức giáo dục về giới tính cho HS, trong đó phải đề cập đến cả những biện pháp phòng tránh thai. Bởi như “định nghĩa” của các quốc gia tiên tiến trên thế giới thì “an toàn sức khoẻ sinh sản” phải là trẻ gái không mang bầu, giảm tỷ lệ phá thai chứ không phải là “không được quan hệ nam nữ”.

Ở nhiều nước, việc này đã trở nên rất bình thường, thậm chí trong toilete ở ký túc xá một số trường còn trang bị sẵn bao cao su... Giải pháp này phải nhìn nhận một cách đúng đắn chứ không phải là “vẽ đường cho hươu chạy” mà phải hiểu là “vẽ đường để hươu chạy đúng”... - vị giảng viên này kết luận. Toàn Thắng


Theo Lao Động
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất