Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 4/3/2009 9:56'(GMT+7)

Một cách nhìn về thành tựu cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Năm 2008, sự kiện cổ phần hoá (CPH) Vietcombank đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giới đầu tư và truyền thông. Trong điều kiện kinh tế có những khó khăn nhất định, đợt IPO của Vietcombank được đánh giá là thành công với 100% số cổ phần mang ra đấu giá được bán hết cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Nhìn chung, việc CPH Vietcombank được coi là thuận lợi ở chỗ Vietcombank có mạng lưới tinh gọn, trình độ công nghệ tiên tiến, năng lực hợp tác quốc tế và phát triển sản phẩm ở trình độ cao.

Một trong những vấn đề được đề cập nhiều nhất giai đoạn tiền CPH là “chảy máu chất xám”. Đã từng có ý kiến cho rằng Vietcombank và các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTM NN) khác là cái “lò” đào tạo miễn phí và là nơi thử nghiệm của nhiều cán bộ. Song, sau CPH mọi chuyện có vẻ đã khác. Ông Nguyễn Hữu Bằng - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ và đào tạo Vietcombank cho biết: “Kể từ khi Vietcombank chính thức cổ phần hoá (tháng 6/2008), cách tiếp cận vấn đề này đã được nhìn nhận chuyên nghiệp hơn. Công tác cán bộ như tuyển dụng, bồi dưỡng cán bộ mới, đào tạo lại được đặt ra cấp thiết hơn và luôn kịp thời đáp ứng cho những hoạt động chuyên môn quan trọng của hoạt động ngân hàng. Việc thay đổi nhận thức, sự chuyển biến một ý thức hệ của cán bộ như vậy là rất nhanh, vẫn còn nhưng không nhiều quan niệm vào làm việc trong một cơ quan nhà nước để hưởng lương và yên vị mãi. Hơn nữa, thế hệ cán bộ trẻ hiện nay cũng rất năng động, luôn muốn được thử sức ở những môi trường khắc nghiệt khác nhau. Vietcombank đang và sẽ là một môi trường như thế. Sau giai đoạn kinh tế khó khăn như vừa qua, đặc biệt là sự ra đời hàng loạt các NH thương mại cổ phần, nhân lực trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng bị xáo trộn nghiêm trọng trước những lời mời gọi hấp dẫn về lương, thưởng và cổ phiếu ưu đãi...

Ông Nguyễn Phước Thanh - Tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ: Trong mọi điều kiện, Vietcombank luôn đảm bảo có bộ máy tinh gọn và hoạt động tốt nhất. Thành công lớn nhất của chúng tôi thời gian qua là đã làm thay đổi nhận thức trong phần lớn cán bộ, đó là sự nhận thức về quy luật đào thải khắc nghiệt của hoạt động kinh tế. Trong năm 2008, toàn hệ thống Vietcombank đã tuyển dụng mới tới gần 1.000 cán bộ, nhưng bộ máy của Vietcombank hiện nay vẫn được đánh giá là tinh gọn, hoạt động hiệu quả nhất hệ thống ngân hàng, chỉ với khoảng 9.000 người.

Một vấn đề nữa là chính sách khách hàng, đã có lúc Vietcombank bị coi là đang “gặm nhấm” thương hiệu của chính mình bởi cách đối xử không được chuyên nghiệp của nhân viên giao dịch với khách, của các bộ phận chuyên môn (như tín dụng, cho vay tiêu dùng, cho vay ưu đãi …) khi tiếp nhận hồ sơ và nguyện vọng của khách hàng. Các vấn đề như giải quyết chậm, thủ tục rườm rà, thiếu quan tâm, nhiệt tình với khách cũng đã được phản ánh. Nhận thức rõ được vấn đề đó, Vietcombank quyết tâm cải tổ triệt để hoạt động cả hệ thống. Đề án Tái cơ cấu Vietcombank được xây dựng, thực hiện thành công cũng đã mang đến một bộ mặt mới cho ngân hàng, làm thay đổi quan trọng hình ảnh VCB trong mắt khách hàng. Trên cơ sở đó, Vietcombank là ngân hàng duy nhất được Chính phủ lựa chọn để tiến hành CPH thí điểm. Từ một NHTM NN thuần tuý, Vietcombank trở thành một Ngân hàng TMCP và bắt nhịp kịp thời với những diễn biến mới của thị trường tài chính - ngân hàng trong nước và quốc tế. Với chính sách linh hoạt, Vietcombank đã tiếp cận tới mọi thành phần kinh tế, mọi lĩnh vực kinh doanh với những sản phẩm mang tính đột phá như: VCB Money, Internet Banking; Quản lý vốn tập trung; Đầu tư tự động… ; đồng thời phát triển đa dạng các sản phẩm bán lẻ hướng tới khách hàng cá nhân, điển hình như Money Gram; các dịch vụ thẻ và thanh toán điện tử như VCB-iB@nking, Internet Banking, thanh toán hoá đơn tự động; các dịch vụ cho vay cá nhân…với thủ tục ngày càng đơn giản và hỗ trợ tối đa cho khách hàng.

Đặc biệt trong giai đoạn kinh tế khó khăn, Vietcombank luôn là ngân hàng tiên phong trong việc hạ lãi suất cho vay, áp dụng chính sách cho vay ưu đãi với lãi suất thấp đặc biệt đối với nhiều khách hàng, dành những khoản tín dụng lớn cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển kinh tế.

Trong định hướng trở thành tập đoàn tài chính ngân hàng đa năng, Vietcombank hiện đang sở hữu hệ thống dịch vụ tài chính cung ứng nội địa lớn và có mối quan hệ đại lý nhiều nhất với gần 1.300 ngân hàng trên toàn cầu.

Ông Nguyễn Phước Thanh cho biết: “Năm qua là một năm khó khăn chung của nền kinh tế. Với Vietcombank, việc chuyển đổi sang hoạt động cổ phần nhưng vẫn đảm bảo kinh doanh ổn định, phát triển hiệu quả là do Vietcombank đã có bước chuẩn bị tốt, hoạt động không bị xáo trộn do cán bộ đã được chuẩn bị kỹ về tâm lý đồng thời được tập huấn phù hợp trong điều kiện và tình hình mới. Chính sách khách hàng cũng đã được Vietcombank thay đổi linh hoạt, giúp cho việc khách hàng tiếp cận dịch vụ được thuận tiện và hiệu quả hơn. Chỉ tính đến tháng 11/2008, về cơ bản Vietcombank đã hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra, với mức lãi sau thuế là trên 3.000 (ba nghìn) tỷ đồng chắc hẳn là con số hết sức có ấn tượng, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao như vừa qua. Kết quả đó cũng khẳng định tính chất quan trọng của cổ phần hoá Doanh nghiệp nhà nước, không thể nói là không hiệu quả.

Công tác thông tin, truyền thông và quan hệ công chúng của ngân hàng cũng là vấn đề lớn, đặc biệt với số lượng cổ đông rất lớn của Vietcombank hiện nay (khoảng 15.000 cổ đông). Tuy nhiên, với chiến lược kinh doanh đúng đắn mang lại kết quả kinh doanh cao như năm 2008 vừa qua chắc chắn sẽ là những con số thuyết phục nhất đối với đại đa số cổ đông của Vietcombank - ông Nguyễn Phước Thanh cho biết.

Vietcombank đã chuyển đổi mô hình hoạt động sang cổ phần nhưng việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế thì đã bắt đầu từ cách đây gần 10 năm. Công tác quản trị, điều hành của Vietcombank cũng đang có những chuyển biến tích cực; linh hoạt hơn, chủ động hơn, thực chất và hiệu quả hơn, theo sát và thích ứng kịp thời với diễn biến thực tế của thị trường.

“Trong thời gian tới những sự cố như liên quan đến dịch vụ như rút tiền, thanh toán tự động…sẽ được khắc phục triệt để hơn, công tác chăm sóc và phục vụ khách hàng sẽ ngày càng được đẩy mạnh quan tâm. Chúng tôi tin rằng các khách hàng hiện nay cũng sẽ có cách tiếp cận vấn đề hiện đại hơn, đó là nhận thức tổng quan về việc xã hội hoá các dịch vụ tài chính ngân hàng mà Vietcombank nói riêng và các ngân hàng nói chung mang lại để phát triển các phương tiện thanh toán hiện đại, an toàn và văn minh” - một lãnh đạo Phòng Thẻ Vietcombank cho biết.

Vietcombank còn rất nhiều công việc lớn trước mắt như hoàn thiện cơ chế chính sách cho hoạt động của một NH TMCP non trẻ; tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài; lựa chọn thời điểm niêm yết cổ phiếu…. Khép lại một năm tài chính 2008 đầy khó khăn vẫn dễ nhận ra ở Vietcombank một sức mạnh nội tại, một tiềm năng phát triển lớn mạnh, một hình ảnh ngân hàng Việt Nam, như Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu đã nhận định (tại Hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm 2008 của VCB): “Qua hình ảnh và hiệu quả hoạt động, Vietcombank đã tạo uy tín cho hệ thống ngân hàng Việt Nam, thành quả của Vietcombank cũng có thể coi là thước đo sự tiến bộ của các ngân hàng trong nước”./.

Xuân Hưng - Trí Dũng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất