Thứ Hai, 7/10/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 2/1/2011 18:5'(GMT+7)

Một chương trình gieo niềm hy vọng

Xây dựng nông thôn mới trước hết là tạo cho người nông dân có việc làm và nguồn sống ổn định.

Xây dựng nông thôn mới trước hết là tạo cho người nông dân có việc làm và nguồn sống ổn định.

Có thể nói, một trong những sự kiện nổi bật nhất liên quan đến nông dân trong năm 2010 chính là việc Thủ tướng Chính phủ đã chính thức khởi động một chương trình lớn mang ý nghĩa kinh tế, chính trị và xã hội sâu sắc: Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Đây là một trong hàng loạt chủ trương, chính sách nhằm triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Sau hơn 20 năm thực hiện chính sách đổi mới, kể từ sau “khoán 10” nổi tiếng trong nông nghiệp, giờ đây người nông dân Việt Nam và các cư dân nông thôn lại đứng trước một cơ hội thay đổi lớn với nhiều hy vọng.

Hy vọng vì đây là không chỉ là một dự án đầu tư xây dựng hạ tầng mà là một chương trình phát triển tổng hợp, cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và xây dựng hệ thống chính trị, là chương trình mà cả hệ thống cùng chăm lo phát triển đời sống của nhân dân trên địa bàn nông thôn, hay nói cách khác là chăm lo cho 70% dân số của đất nước.

Hy vọng vì sau quãng đường gần 1/4 thế kỷ tăng trưởng, với một tiềm lực kinh tế và kinh nghiệm phát triển khác hẳn trước đây của đất nước, khả năng hiện thực hóa hàng loạt tiêu chí lớn mà chương trình này đặt ra là rất cao.

Có thể gọi đây là sự tri ân với một giai cấp vốn là giường cột của cách mạng, đã đổ bao xương máu, mồ hôi, nước mắt cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, một lực lượng cũng đã hy sinh rất nhiều, chịu không ít thua thiệt và thách thức trong quá trình đổi mới và hội nhập của quốc gia. Bởi thế, đây chính là cuộc vận động cách mạng lớn trong thời bình mà mỗi người tham gia đều phải nhận thức sâu sắc về trách nhiệm.

Giờ đây, việc huy động nguồn lực để triển khai chương trình không còn là quá khó, vấn đề lớn hơn chính là phương thức tổ chức triển khai thực hiện chương trình, làm sao để nó thực sự phát huy được hiệu quả như mong đợi.

Hãy trở lại cội nguồn sâu xa những thành công của sự nghiệp đổi mới, đó chính là việc phát huy dân chủ, trả lại quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các thực thể kinh tế, trong nông nghiệp là việc trao trả nông dân “quyền tự suy nghĩ” trên mảnh ruộng nhà mình.

Xây dựng nông thôn mới nhằm mục đích cuối cùng là phục vụ người dân nông thôn, bởi vậy, không chỉ là bàn bạc dân chủ, họ cần được được tham gia trực tiếp vào mọi khâu của quá trình này. Đây không đơn giản là tạo nên một bức tranh nông thôn đẹp, với đường xá, trường học, nhà văn hóa… khang trang mà quan trọng là tạo ra một nông thôn có sự quản trị tự chủ của người dân, một nông thôn năng động, văn minh, trong đó người dân là chủ thể trung tâm.

Nếu đi về nông thôn, chúng ta sẽ thấy, ở nhiều vùng, bằng cơ chế tự quản, chính quyền cơ sở thôn xã và người dân đã tự làm được những con đường bê tông, nhưng công trình công cộng, chùa chiền… đẹp đẽ. Họ tự bàn bạc, huy động các ngồn lực, tự tổ chức thực hiện và tự hào về những đổi thay do chính mình tạo ra.

Nhà nước có thể tác động vào quá trình (tự phát) này thông qua việc hỗ trợ nó nở rộ hơn, phát triển sâu rộng hơn với trình độ cao hơn bằng những nguồn lực vất chất và kỹ thuật mà bản thân người dân không làm được. Chỉ với cách thức như vậy mới tránh rơi vào sự áp đặt chủ quan, mang đến những cái quá xa lạ với tập quán và văn hóa, và cũng tránh được sự phát triển tự phát, làm biến dạng và mai một những giá trị truyền thống góp phần tạo nên bản sắc của nông thôn Việt Nam.

Nói cách khác, đây là một quá trình mà Nhà nước cùng làm việc với nhân dân để tạo dựng nên những giá trị mới trên nguyên tắc không đập phá đi những gì thuộc về truyền thống tốt đẹp.

Nông thôn Việt Nam mới chính là một môi trường sống với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, đầy đủ tiện nghi tương đương với  đô thị, một môi trường văn hóa tinh thần nơi người dân cảm thấy hài lòng và hạnh phúc, và hơn hết các cư dân ở đây có trình độ độ dân trí cao, có việc làm và nguồn sống ổn định. Đó là một mơ ước và hy vọng mà có lẽ chỉ bằng một chương trình, một chính sách hay một giai đoạn nào đó chúng ta chưa thể hiện thực hóa được. Nhưng mọi mơ ước và hy vọng đều cần có những bước đầu tiên.

Tới Hàn Quốc, Thái Lan hay châu Âu, ai cũng sẽ phải ngạc nhiên bởi nông thôn của họ vẫn giữ được diện mạo cách đây hàng trăm năm, điều thay đổi có chăng chỉ là chất lượng sống của con người ở bên trong đó. Điều kỳ lạ là môi trường sống ấy của họ đang hấp dẫn rất nhiều người đô thị. Chúng ta có thể làm được như vậy không với nông thôn Việt Nam? Câu trả lời chắc chắn là có thể./.

(Phạm Kinh Bắc/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất