Thứ Sáu, 4/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Năm, 29/7/2010 17:19'(GMT+7)

Một kỷ niệm sâu sắc trong nghề làm tuyên giáo

Tác giả Vũ Khả

Tác giả Vũ Khả


Đồng chí Phùng Hữu Phú, UVTWĐảng, Phó Trưởng ban Thường trực
Ban Tuyên giáo TƯ trao chứng nhận Giải A cho tác giả


Có một nhà nghiên cứu xã hội đã nói rằng: "Cải tạo một tập tục, khó hơn tách một nguyên tử". Câu nói ấy đối với tôi thật thấm thía.

Ngày ấy cách đây đã ba mươi năm, tôi là Uỷ viên ban Thường vụ - Trưởng ban Tuyên giáo huyện uỷ, được ban chấp hành phân công nhiệm vụ: Trưởng ban tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân để tổ chức, thực hiện chỉ thị 13/TW về việc xóa bỏ cây thuốc phiện; chỉ thị ấy được chúng tôi gói tắt là chỉ thị ba bỏ (nghĩa là bỏ trồng, bỏ hút và bỏ buôn bán trái phép chất ma tuý).

Có một lần tôi đã xuýt phải mất mạng ngay trong hội nghị của đồng bào Mông vùng cao về việc triển khai chỉ thị này.

Quê tôi là huyện vùng cao xa nhất và khó khăn nhất của tỉnh Hoàng Liên Sơn cũ (tỉnh Yên Bái bây giờ). Cả tỉnh có 71 xã đặc biệt khó khăn; huyện tôi 100% số xã là vùng sâu, vùng xa, dân tộc Mông chiếm 90% dân số cả huyện.

Chẳng biết từ nguồn thông tin, hay dự án nào, tỉnh tôi thành lập "Công ly nhựa anh túc" mà chúng tôi thường gọi tắt là công ty Một cây. Công ty được chiêu mộ toàn các cán bộ, kỹ sư giỏi ở các ngành Dược, Tài chính và Doanh nghiệp. Căn cứ theo chỉ đạo, hướng dẫn của công ty cấp tỉnh, huyện chúng tôi cũng thành lập công ty cấp huyện và cử một đồng chí cấp uỷ, một đồng chí lãnh đạo chính quyền và một số cán bộ có kinh nghiệm ra mắt công ty.

Vốn được thiên nhiêm ưu đãi, vùng phong thổ núi đá cao của huyện tôi rất phù hợp với việc trồng cây thuốc phiện. Với chủ trương của huyện: Cây thuốc phiện là cây tr ồng tiềm năng, thế mạnh, mũi nhọn, lâu dài của huyện, huyện có xoá đói giảm nghèo và có bứt phá đi lên được hay không là nhờ vào cây thuốc phiện"

Mục tiêu phấn đấu trong năm sẽ phải trồng 1.500 - 2.000 ha. Để thực hiện được mục tiêu trên, phương châm hành động của huyện được chỉ rõ: “các ngành phải tập trung lực lượng, bám sát cơ sở và căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình mà triển khai thật nhanh tới các hộ gia đình, đây được xác định là tiêu chuẩn thi đua của cơ quan, đơn vị"

Khi mệnh lệnh ấy được ban hành, công ty là người được lãnh đạo huyện gọi gặp trực tiếp và giao nhiệm vụ đầu tiên và là cơ quan chuyển mình nhanh hơn cả.

Công ty cử các đoàn cán bộ khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp xuống tận hộ “cầm tay, chỉ việc” hướng dẫn bà con làm đất, gieo trồng, chăm sóc và bảo quản......vật tư nông nghiệp như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, được cung cấp tới tận nhà; tiền, gạo, muối được ứng trước; vải láng, vải nhung, vải đỏ (không phải tem phiếu, được cấp phát, trả sau, cho những gia đình đăng ký bán nhựa thuốc phiện cho công ty.

Kho hàng của công ty đầy ắp hàng hoá, máy khâu, máy nổ, máy xay sát và các nhu yếu phẩm khác mà bà con ưa chuộng. Đây là đòn bẩy tích cực nhất, nhằm động viên, khuyến khích trực tiếp đồng bào dân tộc thiểu số ra sức trồng cây thuốc phiện.

Bao giờ cũng vậy! Mỗi khi có chủ trương mới, ban tuyên giáo bao giờ cũng là người “tiền hô - hậu ủng". Tôi nhanh chóng trình lên ban thường vụ bản kế hoạch chi tiết để triển khai Nghị quyết của huyện; với tinh thần tiến công, bản kế hoạch ghi rõ:

+ Binh chủng khoa giáo-tuyên truyền: phải tăng thời lượng phát trên đài truyền thanh, làm thêm các khẩu hiệu treo, đầu tư dàn dựng các bài hát, tiểu phầm về người tốt, việc tốt, mang nội dung tuyên truyền cho cây thuốc phiện.

+ Binh chủng huấn học: Phải tổ chức các hội nghị quân-dân - chính ở các cụm xã để giáo dục, thuyết phục, đổi mới cách nghĩ thay đổi lối canh tác lạc hậu và phải biết làm giầu từ cây thuốc phiện; Dĩ nhiên trong đó bao giờ chúng tôi cũng khắc sâu nhiệm vụ cho người chủ nhân của giai cấp tiên phong đó là: “Đảng viên phải làm trước, làng nước theo sau ". Chương trình học của trường Bổ túc cán bộ và giờ sinh hoạt ngoại khoá của các trường nội trú, bán nội trú được bổ sung thêm nội dung lợi ích của cây thuốc phiện.

Và cuối cùng tôi không quên đề xuất khẩu hiệu hành động: "Nhà nhà, người người phải trồng thuốc phiện bán cho nhà nước; Bản kế hoạch ấy được ban thường vụ đánh giá là: nhạy cảm và hành động thiết thực.

Với tinh thần khí thế ấy, chỉ trong ba năm, khắp nơi ở huyện tôi đâu đâu cũng có thuốc phiện mọc; cơ quan trồng, nhân dân trồng, cán bộ, đảng viên trồng càng nhiều hơn.

Cánh đồng giống lúa nếp Tú Lệ, Tam pỏm, Lạc, Đỗ tương có tiếng trong khu vực và cả nước nhường diện tích ấy cho cây thuốc phiện.

Do được chuẩn bị chu đáo về tinh thần, kích thích cả đòn bẩy kinh tế mà diện tích, năng xuất, sản lượng nhựa thuốc phiện quê tôi gấp 5 đến 10 lần so với các năm trước. Mỗi năm xuất, bán đi hàng tấn nhựa; ở đường, ở chợ, đâu đâu cũng trao đổi, mua bán thuốc phiện; có gia đình đầu tư mua hàng tạ nhựa để tích trữ, đầu cơ, chờ nâng giá. . . . .

Nhưng cũng vì thuốc phiện đại trà và trào lưu như thế mà “Lợi bất cập hại". Số con nghiện tăng theo cấp số nhân, cả tỉnh có tới 120 vụ việc vi phạm pháp luật có liên quan đến thuốc phiện, nhiều vụ án nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn, có vụ xảy ra án mạng; công tác quản lý của Nhà nước và công tác tổ chức cán bộ có những diễn biến phức tạp.

Nắm được tình hình nêu trên, tỉnh báo cáo Trung ương và Trung ương khẩn cấp ban hành chỉ thị 13 "Kiên quyết bỏ trồng, sử dụng và buôn bán chất ma tuý".

Nhận xét cho thật công bằng: Người vùng cao nói chung, đồng bào Mông nói riêng đã trồng cây thuốc phiện từ lâu đời, cây thuốc phiện là thứ cây sống trong vùng băng giá, trên núi cao mà ít cây trồng sống được; người vùng cao đã quen trồng và quen sử dụng để chữa bệnh, ma tang, hiếu hỉ và giao tiếp xã hội; là thứ trao đổi thường ngày trong cộng đồng. Hình như cây thuốc phiện đã chôn chặt vào nếp nghĩ của Người Mông vùng cao; nhất là mấy năm gần đây, huyện thành lập công ty anh túc, nhiều gia đình trở nên giàu có, mua được nhiều trâu, bò phương tiện sinh hoạt đắt tiền mà họ đã loá mắt vì vật chất mà không nhìn thấy mặt trái của thứ nhựa độc hại giết người này.

Điều khó khăn nhất là: Cách đấy chẳng lâu, mọi người từ huyện tới xã, đều nói ra rả bao điều hay cho cây thuốc phiện; Bây giờ bảo cây thuốc phiện bao điều xấu, là kẻ thù của nhân dân - cái quan trọng là lợi ích kinh tế bị chấm dứt, khác nào "đang từ trên Trời rơi xuống vực sâu”. Sự hẫng hụt ấy thật quá bất ngờ, dẫn đến việc phá bỏ cây thuốc phiện đối vời đồng bào Mông, không phải là chuyện dễ, là bài toán khó giải. Đối với công ty một cây, khi được lệnh cấm thì họ tuyên bố giải thể, phân phát tài sản xong, cán bộ ở cơ quan nào lại về cơ quan ấy, để lại cho huyện một vài cái nhà trống hoác.

Người đầu tiên được bí thư huyện uỷ gọi gặp lại là ban tuyên giáo; trong buổi làm việc, đồng chí nói rõ: Chỉ thị 13 đã triển khai tới chủ tịch, bí thư các xã, phường, thị trấn, nhưng không hiệu quả; Khi nhân dân nghe thấy việc phá bỏ cây thuốc phiện, bọn xấu đã đốt 5 trụ sở xã, 4 trường học và trạm xá; gia đình cấm cửa không cho người lạ vào và không cho con em đến lớp học. Tất cả các con đường vào nương thuốc phiện đều bị cắm chông, cài bẫy, có một số thanh niên quá khích còn nói: nếu không cho làm thuốc phiện thì cầm súng vào rừng sâu làm thổ phỉ; tình hình đang diễn biến phức tạp; thuốc phiện vẫn mọc đầy nhà, đầy vườn; ở rừng sâu, núi đỏ, thuốc phiện càng mọc nhiều hơn; chỉ 2 hay 3 tháng nữa sẽ thu hoạch nhựa; hàng tấn thuốc phiện kia thẩm thấu ra ngoài thì hại người, để lại trong dân thì hại mình. Thường trực Đảng đã họp và nghị quyết chọn xã B làm thí điểm để triển khai chỉ thị ba bỏ của trung ương và giao cho đồng chí trưởng ban tuyên giáo tổ chức và chủ trì hội nghị; thành phần mời dự hội nghị này là các lão nông, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ và gia đình trồng nhiều thuốc phiện từ xưa tới nay... và đồng chí bí thư kết luận: “Hội nghị này phải thắng, không cho phép nhường bước, tất cả mọi người dự tại hội nghị đều phải ký cam kết tự phá bỏ cây thuốc phiện của gia đình mình".

Xã B có hơn 1.000 khẩu, 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông, cư trú rải rác thành 7 chòm cách xa nhau, có 4 thành phần Mông sinh sống (Mông Đu, Mông Lềnh, Mông Si và Mông Đơ) có 1 nhà thờ xây dựng từ thời Pháp thuộc, một phần ba dân số theo đạo Thiên chúa giáo, có một chi bộ gồm 8 đảng viên, chính quyền chưa thực sự vững mạnh, tình hình chính trị - xã hội không ổn định, đây là vựa thuốc phiện của huyện và khu vực, xã đã từng "đi đầu và có thành tích cao nhất về việc khuyến khích trồng thuốc phiện trong những năm qua" . Nghĩ đến đây làm xương sống tôi ớn lạnh.

Tôi trấn tĩnh và hỏi đồng chí bí thư : Tại sao lại chọn xã B làm điểm? Vì sao lại phân công tôi chủ trì hội nghị? Bây giờ thuốc phiện đã mọc xanh rờn, bà con đã mất khá nhiều công sức để vun trồng, có thể lui chỉ thị lại một thời gian mới triển khai có được không? '

Như hiểu được suy nghĩ của tôi đồng chí bí thư tiếp:

- Từ xưa tới nay mọi chỉ thị, nghị quyết của Đảng, ban tuyên giáo đều đi tiếp thu và trực tiếp triển khai thực hiện, chỉ thị này không phải là ngoại lệ.

- Còn tại sao lại chọn xã B làm điểm ư? đồng chí quá hiểu và tự mình trả lời được; xã đó cần như thế và phải làm như vậy?

Phải phá ngay 1000 ha cây thuốc phiện, nó đang nhơn nhởn thách thức chúng ta. Thường trực đảng đã cân nhắc kỹ, chỉ có đồng chí mới tổ chức được hội nghị này thành công; câu động viên kích động của đồng chí bí thư làm tôi thêm lo trách nhiệm.

Mặc dù đầy rẫy những khó khăn, rồi hội nghị cũng được khai mạc, hôm ấy trời mưa phùn, cái giá rét của vùng sơn cước như ép sát vào da thịt. Hội nghị có hơn 100 đại biểu chính thức (không vắng một ai), họ đã từng là người tiêu biểu được công ty một cây nêu gương chụp ảnh; mồ hôi của họ đã thấm ướt trên luống cày, bây giờ bảo họ và chính họ phải phá bỏ đi cái thành quả, công sức miệt mài của họ? Sao đành!

Nghĩ vậy mà lòng tôi nặng trĩu. Văng vẳng bên tai câu nói của đồng chí bí thư: hội nghị này là tiếng vang của cả huyện, hội nghị không may mà thất bại thì có thể nói trắng ra rằng: Chỉ thị 13TW sẽ không triển khai được ở bất kỳ một xã nào, hậu quả đó khôn lường!" .

Câu nói đó giúp tôi vững tin hơn và chủ trì hội nghị bằng tiếng dân tộc Mông địa phương:

Thưa bà con! Chúng tôi vẫn biết cây thuốc phiện đã được bà con vùng cao trồng nhiều đời nay, nhựa thuốc phiện đem bán và sử dụng cho nhiều việc; Nhất là ba năm gần đây, huyện ta có thành lập công ty Anh túc, vận động, khuyến khích đồng bào trồng rất nhiều cây thuốc phiện, chính vì thế mà nhiều gia đình có gạo đủ ăn, có muối đủ dùng, có tiền để mua nhiều thứ trong gia đình, nói đến đây tôi nghe rõ tiếng "zaos mak" (nghĩa là tiếng “phải rồi”) của nhiều người trong hội nghị.

Tôi tiếp: Nhưng bây giờ đã nghĩ lại: trồng cây thuốc phiện lợi ít, hại nhiều. Theo con số báo cáo thống kê, trong 3 năm qua huyện ta và các xã lân cận của huyện bạn, đã có 1.600 người nghiện. Tăng hơn các năm trước 898 người (trong số đó 613 người mới nghiện và nghiện lại, hầu hết là thanh niên, người mới lớn). Số người tự tử bằng thuốc phiện là 11 người, số vụ buôn bán trái phép là 75 vụ (trong đó có 18 vụ nghiêm trọng làm chết 3 người, 8 người bị thương nặng phải cấp cứu ở bệnh viện); có 19 ca nằm viện vì dùng thuốc phiện quá liều để chữa bệnh, có 3 cháu nhỏ bị chết; hầu hết những người dùng thuốc phiện đã trở thành con nghiện nặng, khi ốm đau phải dùng các loại thuốc khác để chữa trị, đều không có hiệu quả.

Không khí hội nghị trầm xuống tôi phân trần: có một số cụ cao niên, dự hội nghị ở đây đang là người nghiện rất nặng; nhiều người nghiện từ thời Pháp thuộc; nhiều người nghiện do gia đình khá giả, giàu có, nhiều thuốc phiện mà nghiện; nhưng cũng có người do là tộc trưởng, người có uy tín, họ thường xuyên được mời chào hút hít nên trở thành người nghiện. Tôi nêu ra bài toán kinh tế: Một người nghiện, hút một ngày 03 bữa, nghiện nặng hút một ngày 01 đồng cân, một năm hút 2,5kg thuốc phiện (tương đương với giá thu mua của công ty trước đây là 7 triệu đồng) và có bao nhiêu điều phức tạp khác khi gia đình có người nghiện.

Nói đến đây, đa số đại biểu là phụ nữ tỏ ra tán thưởng, các vị chức sắc trong dòng tộc thấy vừa lòng.

Tôi phân tích: Các nhà khoa học nói trong thuốc phiện có 31 hoạt chất, có hoạt chất hợp với con người nên bà con đem ra chữa bệnh; nhưng cũng có hoạt chất gây tác hại cho con người, làm tê liệt thần kinh, suy giảm trí nhớ, gây nghiện và ảnh hưởng đến nòi giống. Người ta đã rất cố gắng tách và vứt bỏ những hoạt chất gây hại đó đi, để lại thứ thuốc phiện quý giá cho bà con dùng, nhưng tách mãi mà chẳng được!

Tôi nghe rõ có người nói trong hội nghị "Xuzzaos uôlê, pêz tsi pâuz, nghĩa là: “ừ ra thế, ta không biết”.

Khi mọi người đang chú ý nghe, tôi làm phép tính: một người bình thường hút 10 ngày liền là nghiện; mỗi ngày hút bữa, mỗi bữa 3 điếu, tổng số 10 ngày hút 90 điếu, 90 điếu bằng 4 đồng cân, 16 đồng cân là 1 lạng Kilogam, 1kg bằng 160 đồng cân. Chỉ tính riêng huyện ta trong ba năm qua bán cho công ty 9 tấn nhựa (chưa kể số thuốc còn lại trong dân và số nhựa bán ra ngoài) thì đã làm cho 260.000 người nghiện- số người nghiện này gấp 10 lần dân số cả huyện ta (huyện Trạm Tấu lúc bấy giờ dân số là 11.000 người; huyện Mù Căng Chải là 13 .000 người)

Tiếng xì sào lại to dần: zôx tnâu uô lê tak (nghĩa là: Trời! Nhiều như thế thật à)

Tôi như được tiếp thêm sức mạnh, phấn chấn hẳn lên và giảng giải: vì biết được tác hại của ma tuý cho nên quốc tế đã có hiệp ước chung, kiên quyết xoá bỏ cây thuốc phiện. Nhà nước Việt Nam ta đã ký kết và tham gia hiệp ước chung này. Vì thế Trung ương đã ban hành chỉ thị số 13/TW, từ nay trở đi nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân trồng cây thuốc phiện; mọi hành vi: Trồng, mua bán,sử dụng, tàng trữ thuốc phiện đều là trái pháp luật và đều bị xử lý bằng pháp luật.

Tôi vừa dút câu, thì mọi người cả trong lẫn ngoài đứng dậy, xông vào, ầm ầm như chợ vỡ, những kẻ quá khích tay cầm dao, cầm gậy chửi bời om xòm.

Mãi sau dưới sự chỉ đạo hướng dẫn của đồng chí phó chủ tịch xã và một số cán bộ huyện cùng đi, không khí hội nghị mới tạm lắng xuống, người nói dài, người nói ngắn, kẻ nói cục cằn, không có ai là không phát biểu ý kiến của mình. Có thể tóm tắt các ý kiến như sau: .

- Tao là người Mông, từ đời ông, đời cụ, đời bố tao vẫn trồng cây thuốc phiện này mà có chết đâu, tao cứ trồng.

- Cây thuốc phiện mọc vào mùa rét, không có cây nào mọc lên được, con trâu, con bò cũng không sống được ở đấy, chỉ có cây thuốc phiện mới làm ấm cái bụng người Mông, không có thuốc phiện con tao đói, con tao rách, cán bộ có nuôi được không?

- Chúng mày không có cái mắt để nhìn hay sao? Bây giờ cây thuốc phiện đã lớn, sắp cho thu hoạch, cả nhà tao mất nhiều cái sức vào cái nương ấy, bảo tao phá, tao không phá, tao đã thả ma, chăng cái bẫy, cắm cái chông thuốc độc, đứa nào vào nó sẽ phải chết!

- Những người già, cao niên thì bảo: tao đã già yếu, nghiện hút thuốc phiện từ khi bằng tuổi con bê, con nghé, bây giờ chính phủ bảo phá hết thuốc phiện, tao không có hút tao chết mất! Chúng mày có giúp tao cai nghiện được không?

- Mùa đông là công việc trồng cây thuốc phiện, không trồng thuốc phiện là nhân dân ở chơi, ở chơi không có ăn, cán bộ có tiền, có gạo nuôi tao không? Chính phủ có giúp tao tiền gạo tao mới làm việc khác đủ ăn chứ?

Và nhiều câu hỏi khác nó cứ quấn chặt lấy cái khó và cái bế tắc mà chưa có một cơ quan, tổ chức, đơn vị nào tháo gỡ trước khi vào triển khai chỉ thị. Lối làm ăn cũ này đã đưa tôi vào thế: chủ động biến thành bị động. Tôi đã lúng túng và bế tắc thực sự, cái buồn man mác về công việc của ngành tuyên giáo: có tâm nhưng chẳng có tầm. Những câu hỏi đơn sơ, mộc mạc và thiết thực kia sao mình không có tầm để quyết đáp được?

Một số kẻ quá khích tỏ ra hể hả, đôi chỗ rục rịch đứng dậy ra về, họ bỏ về sẽ là hỏng việc.

Giữa lúc ấy một ông già trưởng tộc, với bộ quần áo chàm thâm đen, tóc búi ngược đằng sau, râu dài đến ngực, thoáng nhìn ông trạc tuổi lục tuần, vóc người phương phi, ông đứng dậy ra hiệu lệnh cho mọi người ngồi xuống và giữ trật tự, hiệu lệnh của ông trưởng tộc phát ra bao giờ cũng vậy, mọi người trở nên yên ả.

Tay trái ông với khẩu súng kíp do đứa cháu nội ngồi bên cạnh mang theo, ở giữa khẩu súng treo mấy bông chỉ các mầu lủng liểng, đây là cây súng thần của họ tộc ông; tay phải ông cầm báng súng gọn gàng chắc nịch, giương đầu súng lên cao và bảo: "TRANGZ FAOV NOR NÊNHX TƯS HEIK HUV PÊZ JÊNHX, NÊNHX TƯS UÔ JUÔV PÊZ TUÔ" nghĩa là khẩu súng này là vật chứng kiến, ai nói đúng người Mông tin, ai nói sai thì khẩu súng bắn. Tôi ngồi bên cạnh lạnh cả gáy. Rồi ông chéo tay phải sang hông bên trái, rút con dao từ trong bao gỗ ra, con dao bụng hình cá trắm, mũi cong, nhọn hoắt, được tôi luyện ở vùng núi đá, than cây táu, cây sến, ánh thép xanh ngắt, ông chém vào không khí mà bảo: Trangz Tras nor kruôz kra trâu nênks tưs uô tsi huv cêr chei HMông z! Nghĩa là: con dao nhọn này sẽ dạy cho kẻ nào làm không đúng cái lý của người Mông ta? Tôi nghĩ: ôi! thế là toi mạng rồi, ai ngờ mình lại chết ở chốn lạnh giá này ư? Khẩu súng kia có bao nhiêu viên đạn ghém, chẳng con thú nào thoát được tay ông; còn con dao kia, chỉ một với tay, như một tia chớp bổ xuống là cái đầu của tôi sẽ toác làm hai, làm tôi sởn gai ốc!

Cả hội nghị im như thóc nấu. Kẻ quá khích cũng không dám đụng chạm vào cái điếu cày mà hút.

Rồi ông quay sang tôi, tôi thót mình, ông hạ giọng, vẫn bằng tiếng địa phương: cur hmaoz saz tul chaoz tsiz nor nhaoz đêz tuôx; chêx nay chễ txir nhaoz tal đraugl. (nghĩa là: tao thương người cán bộ dân tộc Kinh này, nó để bố mẹ ở miền xuôi mà lên công tác ở đây)

- Cur nhav tul cangr bôv nor sir jus cơưv lul Hmôngz haz pâuz mfleik uôlê, nhav pêz HMôngz hak lê pâuz lul.(nghĩa là: Tao thích cán bộ này nó rất tích cực học tiếng của người Mông, cái bụng của nó tốt với người Mông nên mới nói thành thạo tiếng Mông).

Cur kruôk nưl hêik lao txus kênhz ntir, jaiv kêr huv cêr chei têz qơư, huv luz saz chaor zơưv lâul. (nghĩa là: tao khen nó nói rõ đầu đuôi, giải quyết đúng chính sách của chính phủ, hợp với bụng của người già)

-Tangz mai cur lao six nzuz mik, xangr tsi đêz, seiz tsi đangr; aoz pêz shông taov ntêx nếnhstưs tưz heik zangx zinhz jông uô tiv zis, nhil nor traor heik zangx zinhz zaos traox châuz lê tuôz nênhs. (nghĩa là: tao căm ghét chúng mày, nhìn không xa, trông không rộng, mấy năm trước ai cũng nói thuốc phiện là tốt nhất trên đời, bây giờ quay ngoắt lại bảo, thuốc phiện là kẻ thù của nhân dân, sao dễ thay đổi thế?)

- Nhis nor cur lao six kruôz saz, puv jênhx mênhx, pôngz ntâu đangx jus thax lê uô lao têx thangx têz,cưr langv sâu tao têx châuv zinhz, muôz hluôl chêx khâur xưv hưngr! (nghĩa là: tao thương bà con nhân dân, mất bao công sức mới trồng cấy được mảnh nương thuốc phiện tốt như thế, đến vụ có thể thu được hàng yến nhựa, nay mất công phát đi, tao tiếc thương vô cùng!)

- Cur hnaor puôz hêik mik nhaoz tax đrangl njê thêv, pâuz ntơur ntâu, via uô changl tsi nô lao chaor zinhz jông trâu pêz môngz môngv? Hlôngr tul tsi trâu pêz uô? (nghĩa là: tao nghe nói cán bộ chúng mày ở miền xuôi học nhiều cái chữ, giỏi lắm, sao không làm ra cái thuốc phiện không gây nghiện cho người Mông ta dùng? Hoặc tìm cây, con gì thay cho cây thuốc phiện để ta trồng?

- Nhil nor cur nôngs mik, cur pôngz cưr tix; cur tsi nôngs mik, cur pôngz mik, uô juôv cêr chei; cur iz zangv tul câur nhaoz hang jôngr!(nghĩa là: lúc này tao nghe cán bộ, tao mất anh em dòng tộc, tao không nghe mày, tao mất mày, mất chính phủ, tao như con hoẵng giữa rừng)

Nói đến đây ông trào nước mắt, hai tay cầm chặt đầu cây súng kíp nghiêng ngả, ngất ngưỡng; rồi ông nói: heik six heik lê, tangz mak cêr chei kra pêz chuv uô, Hmôngz hêik là Hmôngz uô, cur tưz pâuz nzur, uô changl chaos zinhz tưz tsi jông tak mak ( nghĩa là: tao đã biết trước sớm hay muộn thế nào cây thuốc phiện cũng sẽ bị phá bỏ, nó hại lắm; người Mông đã nói là làm, phải theo chính sách của chính phủ thôi. Nói rồi, hai tay ông trân trọng dâng cao khẩu súng thần lên quá đầu, đầu cúi xuống, miệng lẩm bẩm nói điều gì với Trời, với đất và quá khứ thiêng liêng! Tao là người đầu tiên điểm chỉ vào tờ giấy kia, tao sẽ ba bỏ thuốc phiện, nếu con ma rừng bắt, thì bắt tao trước, đứa nào không ký hôm nay, thì ngày mai về xã, xuống huyện mà điểm chỉ)).

Cả hội trường lặng người, tôi thở dài lặng lẽ; Ông ơi ? Cháu cảm ơn ông! ông còn là trưởng tộc của cả cháu nữa rồi!

Ông tộc trưởng chệnh choạng tiến dần đến cái bàn giá lạnh phủ lớp sương mù của mùa đông vùng cao, nhìn ông như vừa bước ra khỏi giấc mộng thần chết, cầm tờ giấy ghi danh sách đăng ký ba bỏ đã kẻ sẵn, ông thoa nhẹ ngón tay cái sần sùi của người lao động tần tảo vào ống mực, rồi ấn mạnh vào tờ giấy, như ấn một cái đinh vào mảnh gỗ cứng; Trán lấm tấm mồ hôi, tay trái gạt dòng nước vắt trong từ khoé mắt - ngẩng đầu cười, như chưa bao giờ ông cười như vậy.

Hội trường râm ran tiếng vỗ tay: Hoan hô tộc trưởng! Hoan hô già bản! Còn tôi sững người.

Vậy đấy: Cải tạo tập tục cũ, lạc hậu của một cộng đồng là khó, tập tục ấy gắn liền với kinh tế - cuộc sống càng khó khăn hơn gấp bội; chỉ thị, nghị quyết. đúng, nhưng không đồng bộ; phương án thực hiện không khả thi, thì nghị quyết, chỉ thị nằm trên giấy. Hậu quả là xã hội người làm công tác tuyên giáo phải hứng chịu.

Ngày ấy qua rồi, qua cái lạc hậu cũ kỹ ấy rồi, nhưng tôi thì rất nhớ? Có một thời làm công tác tuyên giáo mà suýt nữa mất cả mạng sống!! Và suy ngẫm cho cùng, cán bộ làm công tác tuyên giáo phải giỏi giang, tinh thông, biết người, biết ta thì mới thắng lợi./.

Vũ Khả

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất