Chủ Nhật, 24/11/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Chủ Nhật, 21/4/2013 15:44'(GMT+7)

Một lớp học đặc biệt ở Trường Sa lớn với “4 trong 1”

Các em học sinh trên đảo. Ảnh An Đăng - TTXVN

Các em học sinh trên đảo. Ảnh An Đăng - TTXVN

Nhìn bên ngoài lớp học này cũng bình thường như bao lớp học khác. Cũng bảng đen, phấn trắng và ngay trước cửa ra vào ghi chữ “lớp học.” Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết giáo viên duy nhất của lớp và cũng là giáo viên duy nhất của đảo Trường Sa lớn là cô giáo Bùi Thị Nhung (quê ở xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa).

Cô Nhung tình nguyện ra đây dạy từ tháng 4/2008. Lúc đầu, ai cũng ngỡ là chị tình nguyện ra đây để có việc làm, nhưng thực tế trước khi ra đảo, cô Nhung đã là giáo viên tại Trường Tiểu học Suối Cát (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa). Khi được hỏi, xuất phát từ đâu mà chị viết đơn tình nguyện ra đảo, cô Nhung chỉ nhỏ nhẹ: “Nghe nói mấy em ở ngoài đảo thiếu giáo viên nên tình nguyện xin ra chứ cũng không có mục đích gì khác.” Ngày 5/4/2008, cô giáo Nhung rời cảng Cam Ranh ra đảo, mang theo con gái đầu lòng Phương Anh lúc đó mới 28 tháng tuổi.

Ra đảo, điều kiện sống cũng như cách sinh hoạt hoàn toàn khác đất liền nhưng tình thương của đồng chí, đồng đội cũng như tình đoàn kết quân và dân trên thị trấn Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) đã tiếp thêm sức mạnh cho chị. Ra đảo Trường Sa lớn cùng đợt với chị Nhung còn có 25 người dân tình nguyện ra sinh sống và lao động tại đảo. Mặc dù, ban đầu cuộc sống gặp một số khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền cũng như cán bộ, chiến sỹ hải quân trên đảo đã tạo điều kiện cho chồng chị vào công tác phục vụ hậu cần trên đảo, cuộc sống gia đình chị đã dần đi vào nền nếp. Khi có điều kiện, chị cùng gia đình về thăm quê nhà như bao người con đi làm ăn xa về thăm gia đình.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Trường Sa Biện Văn Quảng cho biết điều kiện sống và công tác trên đảo còn gặp không ít khó khăn do thời tiết không được thuận hòa như trong đất liền. Tuy nhiên, Ủy ban Nhân dân thị trấn luôn tạo điều kiện tốt nhất để giáo viên trên đảo nói riêng và nhân dân trên đảo nói chung có cuộc sống ngày càng đầy đủ về vật chất và tinh thần. Chúng tôi càng khâm phục cô giáo Nhung hơn vì đang có một công việc ổn định ở đất liền nhưng lại viết đơn tình nguyện ra đảo. Đây cũng là tấm gương để nhiều người trên đảo noi theo, học tập để cống hiến cho đất nước nhiều hơn nữa.

Bước vào lớp học đặc biệt ở Trường Sa, chúng tôi thấy có 7 học sinh trong cùng một phòng, học theo chương trình từ lớp 1 đến lớp 4. Trong khuôn viên phòng học rộng chỉ khoảng 30m2 được chia làm 4 bàn theo 4 hướng và tương ứng với mỗi hướng bàn là mỗi tấm bảng đen. Trên mỗi tấm bảng là sỹ số của từng lớp. Từ lớp 1 đến lớp 3, mỗi lớp có 2 em học sinh và lớp 4 chỉ có 1 học sinh. Do lớp học khá đặc biệt nên mỗi ngày cô giáo Nhung phải soạn giáo án cho cả 4 lớp theo quy định.

Bên cạnh đó, cô Nhung cũng phải phân bố thời gian hợp lý hơn để trong mỗi buổi sáng đến lớp, các em học sinh được học những môn chính khoá và các buổi chiều cô giáo dạy phụ đạo miễn phí để vừa nâng cao kiến thức cho các em đồng thời “giữ chân” các em không chạy trần phơi nắng rất dễ bị ốm đau trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Sau một thời gian ra Trường Sa, đến tháng 4/2011, nhân dịp nghỉ Hè, cô giáo Nhung về quê sinh thêm một cháu trai. Không thể cầm lòng được nỗi nhớ Trường Sa; trong đó có những học trò nhỏ mến thương, 3 tháng sau đó cô giáo Bùi Thị Nhung lại khăn gói cùng con trai ra đảo tiếp tục công việc dạy học.

Trong điều kiện thiếu thốn đồ dùng dạy học cũng như các loại sách tham khảo, cô Nhung còn mày mò sáng chế ra nhiều vật dụng dạy học phục vụ các em. Cô nhờ người thân, bạn bè sưu tầm, mua lại những cuốn sách có ý nghĩa thiết thực để mỗi lần có tàu ra là những cuốn sách cũng được chuyển ra đảo để cô và trò cùng tham khảo.

Khi được hỏi về nguyện vọng của mình, cô giáo Bùi Thị Nhung cho biết ra đây mới thấy hết tình cảm của mọi người trên đảo dành cho gia đình mình. Khi mỗi gia đình có chuyện buồn, chuyện vui mọi người trên đảo từ cấp Chỉ huy đảo cho đến bộ đội đều đến động viên để gia đình vượt qua khó khăn hoặc chia sẻ những niềm vui.

"Ở đây, chúng tôi thấy tình cảm giữa mọi người ấm áp hơn, cuộc sống bình yên. Nhìn những gương mặt ngây thơ, đầy háo hức của các em học sinh trên đảo Trường Sa lớn khi tiếp nhận kiến thức, tôi nguyện cống hiến vì sự nghiệp trồng người nơi hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, mong góp một phần nhỏ xây dựng thị trấn Trường Sa ngày càng vững chắc nơi đầu sóng ngọn gió," cô giáo Bùi Thị Nhung nói./.

Theo Nguyễn Sơn (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất