Năm 2018 đã dần khép lại, song tiến trình Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit thì vẫn chưa thể “về đích”, cho dù thời hạn cho đàm phán đã sắp kết thúc và Anh phải rời EU theo kế hoạch là tháng 3-2019. Có thể nói, năm vừa qua là một năm trắc trở của tiến trình Brexit và khi “cuộc ly hôn” này chưa ngã ngũ, kinh tế Anh và EU sẽ vẫn đối mặt những nguy cơ lớn.
Khó lường đến phút chót
Tiến trình Brexit khởi đầu từ cuộc trưng cầu ý dân ở Anh năm 2016, nhưng quá trình đàm phán đã không thể diễn ra suôn sẻ trong thời gian qua, nhất là năm 2018, khi mà giữa Anh - EU cũng như nội bộ “xứ sở sương mù” vẫn tồn tại những bất đồng lớn liên quan nội dung thỏa thuận. Một loạt vấn đề lớn, từ “phí thỏa thuận ly hôn” mà Anh phải trả cho EU sau khi rời khối này cho tới việc bảo vệ quyền lợi công dân hai bên, thời gian chuyển tiếp để Anh rời “mái nhà chung châu Âu”, biên giới Bắc Ai-len… đã cản bước tiến trình Brexit trên bàn đàm phán song phương cũng như ngay trong Quốc hội Anh.
Nhìn lại năm 2018, có thể thấy đàm phán Brexit giữa Anh và EU đã đạt được tiến triển đáng ghi nhận, nhưng cho đến những ngày cuối năm, lại vẫn “mắc kẹt” ở Quốc hội Anh. Trong những tháng đầu năm 2018, các nhà lãnh đạo hai bên đã đạt được bước tiến khi thông qua phương hướng về một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 21 tháng sau khi Anh rời khỏi EU vào tháng 3-2019, cũng như cho giai đoạn đàm phán tiếp theo. Tuy nhiên, sau bước tiến nêu trên, tiến trình đàm phán hầu như vẫn “giậm chân tại chỗ” khiến giới chức châu Âu cảnh báo rằng EU và Anh vẫn có nguy cơ không đạt được thỏa thuận. Những vấn đề mà hai bên chưa tìm được tiếng nói chung bao gồm cách giải quyết các tranh cãi trong tương lai liên quan đến vai trò của Tòa án Công lý châu Âu (CJUE) đối với Anh, vấn đề đường biên giới giữa CH Ai-len thuộc EU cũng như vùng lãnh thổ Bắc Ai-len thuộc Anh và khuôn khổ cho các mối quan hệ trong tương lai giữa hai bên.
Với nỗ lực từ hai phía, đến khoảng giữa năm 2018, một số vướng mắc, bất đồng đã được tháo gỡ. Sáu tháng cuối năm là một chặng đường mà cả Chính phủ Anh và các nhà lãnh đạo EU căng sức đàm phán để phá thế bế tắc cho tiến trình Brexit. Dù từng nhiều lần đưa ra quan điểm cứng rắn, song cả Luân Đôn và Brúc-xen cuối cùng đều đã có những nhượng bộ. Vào giữa tháng 11-2018, các nhà đàm phán của hai bên đạt được một dự thảo thỏa thuận về Brexit, thống nhất về vấn đề hóc búa nhất, đó là biên giới giữa Anh và CH Ai-len hậu Brexit. Văn bản bao gồm một “chốt chặn” sẽ được thiết lập dưới dạng một thỏa thuận thuế quan tạm thời trên toàn Vương quốc liên hiệp Anh. Thỏa thuận chứa đựng những điều khoản đặc biệt dành cho Bắc Ai-len, đi sâu vào các vấn đề thuế quan và phù hợp các luật lệ của thị trường đơn nhất, hơn là với phần còn lại của Vương quốc liên hiệp Anh.
Sau khi Anh và EU đạt được thỏa thuận mới về Brexit nói trên, nhiều người đã hy vọng tiến trình đàm phán Brexit đã phá vỡ được bế tắc và sẽ “về đích” đúng hạn. Tuy nhiên, một loạt nghị sĩ, chính trị gia kể cả của đảng cầm quyền lẫn phe đối lập đã chỉ trích gay gắt thỏa thuận nói trên. Chính trường Anh đã dậy sóng khi Bộ trưởng Ngoại giao B.Giôn-xơn đệ đơn từ chức nhằm phản đối quan hệ thương mại mật thiết với EU hậu Brexit. Trước khi từ chức, ông B.Giôn-xơn đã gọi Brexit là “giấc mơ sắp tàn”. Tiếp đó, Bộ trưởng Phụ trách vấn đề Brexit Đ.Đê-vít và hơn 10 quan chức cấp cao trong nội các Anh đã ra đi sau những bất đồng với Thủ tướng T.Mây về đàm phán Brexit. Trong khi đó, kết quả thăm dò dư luận cho thấy, một nửa số cử tri Anh ủng hộ việc tổ chức cuộc trưng cầu ý dân để lựa chọn lại tiến trình Brexit và gần 50% số người Anh muốn ở lại EU. Tình cảnh nêu trên đã khiến chiếc ghế của Thủ tướng Anh T.Mây nhiều thời điểm lung lay dữ dội.
Trong những ngày cuối năm 2018, việc Anh và EU có đạt được thỏa thuận Brexit hay không và thỏa thuận đó như thế nào, vẫn là một “ẩn số”. Những diễn biến về Brexit đang chứa đựng nhiều bất ngờ khi Chính phủ Anh tuyên bố hoãn bỏ phiếu trưng cầu ý kiến của các nghị sĩ về Brexit trong tháng 12 và chuyển sang tháng 1-2019 để có thêm thời gian tìm kiếm sự ủng hộ từ EU và thuyết phục Quốc hội Anh không phủ quyết thỏa thuận nói trên. Nhằm cứu vãn kế hoạch Brexit, Thủ tướng Anh vừa có chuyến công du một số nước châu Âu và lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU đã nhất trí trao cho Thủ tướng Anh sự bảo đảm rằng liên minh này sẽ nỗ lực để có thể ký Hiệp định thương mại tự do mới với Luân Đôn trước năm 2021. Về điều khoản “rào chắn” trong thỏa thuận Brexit giúp duy trì đường biên giới mở giữa vùng Bắc Ai-len và CH Ai-len cho tới khi hai bên đạt thỏa thuận thương mại, EU khẳng định giải pháp này nhằm ngăn chặn sự xuất hiện một đường biên giới cứng trên đảo Ai-len và bảo đảm sự toàn vẹn của thị trường đơn nhất. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) nhấn mạnh, EU quyết tâm hành động nhanh chóng cho một thỏa thuận song phương tiếp theo từ nay đến ngày 31-12-2020 để hai bên có thể tránh khả năng kích hoạt điều khoản nêu trên.
Hậu quả được báo trước
Mặc dù Thủ tướng Anh đã nhận được sự hậu thuẫn từ EU cho thỏa thuận Brexit, song những thách thức trong nước đối với tiến trình này là không nhỏ. Theo hãng tin Roi-tơ, hầu hết các Bộ trưởng cấp cao trong nội các của Thủ tướng Anh T. Mây cho rằng kế hoạch Brexit mà bà đã ký với EU “đã chết”. Do vậy, các Bộ trưởng đang thảo luận các lựa chọn khác, bao gồm một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về việc Anh rời EU.
Truyền thông Anh dự báo, Thủ tướng Mây nhiều khả năng phải đối mặt với các phản đối của các Bộ trưởng trong thời gian tới. Một nhóm Bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí, Bộ trưởng Tài chính đã ủng hộ một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai. Trong khi đó, một nhóm khác, trong đó có Bộ trưởng Môi trường và Bộ trưởng Nội vụ, phản đối kế hoạch này. Các Bộ trưởng khác, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao G.Hăn, tuyên bố sẵn sàng đối phó nguy cơ Anh rời EU mà không đạt thỏa thuận nào. Người đứng đầu ngành ngoại giao Anh vừa nhận định rằng, Quốc hội vẫn có thể ủng hộ thỏa thuận của Thủ tướng T.Mây về Brexit, nếu các nghị sĩ nhận được sự bảo đảm từ phía EU. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo khả năng xảy ra kịch bản Brexit không thỏa thuận. Theo đó, nếu bà Mây không giành được những nhượng bộ đủ sức thuyết phục từ các nhà lãnh đạo châu Âu, ít có khả năng thỏa thuận Brexit hiện tại sẽ giành đủ đa số phiếu ủng hộ tại Quốc hội Anh sau kỳ nghỉ Giáng sinh. Bên cạnh đó, còn xuất hiện nguy cơ về một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm khác đối với Thủ tướng Anh và Chính phủ của bà, lần này là tại Hạ viện, do Công đảng đối lập đề nghị.
Trong khi đó, những thiệt hại kinh tế mà tiến trình Brexit gây ra cho kinh tế Anh cũng như kinh tế châu Âu đã được giới phân tích chỉ rõ. Trong một báo cáo mới đây, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đánh giá sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trên chính trường Anh về Brexit cũng như các vấn đề liên quan mối quan hệ trong tương lai giữa Anh và EU đã làm tăng nguy cơ về một Brexit không thỏa thuận. Kịch bản này nếu xảy ra sẽ phá vỡ các hoạt động hải quan, thương mại và trở thành “ác mộng” đối với kinh tế Anh. Trước triển vọng không chắc chắn của tiến trình Brexit, Fitch đánh giá tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh sẽ giảm từ mức 1,7% của năm 2017 xuống còn 1,3% trong năm 2018. Hãng tin Bloomberg mới đây ước tính một Brexit “cứng”, nghĩa là không có thỏa thuận nào cho mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU, có thể khiến GDP của “xứ sở sương mù” vào năm 2030 giảm 7% so với thời điểm vẫn là thành viên của EU. Dù Anh rời EU nhưng vẫn là một phần trong liên minh hải quan với EU thì GDP của nước Anh vẫn sụt giảm khoảng 3%.
Trong khi đó, việc nước Anh có thể “tay trắng” rời EU còn khiến các đối tác lo ngại bị vạ lây. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong báo cáo mới nhất nhận định rằng, một khi Anh rời EU không có thỏa thuận, những nền kinh tế mở hơn của EU, trong đó có Bỉ, Hà Lan và Ai-len, sẽ “cảm nhận rõ nhất tác động của Brexit đối với kinh tế”. GDP của Anh sẽ sụt giảm 4% trong khi GDP của 27 nước thành viên EU giảm 0,5%.
Thực tế nêu trên cho thấy, tiến trình đàm phán Brexit đã trải qua năm 2018 với nhiều trắc trở và hiện tại vẫn đối mặt một tương lai vô định. “Bóng vẫn đang nằm trong chân Thủ tướng Anh T.Mây” và muốn đưa Brexit về đích thành công, trước hết bà phải tạo dựng được niềm tin với các nghị sĩ và vượt qua sóng gió trên chính trường Anh ngay trong tháng đầu của năm mới.
Theo Nhân dân