Với 30 năm nghiên cứu công nghệ nano, tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn đã có hơn 100 bằng sáng chế tại Mỹ, giành được 12 giải thưởng của IBM về thành tựu phát minh, trong đó có bằng sáng chế về hệ thống nhớ cho máy tính đem về hàng chục triệu đô la lợi nhuận cho IBM.
Say mê với những “con chip”
Sang Mỹ du học từ năm 1974, cậu học trò trường Petrus Ký (nay là PTTH Lê Hồng Phong, TP Hồ Chí Minh) đã bén duyên với các nghiên cứu khoa học.
Tốt nghiệp cử nhân hóa học tại Đại học Quốc gia New York năm 1978 và có bằng Tiến sỹ hóa học năm 1981 tại Đại học Brown, Nguyễn Văn Sơn về đầu quân cho hãng máy tính nổi tiếng IBM từ năm 1981 tại phòng nghiên cứu phát triển và gắn bó với các nghiên cứu vật liệu làm tăng tốc độ của máy tính.
Chỉ cần vào trang web của IBM gõ từ “Son Van Nguyen”, có thể tìm được tên anh hiện ra với những phát minh đã gắn liến với tên tuổi của IBM. Nếu tính tổng cộng những phát minh của Nguyễn Văn Sơn trong suốt chừng ấy năm nghiên cứu khoa học, con số đã lên tới hơn 100.
Đây là một con số không hề nhỏ trong giới nghiên cứu tại Mỹ. Riêng tại IBM, Nguyễn Văn Sơn đã có hơn 44 bằng sáng chế và đã giành được 12 giải thưởng của IBM về thành tựu phát minh.
Hỏi chuyện về công việc, anh say sưa kể về những “con chip” (chipset). Anh cho biết: “Công việc của tôi là nghiên cứu về nano, về những vật chất có tính dẫn điện cao như chip của máy tính chẳng hạn, để có thể sản xuất ra những chiếc máy tính chạy cực nhanh, tải ít năng lượng hơn, thông minh hơn”.
Những “con chip” dù nhỏ bé vậy nhưng đã làm anh tốn bao công sức cũng như không ít mồ hôi nước mắt để đưa ra những đường hướng phát triển cho những sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường.
Với cương vị trưởng phòng kỹ thuật, anh cũng trực tiếp tham gia nghiên cứu nhưng quan trọng nhất là phải đưa ra được định hướng phát triển để có thể cho ra đời những sản phẩm tốt nhất.
Hiện tại, ngoài công việc nghiên cứu cho IBM, anh vẫn tham gia giảng dạy tại các trường đại học. Cho đến nay, anh đã xuất bản và giới thiệu hơn 88 bài viết tại nhiều tạp chí chuyên ngành và tại các hội thảo quốc tế. Anh tham gia nhiều hội nghị chuyên ngành trên thế giới, năm nay là San Francisco, năm tới là Hawaii và Nhật.
Muốn tạo ra nhiều kỹ sư công nghệ cao cho Việt Nam
Việt Nam mới chỉ tạo ra người đi học...
“Việt Nam mới chỉ tạo ra người đi học nhưng chưa tạo được người làm việc. Các công trình lớn đều do người nước ngoài làm” - Đó là những trăn trở của tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn và vì thế, khi nhận được lời mời từ trong nước, anh đều không từ chối bởi hy vọng mình có thế giúp đào tạo ra nhiều kỹ sư công nghệ cao cho đất nước cũng như tạo được nhiều người làm được việc. |
Bao nhiêu năm sống ở Mỹ cũng là chừng ấy thời gian Nguyễn Văn Sơn làm việc cho cơ quan Hợp tác khoa học Việt - Mỹ. Đây là tổ chức do các giáo sư Mỹ đứng ra thành lập để làm việc cho Việt Nam.
Những hợp tác khoa học, những học bổng dành cho sinh viên Việt Nam đã được cơ quan này dành cho Việt Nam ngay từ sớm. Mặc dù đây là một tổ chức phi lợi nhuận, mọi người làm việc ở đây trên tinh thần tự nguyện, không có lương bổng nhưng Nguyễn Văn Sơn vẫn gắn bó với cơ quan này với tâm niệm: “Đóng góp được gì cho đất nước thì mình thấy vui rồi và đa số Việt kiều đều mong muốn vậy”.
Vì thế, ngay từ năm 1982, Nguyễn Văn Sơn đã trở về Việt Nam và hợp tác chặt chẽ với trung tâm nghiên cứu khoa học tại Nghĩa Đô, Hà Nội. Anh đã từng phỏng vấn và đưa hàng trăm sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học.
Những chuyến đi về Việt Nam cũng đã giúp anh tìm được người bạn đời. Chị là giảng viên đại học tại TP Hồ Chí Minh và cũng đã giúp nhiều sinh viên Việt Nam sang châu Âu và Mỹ du học.
“Việt Nam mới chỉ tạo ra người đi học nhưng chưa tạo được người làm việc. Các công trình lớn đều do người nước ngoài làm” - Đó là những trăn trở của tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn và vì thế, khi nhận được lời mời từ trong nước, anh đều không từ chối bởi hy vọng mình có thế giúp đào tạo ra nhiều kỹ sư công nghệ cao cho đất nước cũng như tạo được nhiều người làm được việc.
Trung bình mỗi năm Nguyễn Văn Sơn về Việt Nam từ khoảng 2-3 lần. Khoảng ba năm nay, anh nhận được lời mời về nói chuyện công nghệ nano cho các trường đại học Việt Nam. Gần đây nhất, anh được mời làm cố vấn trong thời gian 5 năm với Đại học Trà Vinh.
Cuối câu chuyện, anh Sơn bất ngờ cho tôi xem một kỷ vật mà anh luôn mang theo người với một niềm tự hào. Đó là chiếc thẻ Hội viên Hội Việt kiều yêu nước tại Mỹ. Anh cho biết, vết thương chiến tranh là rất lớn nhưng mọi việc giờ đây đã đi vào quá khứ, phần lớn Việt kiều tại Mỹ vẫn tin tưởng vững chắc vào tương lai của Việt Nam.
(Theo Báo Tiền Phong)