(TCTG)- Thứ hai (21/12), Thủ tướng Pháp đã bắt đầu chuyến thăm 2 ngày tới Trung Quốc để hâm nóng lại quan hệ chính trị với Bắc Kinh và tăng cường quan hệ kinh tế. Thủ tướng François Fillon tham dự lễ ký kết các hợp đồng trong lĩnh vực hạt nhân dân sự và cụ thể hóa thỏa thuận sẽ cho phép công ty Safran (thành viên của tập đoàn General Electric) cung cấp các động cơ cho máy bay C919 của Trung Quốc-một hợp đồng trị giá 5 tỷ USD (3,5 tỷ Euro).
Loại máy bay tầm trung này của Trung Quốc đã được Công ty trách nhiệm hữu hạn máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) phát triển năm 2008 tại Thượng Hải. Chắc chắn đây sẽ là một đối thủ cạnh tranh nghiêm túc của Airbus và Boeing trong những thập kỷ tới. Việc chế tạo máy bay của COMAC là minh chứng cho sự phát triển trong một vài năm tới của các tập đoàn Trung Quốc tại thị trường của các nước đang phát triển, như Công ty xây dựng đường sắt Trung Quốc (China Railway Construction Corporation ) tại châu Phi hay tập đoàn Huawei-đứng thứ hai thế giới về công nghệ thông tin và viễn thông tại các nước đang phát triển.
Các công ty trên đang là đối thủ cạnh tranh của các tập đoàn đa quốc gia, song cũng là các khách hàng quan trọng như COMAC và tất cả các công ty khao khát đi tiên phong trong lĩnh vực công nghệ cao. Các công ty của Trung Quốc đang quan tâm các đối tác phương Tây: Hãng sản xuất xe hơi Trung Quốc, Geely Automobile Holdings đang thương lượng mua lại nhà máy Fort của Hãng xe hơi Volvo Thụy Điển; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã đạt được hợp đồng khai thác các mỏ Roumaila và Halfaya tại Irak trong khung cảnh phối hợp với hai tập đoàn phương Tây BP và Total.
Tập đoàn Chine SA đang phát triển tại nước ngoài trong lĩnh vực đầu tư: đã đạt được 52,1 tỷ USD trong năm 2008 (ngoài lĩnh vực tài chính), trong năm 2007 là gấp đôi. Năm 2009, Trung Quốc đã tranh thủ cuộc khủng hoảng tài chính để mua vào nhiều cổ phần trong lĩnh vực năng lượng và nguyên liệu. Châu Âu nhận được một phần khiêm tốn trong số các khoản đầu tư trên do các công ty nhà nước có vai trò hạn chế.
Các công ty tư nhân mới
Phần lớn trong số 37 công ty Trung Quốc nằm trong bảng xếp hạng 500 công ty hàng đầu thế giới năm 2009 do tạp chí Fortune bình chọn là của nhà nước, nhưng cũng có các công ty tư nhân mới nổi lên. Neusoft đã trở thành công ty đấu thầu đầu tiên của Trung Quốc trong các dịch vụ tin học. Neusoft đã mua lại các hoạt động phát triển phần mềm cho máy điện thoại của công ty Sesca-Phần Lan, hiện đang có 250 công nhân làm việc tại Phần Lan và Roumani.
Alibaba, công ty kinh doanh trên mạng có quan hệ với 43 triệu khách hàng và cửa hàng trên toàn thế giới khẳng định đang chuẩn bị thâm nhập thị trường châu Âu và Mỹ; tập đoàn AsiaInfo của Chủ tịch Steve Zhang, một người Mỹ gốc Hoa đang trở nên lớn mạnh trên thị trường quốc tế.
Lĩnh vực năng lượng tái sinh cũng mang lại những điều ngạc nhiên khác: Tập đoàn quốc doanh đầu tư phát triển năng lượng (ECIC) vừa được ngân hàng Exim Bank cấp cho khoản tín dụng 20 triệu Yên (2 tỷ Euro) để phát triển tại nước ngoài và đầu tư trong các dự án năng lượng mặt trời tại Tây Ban Nha, Italia và Đức bên cạnh tập đoàn Suntech-số 2 thế giới về sản xuất pin quang điện. Trong lĩnh vực năng lượng gió, tập đoàn Shenyang Power đã giành được hợp đồng lớn tại Texas.
Việc quốc tế hóa các tập đoàn của Trung Quốc cũng có những đổ vỡ. Thất bại cũng nhiều, trong đó phải kể đến việc mua bán thất bại công ty liên danh Anh-Úc Rio Tinto của công ty Chinalco. Ông Charles-Edouard Bouee, Giám đốc khu vực châu Á của Công ty tư vấn chiến lược Roland Berger phân tích: “người ta nghĩ rằng họ mua lại cả thế giới. Thật không đúng như vậy. Ưu tiên của họ vẫn là thị trường Trung Quốc. Tiếp đó mới là mua lại (nguyên liệu, công nghệ) để phục vụ cho tham vọng của họ khi có cơ hội. Nhưng họ có rất ít khả năng quản lý. Điều này tạo ra những xung đột văn hóa. Ví dụ: việc quản lý rất tập trung, ông chủ người Trung Quốc bao giờ cũng chuyên quyền hơn vị giám đốc quốc tế”.
Hàng năm có 20 tập đoàn Trung Quốc được xếp hạng cạnh tranh nhất. Năm 2009, hai công ty đã nhận giải đặc biệt: Công ty sản xuất máy điều hòa Gree đã trở thành nhãn hiệu nổi tiếng thứ hai tại Braxin và có tới 500 cửa hàng; Công ty ChemChina (Bluestar) đã mua lại công ty chế biến thức ăn gia súc Drakkar Holdings SA của Pháp năm 2005 với giá 460 triệu USD và năm 2006 cũng đã mua một chi nhánh của công ty ty hoá chất Rhodia SA cũng của Pháp.
Theo báo LEMONDE.fr (Bài dịch)