Thứ Sáu, 22/11/2024
Thành phố Hồ Chí Minh
Thứ Ba, 13/9/2022 14:26'(GMT+7)

Một số định hướng hoạt động xuất bản ở Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

SỰ LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC XUẤT BẢN

Trong khoảng 20 năm gần đây, nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng của Đảng đã được ban hành, trong đó Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” là văn bản chỉ đạo có ý nghĩa to lớn, khẳng định rất rõ vị trí, vai trò và định hướng phát triển của hoạt động xuất bản. Chỉ thị nêu rõ: “Hoạt động xuất bản phải coi trọng việc phục vụ nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân, đồng thời phải thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh, xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc. Cần xây dựng những chính sách và cơ chế phù hợp để xuất bản hoạt động có hiệu quả trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đặt trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xuất bản cần tiếp cận đầy đủ cả về thuộc tính tư tưởng, văn hóa lẫn bản chất kinh tế. Hoạt động xuất bản lấy kinh doanh là phương thức chủ yếu để thực hiện chức năng văn hoá và tư tưởng của mình và hoàn thành nhiệm vụ là một ngành kinh tế - công nghệ có tính đặc thù. Chính vì vậy, Chỉ thị khẳng định “cần xây dựng những chính sách và cơ chế phù hợp để xuất bản hoạt động có hiệu quả trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đây là định hướng quan trọng, đúng đắn mà Đảng ta đã xác định để ngành xuất bản phát triển ổn định, vững chắc trong bối cảnh phải thực hiện hiệu quả, đồng thời chức năng tư tưởng - văn hóa (nhiệm vụ chính trị), với chức năng kinh tế (nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh).

Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong nội dung xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đã xác định: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểmngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới. Gắn phát triển văn hoá với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hoá cho các thế hệ mai sau. (…) Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”. Đồng thời, Văn kiện cũng nhấn mạnh: “Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa”. Đây là nội dung quan trọng, vừa mang tính định hướng, vừa để khẳng định vai trò của hoạt động xuất bản trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa, qua đó giới thiệu tri thức thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội, giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tạo động lực to lớn cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong thời gian tới.

CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO PHÁT TRIỂN XUẤT BẢN Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương tập trung nhiều đơn vị xuất bản, in và phát hành nhất của cả nước. Hiện nay, Thành phố có 2/57 nhà xuất bản trong nước là Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM và Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Trẻ; 4 nhà xuất bản do cơ quan Trung ương quản lý nhưng tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Thành phố; 5 văn phòng đại diện của nhà xuất bản nước ngoài đặt tại thành phố; 28 nhà xuất bản của Trung ương và địa phương có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện trú đóng; 1.360 doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động in ấn, trong đó in xuất bản phẩm chiếm 35 % (476 doanh nghiệp); 141 đơn vị doanh nghiệp phát hành và gần 1.000 cửa hàng sách tư nhân đã tạo ra một thị trường phát hành sách sôi động, phong phú đáp ứng thị hiếu và giữ vị trí nhất định trong phân khúc thị trường phát hành sách.

Về ưu điểm, thời gian qua, công tác chỉ đạo, định hướng chính trị trong hoạt động xuất bản được quan tâm bằng hướng dẫn, cụ thể hóa các kết luận, quy định của Trung ương và Thành ủy, giúp cho các nhà xuất bản nâng cao ý thức chính trị, cẩn trọng trong thẩm định nội dung, quy trình xuất bản; hỗ trợ việc xuất bản và phát hành các xuất bản phẩm chất lượng cao. Công tác quản lý nhà nước hoạt động xuất bản cũng có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính; thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật trên lĩnh vực xuất bản - in - phát hành đến các đối tượng; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra và xử lý hành chính đối với các đơn vị hoạt động xuất bản trên địa bàn thành phố.

Một chương trình ra mắt sách tại Đường sách TPHCM vào đầu năm 2021

Một chương trình ra mắt sách tại Đường sách TPHCM vào đầu năm 2021

Bên cạnh đó, các cấp ủy và lãnh đạo cơ quan chủ quản nhà xuất bản của thành phố đảm bảo quản lý toàn diện đối với đơn vị xuất bản trực thuộc; quan tâm chỉ đạo thực hiện các vệt tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm; giải quyết, trang bị cơ sở vật chất cho các nhà xuất bản để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị; quyết liệt trong công tác chỉ đạo sắp xếp tinh gọn bộ máy tổ chức hoạt động của đơn vị xuất bản; định hướng mô hình hoạt động của đơn vị theo hướng thực hiện cơ chế tự chủ. Các đơn vị xuất bản của thành phố cơ bản hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đạt hiệu quả kinh doanh, đáp ứng nhu cầu về xuất bản phẩm của xã hội, góp phần tích cực vào công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng.

Hiện nay, Nhà xuất bản Trẻ hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV khá hiệu quả, đã khắc phục việc tinh gọn chức danh lãnh đạo (chủ tịch hội đồng thành viên đồng thời là tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản); Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố sau hợp nhất, mô hình hoạt động vẫn giữ nguyên là đơn vị sự nghiệp, tự đảm bảo chi thường xuyên. Việc hợp nhất được tiến hành toàn diện từ việc rà soát chức năng, nhiệm vụ của đơn vị gắn với việc sắp xếp, bố trí cán bộ, nhân viên phù hợp, đảm bảo chất lượng, số lượng để nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc sắp xếp hướng đến tinh giản tổ chức bộ máy (có lộ trình), hiệu quả; chỉ đạo thực hiện việc xây dựng đề án vị trí việc làm của đơn vị gắn với kế hoạch đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị để đáp ứng yêu cầu công tác đặt ra.

Tuy nhiên, trước những vấn đề mà cơ quan có thẩm quyền chưa làm rõ hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể, nhất là trường hợp các tác giả có vấn đề về lịch sử chính trị, hoặc tham gia vào những nhóm có ý kiến trái với đường lối, quan điểm của Đảng, thì nên hay không nên xuất bản ấn phẩm của các tác giả này khi nội dung không vi phạm Điều 10 của Luật Xuất bản cũng là vấn đề đặt ra cho ngành xuất bản. Đối với cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý hoạt động xuất bản, việc phối hợp tổ chức giao ban với cơ quan chủ quản, cơ quan xuất bản chưa được đều đặn theo quy định (như có lúc tổ chức 6 tháng/lần hoặc 9 tháng/lần); do đó cơ chế thông tin chưa được thường xuyên, kịp thời. Nguồn nhân lực tham mưu công tác xuất bản hiện nay còn mỏng, khó có thể đáp ứng tốt việc giải quyết những vấn đề tồn tại, phát sinh trong lĩnh vực xuất bản hiện nay.

Bên cạnh đó, công tác tạo nguồn cho xuất bản vẫn chưa thực hiện thật tốt. Hiện nay việc đào tạo một cán bộ lãnh đạo đầy đủ chuyên môn, nghiệp vụ và có kinh nghiệm làm xuất bản vẫn là một bài toán khó, do đó còn tình trạng lúng túng, hụt hẫng khi cần bố trí lãnh đạo xuất bản. Công tác phát triển đảng, bồi dưỡng lý luận chính trị trong đội ngũ cán bộ, biên tập viên làm công tác xuất bản vẫn chưa đạt yêu cầu. Số lượng xuất bản, số lượng in/xuất bản phẩm, sách tái bản còn thấp. Tỷ lệ sách liên kết ở đơn vị xuất bản vẫn còn cao, có khi chiếm 60 - 65%, đã tạo ra sự phát triển chưa đồng đều trong hoạt động xây dựng, khai thác bản thảo giữa các nhà xuất bản thành phố. Xu hướng phát triển của các xuất bản phẩm trên internet và các thiết bị kỹ thuật số cùng với nhu cầu đọc sách điện tử đã hình thành nhưng năng lực đổi mới, nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ xuất bản của các nhà xuất bản còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn...; việc triển khai thực hiện sách tinh gọn như đánh giá của Ban Tuyên giáo Trung ương là còn chậm, nhà xuất bản mới tập trung phát triển sách tóm tắt và sách cẩm nang; số lượng sách tinh gọn còn ít.

Hiện nay, 2 nhà xuất bản của thành phố thuộc trong số 13 đơn vị xuất bản trong cả nước được cấp phép hoạt động xuất bản phẩm điện tử. Tuy nhiên, việc khai thác, vận hành hệ thống xuất bản, phát hành xuất bản phẩm vẫn còn những hạn chế nhất định, cần được đầu tư, nâng cấp đề đáp ứng yêu cầu công nghệ mới hiện nay.

GIẢI PHÁP ĐẶT RA

Để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác xuất bản ở Thành phố Hồ Chí Minh, cần tập trung vào một số nhiệm vụ giải pháp như sau:

Đối với cơ quan chỉ đạo, quản lý về xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan, các cơ quan chủ quản nhà xuất bản sớm nghiên cứu, xây dựng quy hoạch phát triển ngành xuất bản, in và phát hành trên cơ sở đánh giá kỹ thực tiễn, luận giải và cụ thể hóa đầy đủ các yếu tố “tinh gọn”, “chất lượng” và “hiện đại hóa” trong công tác xuất bản. Theo đó, căn cứ theo từng lĩnh vực cụ thể để xây dựng quy hoạch và sắp xếp lại mạng lưới các nhà xuất bản theo hướng chuyên nghiệp hóa từng lĩnh vực gắn với đề án xây dựng chiến lược công nghệ và nguồn nhân lực. Cần sớm rà soát, hoàn thiện thể chế, từng bước cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong công tác xuất bản, trong đó có việc khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản năm 2012 nhằm khắc phục một số chính sách không khả thi, chậm đi vào cuộc sống, đồng thời bổ sung những chính sách mới để kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác xuất bản giai đoạn hiện nay. Đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tập trung công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các vi phạm về bản quyền trong hoạt động xuất bản để tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị xuất bản, in, phát hành trong phạm vi cả nước.

Đối với các cơ quan chủ quản, cần quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực biên tập viên và nhân sự lãnh đạo kế cận đáp ứng được tiêu chuẩn và thực tiễn công việc, tránh tình trạng thiếu hụt nhân sự kéo dài. Quan tâm đầu tư đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản, đóng góp vào sự phát triển - đưa ngành xuất bản trở thành ngành kinh tế, công nghệ hiện đại. Bên cạnh việc định hướng, chỉ đạo nhà xuất bản thực hiện xuất bản được nhiều sách có giá trị, đúng định hướng, có sức lan tỏa, tác động tích cực vào nhận thức xã hội thì các cơ quan chủ quản cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chủ quản; kịp thời uốn nắn, xử lý các sai sót, vi phạm của nhà xuất bản, đặc biệt là sai phạm về nội dung xuất bản phẩm. Phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan quản lý trong việc định hướng các nhà xuất bản thực hiện sách đặt hàng từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Đối với các nhà xuất bản, cần tập trung nghiên cứu, xác định đề tài và xuất bản các xuất bản phẩm để phục vụ nhiệm vụ chính trị trọng tâm; các vấn đề trọng yếu, liên quan đến đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước… Chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng biên tập và hiệu xuất phát hành xuất bản phẩm; tăng cường công tác quản lý, quản trị nội bộ; kiểm soát chặt chẽ quy trình xuất bản, quy trình liên kết xuất bản; thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật bảo xuất bản đúng với tôn chỉ, mục đích hoạt động. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xuất bản, phát hành nhằm phục vụ hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đưa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị, điều hành, hoạt động chuyên môn của đơn vị. Đồng thời, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, sự tham gia giám sát, phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội tại các nhà xuất bản để tập trung làm tốt công tác cán bộ, xây dựng kế hoạch dài hạn đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Như vậy có thể nói, ngày nay, trước sự phát triển của khoa học - công nghệ và tác động của nó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động xuất bản cần tập trung lãnh đạo, định hướng cho các cơ quan chủ quản nhà xuất bản và các đơn vị xuất bản nhận ra những cơ hội và thách thức, giải quyết những yêu cầu đặt ra về mô hình hoạt động, cơ sở hạ tầng, công nghệ, nhân lực, định hướng phát triển... để chủ động bắt nhịp xu hướng phát triển của xuất bản thế giới. Trong đó, việc sắp xếp, quy hoạch ngành xuất bản một cách khoa học, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cùng với định hướng phát triển cụ thể mới có thể phát huy được những ưu thế của từng đơn vị xuất bản trong tình hình mới.

Phùng Thị Phương
Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất