Tuy
nhiên, thực tế công tác này cho thấy vấn đề dân số, kế hoạch hoá gia
đình, vấn đề dân số và phát triển là những vấn đề hết sức phức tạp và tế
nhị vì nó không chỉ đơn thuần là vấn đề sinh học. Bản thân nó là vấn đề
mang tính xã hội, chịu sự tác động của cả quy luật tự nhiên và cả quy
luật xã hội. Dân số tăng hay giảm, chất lượng dân số có được đảm bảo hay
không, không chỉ phụ thuộc vào các chủ trương, chính sách của các cấp
quản lý, mà còn phụ thuộc vào nhận thức của con người gắn liền với phong
tục, tập quán truyền thống, môi trường kinh tế, môi trường xã hội văn
hóa mà con người đang sống.
1. Dân số và phát triển
không chỉ là công việc của một quốc gia mà còn là công việc của từng
người, từng gia đình, của cả xã hội và cả nhân loại.
Tính văn hoá trong dân số
và phát triển thể hiện trước hết ở nhận thức, quan niệm của mỗi người
về việc duy trì và phát triển nòi giống. Ngày nay, thế giới đang quan
tâm đến vấn đề ''Phát triển con người bền vững'', có nghĩa là xem xét sự
phát triển của con người trong mối quan hệ với những vấn đề khác liên
quan trực tiếp tới sự phát triển của chính con người, như môi truờng
sinh thái, dân số, sức khoẻ phụ nữ và vị thành niên, chất lượng đời sống
văn hoá cộng đồng...
Khái niệm con người phát
triển bền vững là con người phát triển khởi nguồn từ văn hoá và nhằm tới
văn hoá, không lấy phát triển kinh tế làm mục đích tối thượng, đơn
thuần mà phải bảo đảm các quyền cơ bản của con người như quyền phát
triển, chính trị, công dân, học tập giải trí… Tất cả những điều này thể
hiện chất lượng cuộc sống của con người, gắn với quyền lợi dân tộc, quốc
gia.
Chất lượng cuộc sống cao
hay thấp phụ thuộc vào khả năng đáp ứng của xã hội đối với những nhu cầu
cơ bản của mỗi cá nhân. Nó còn liên quan đến việc có kiểm soát, điều
chỉnh được sự gia tăng dân số phù hợp với những điều kiện cơ bản, tạo đà
cho sự phát triển hay không.
2. Giá trị văn hoá của
vấn đề dân số và phát triển càng biểu hiện qua luận điểm: con người phải
tiến tới làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân. Đó là
mục tiêu cao đẹp của văn hoá. Không có văn hóa, không có trình độ học
vấn và KHKT, công nghệ thì không thể làm chủ bất cứ cái gì. Con người
trong lịch sử phát triển của mình là quá trình phát triển từng bước liên
tục, truyền đạt những kinh nghiệm sống (hiểu biết, khả năng lao động,
thái độ ứng xử, giữa con người với thiên nhiên...).
Văn hoá và giáo dục
là hai mặt của vấn đề dân số và phát triển. Nó gắn với con người và cùng
tồn tại, phát triển với con người. Trình độ văn hoá có được là thông
qua giáo dục. Ngày nay, khi nhiều châu lục trên thế giới đang gióng lên
hồi chuông khẩn thiết kêu gọi hạn chế sự gia tăng dân số, tránh nguy cơ
bùng nổ dân số, xây dựng một cuộc sống chất lượng hơn, phát triển hơn
thì có thể coi đó chính là hành động có văn hoá của con người. Nhưng để
đạt đến trình độ văn hóa nào đó cao hơn thì con người cần đề cao giáo
dục. Trong lĩnh vực dân số và phát triển, giáo dục dân số (trong sự liên
quan mật thiết với nhiều lĩnh vực khác) cho mọi người, các dân tộc, cả
cộng đồng là một vấn đề quan trọng, nhất là đối với nước ta. Coi trọng
tuyên truyền, giáo dục về dân số, đi sâu vào các vấn đề của chất lượng
cuộc sống chính là vai trò cơ bản của công tác giáo dục cũng như văn
hoá.
Đảng và Nhà nước ta đã đề
ra một mục tiêu, một khẩu hiệu đẹp, đồng thời là mô hình gia đình hiện
đại, có văn hoá. Đó là ''mỗi gia đình chỉ nên có một hoặc hai con để
nuôi dạy cho tốt''. Đây là một nét đẹp văn hoá cộng đồng. Nó đẹp bởi
tính hợp lí, hợp tình, nét đẹp có văn hoá trong giáo dục dân số, sao để
mỗi gia đình với quy mô dân số hợp lí như thế hãy nuôi dưỡng con cái
khoẻ mạnh về thể chất, tinh thần, thông minh, có ích cho xã hội, đất
nước sau này. ở đây, việc giáo dục dân số đã góp phần nâng cao trình độ
văn hoá cho chính mỗi con người, mỗi gia đình trong xã hội hiện đại ngày
nay. Cách tiếp cận giáo dục dân số từ góc nhìn văn hoá như trên sẽ giúp
thêm tính hiệu quả cho việc tuyên truyền dân số và phát triển trong
giai đoạn hiện nay.
3. Mối quan hệ giữa văn
hoá với dân số và phát triển, thể hiện ở khía cạnh nữa là vấn đề nâng
cao trình độ dân trí và văn hoá cộng đồng. Trình độ dân trí và sự thụ
hưởng văn hoá của nhân dân đựơc nâng cao chính là điều kiện thuận lợi
cho công tác tuyên truyền dân số và phát triển. NQTW5 (khoá VIlI) đã xác
định: ''làm cho văn hoá thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã
hội, vào từng người, từng gia đình, vào mỗi lĩnh vực sinh hoạt và quan
hệ con người, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình
độ dân trí cao, khoa học phát triển...'' là với lí do đó.
Chính sự chênh lệch về
trình độ dân trí giữa miền núi và thành thị, sự mất công bằng trong
hưởng thụ văn hoá của nhân dân các vùng, miền, giữa các vùng kinh tế
phát triển chưa đồng đều đã tác động sâu sắc tới công tác tuyên truyền
dân số và phát triển hiện nay.
Muốn nâng cao dân trí và
trình độ văn hoá không còn con đường nào khác là phát triển và nuôi
dưỡng tốt việc dạy và học. Tạo điều kiện và môi trường cho con em nhân
dân được đi học, được hưởng thụ văn hoá với nhiều hình thức đa dạng và
phong phú, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết của người
dân.
Các thiết chế văn hoá cơ sở như nhà văn hoá, thư viện, hệ thống
truyền thanh, các đội văn nghệ quần chúng, thông tin lưu động, sách báo,
tài liệu chuyên đề, tờ rơi về dân số KHHGĐ, dân số và phát triển... là
rất cần thiết, đặc biệt là đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi, bởi đây
là công cụ tác động trực tiếp, cụ thể tới đối tượng. Thực tế đã chỉ ra
rằng, nơi nào các cấp uỷ, chính quyền, các ngành chức năng ở địa phương,
cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư, chăm lo đời sống vật chất
cũng như tinh thần, trong đó có văn hoá cộng đồng thì hiệu quả kinh tế,
xã hội và công tác dân số KHHGĐ, cũng như mối quan hệ giữa dân số phát
triển với các mặt khác của đời sống nhân dân sẽ được nâng cao rõ rệt.
Công tác thông tin - giáo
dục - truyền thông dân số lâu nay đã đề cập nhiều về các biện pháp giảm
tỉ lệ gia tăng dân số nhưng còn nói một chiều; chưa đề cập nhiều đến
các vấn đề mới như chất lượng dân số, nguồn lực, mối quan hệ dân số, môi
trường, sức khoẻ cộng đồng, sức khoẻ vị thành niên, bình đẳng giới,
chất lượng cuộc sống...
Để đáp ứng yêu cầu của
việc tuyên truyền dân số và phát triển phù hợp với giai đoạn mới, đặc
biệt ở khía cạnh văn hoá, giáo dục, các cấp uỷ, chính quyền cơ sở, các
ngành tuyên giáo, văn hoá thông tin, giáo dục, y tế... cần làm cho cán
bộ, đảng viên nhận rõ vị trí của công tác này trong môi quan hệ giữa dân
số KHHGĐ với dân số và phát triển.
Lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức tốt
việc lồng ghép chương trình dân số KHHGĐ với phát triển kinh tế - xã hội
ở địa phương, cơ sở, nghĩa là đặt mối liên hệ mật thiết các yếu tố khác
nhau của dân số với phát triển trong sự thống nhất của một thực thể. ở
đây, ngành tuyên giáo, văn hoá - thông tin cần tham
mưu cho cấp uỷ các chủ trương kế hoạch, chương trình của ngành mình,
phối hợp thực hiện tốt chương trình dân số với phát triển kinh tế, văn
hoá, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, trong đó không
thể thiếu vắng sự quan tâm về mặt nâng cao dân trí, chất lượng hưởng
thụ văn hoá, giáo dục; đẩy mạnh văn hoá, văn nghệ cộng đồng thông qua
các hình thức đa dạng, phong phú với sự đầu tư cho các thiết chế văn hoá
ở mỗi địa phương, cơ sở./.
ThS. Trần Thu Hiền